Thủ tướng Pháp Gabriel Attal tuần trước đệ đơn từ chức sau khi liên minh trung hữu của Tổng thống Emmanuel Macron thất bại trong vòng bầu cử thứ hai của cuộc bầu cử quốc hội. Tuy nhiên, Tổng thống Macron từ chối và đề nghị ông tại nhiệm thêm thời gian ngắn để duy trì sự ổn định.
Sau cuộc họp ở Điện Elysee ngày 16/7, ông Macron chấp thuận đơn từ chức của Thủ tướng Attal, nhưng tiếp tục đề nghị ông duy trì chức vụ cho đến khi chính phủ mới được thành lập. Động thái này được cho là biểu hiện chính trị Pháp vẫn trong tình trạng mơ hồ, chưa rõ chính phủ kế nhiệm.
"Để giai đoạn này kết thúc càng sớm càng tốt, các lực lượng Cộng hòa phải cùng nhau xây dựng sự thống nhất và hành động phục vụ người dân Pháp", Điện Elysee ra tuyên bố cho hay.
Hiến pháp Pháp quy định tổng thống bổ nhiệm thủ tướng mới, nhưng không nêu chi tiết cách thức cũng như khung thời gian thực hiện việc này. Cho đến khi chính phủ mới được bổ nhiệm, chính phủ lâm thời sẽ nắm quyền, ứng phó các trường hợp khẩn cấp nhưng không được ban hành bất kỳ cải cách lập pháp nào.
Các nghị sĩ Pháp sẽ họp ngày 18/5 để bầu chủ tịch quốc hội, gồm hai vòng bỏ phiếu và ai giành được đa số trong cơ quan 577 ghế sẽ giành chiến thắng. Nếu không ai chiến thắng trong hai vòng bỏ phiếu đầu tiên, ứng viên giành được sự ủng hộ lớn nhất trong quốc hội sẽ được chọn trong vòng bỏ phiếu thứ ba.
Sau khi từ chức, ông Attal và các bộ trưởng sẽ được phép bỏ phiếu bầu chủ tịch quốc hội, với tư cách nghị sĩ.
Đảng Mặt trận Quốc gia (RN) của Marine Le Pen đã dẫn đầu trong vòng đầu tiên bầu cử quốc hội, dẫn tới khả năng Pháp lần đầu tiên có chính phủ cực hữu kể từ Thế chiến II.
Nhưng phe trung dung và cánh tả sau đó đã liên hợp để chặn đà tiến của RN. Cuối cùng, RN tụt xuống vị trí thứ ba ở vòng hai. Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) giành được nhiều ghế nhất, phe trung dung của ông Macron xếp thứ hai.