Quốc hội của khối đại đoàn kết toàn dân
Đúng như nhận định của Đảng ta: “Thắng lợi Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra triển vọng của thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội mới, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ, một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội đối ngoại”.
Nhân dân lao động Hà Nội cổ động cho Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946. Ảnh Internet
Có thể nói, Quốc hội khóa I ra đời từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, từ sự lựa chọn dân chủ, bình đẳng, tự do của những người công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không có sự phân biệt gái, trai, dân tộc, tôn giáo, giai tầng xã hội. 333 đại biểu Quốc hội được Nhân dân 3 miền trong cả nước bầu ra là những con người ưu tú, nhận được sự tín nhiệm cao. Trong đó Bắc Bộ có 132 đại biểu, Trung Bộ có 108 đại biểu, Nam Bộ có 73 đại biểu...
Ngày 5/1/1946, hàng nghìn người Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Ảnh: Tư liệu
Nhìn vào thành phần đại biểu, có thể thấy rất rõ Quốc hội lập quốc là tượng trưng cho khối đại đoàn kết dân tộc. Nơi đây tập hợp một cách đầy đủ các thành phần giai cấp, các lứa tuổi, đại diện ưu tú của mọi ngành nghề của xã hội. Giới văn nghệ sỹ, nhà văn Nguyễn Đình Thi là đại biểu trẻ nhất, mới 22 tuổi; đại biểu cao tuổi nhất là nhà tư sản, chủ nhà in Ngô Tử Hạ (nơi lần đầu tiên in đồng bạc Cụ Hồ) trúng cử ở tuổi 64.
Bên cạnh thế hệ “cách mệnh” như: Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng... có sự góp mặt của nhiều nhân sỹ, trí thức tiêu biểu, các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ nổi tiếng thời bấy giờ như: Nguyễn Văn Tố, Hoàng Đạo Thúy, Thái Văn Lung, Huỳnh Tấn Phát, Đặng Thai Mai...; có sự hiện diện của những nhà tư sản, thương gia hàng đầu đất nước như: Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô...
Bác Hồ tham gia bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh: Tư liệu
Bên cạnh các đại biểu trí thức là công nhân, nông dân của các vùng, miền làm cho Quốc hội trở thành một bức tranh đa sắc màu, nói lên sự đoàn kết của toàn dân tộc trong tìm kiếm vận hội mới của một nước Việt Nam thống nhất. Sự đa dạng của Quốc hội khóa I Việt Nam biểu hiện rõ nét nhất ở sự chung tay, hợp lực giữa những người không đảng phái và các đảng phái chính trị.
Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946
Ngoài Đảng Cộng sản còn có các đại biểu thuộc các Đảng Dân chủ, Xã hội, các thành phần tôn giáo như linh mục Phạm Bá Trực (Thiên chúa giáo), Thượng tọa Thích Mật Thể (Phật giáo)… Một số đại biểu từng là những những quan chức trọng yếu của chế độ cũ như Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, cựu hoàng đế Bảo Đại.... nay có nguyện vọng cùng chung tay, góp sức xây dựng đất nước.
Kỳ họp ngắn nhất trong lịch sử Quốc hội
Cho đến nay, Quốc hội nước ta đã qua XIV nhiệm kỳ, song chỉ có kỳ họp thứ nhất của nhiệm kỳ đầu tiên là đặc biệt nhất, chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 4 giờ đồng hồ. Trong 4 giờ của thời điểm lịch sử ngày 2/3/1946, tại Thủ đô Hà Nội, Quốc hội được chứng kiến vị đại diện cho Chính phủ là Chủ tịch Hồ Chí Minh, giản dị trong bộ đồ ka ki 4 túi màu trắng, báo cáo về hoạt động của Chính phủ từ sau ngày nước nhà độc lập.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh Internet
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việc hệ trọng nhất bây giờ là kháng chiến” và đề nghị: “Chính phủ lâm thời giao lại quyền cho Quốc hội để tổ chức một Chính phủ mới, một Chính phủ kháng chiến và kiến quốc”.
Với sự đồng lòng, nhất trí cao, Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ nhất đã thống nhất thông qua danh sách các thành viên Chính phủ Liên hiệp kháng chiến; lập ra cố vấn đoàn, kháng chiến ủy viên hội; bầu Ban Thường trực Quốc hội; chấp nhận mở rộng thành phần Quốc hội thêm 70 đại biểu của Việt Quốc, Việt Cách không thông qua bầu cử, nâng tổng số đại biểu Quốc hội lên thành 403 người.
Một trong những nội dung rất quan trọng là kỳ họp đã thông qua Tuyên ngôn của Quốc hội. Đây là bản tuyên bố của Quốc hội với quốc dân Việt Nam và Nhân dân thế giới, rằng: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể Nhân dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam. Chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ cộng hòa, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp Nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2/3/1946). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Ban Thường trực Quốc hội được bầu ra với 15 ủy viên chính thức, 3 ủy viên dự khuyết do cụ Nguyễn Văn Tố làm trưởng ban. Ban Dự thảo Hiến pháp cũng đã được Quốc hội bầu ra, gồm 11 người.
Có thể khẳng định rằng, Quốc hội khóa I và kỳ họp thứ nhất, ngày 2/3/1946 là sự trưởng thành và lớn mạnh của Nhà nước Việt Nam mới. Ngay từ buổi đầu thành lập, Quốc hội đã thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước Việt Nam.
Đúng như lời Hồ Chủ Tịch đã nêu rõ trong diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I: “Quốc hội ta là Quốc hội của toàn dân, được bầu ra theo luật tuyển cử rất dân chủ, tự do, phổ thông, bỏ phiếu kín. Vì vậy, Quốc hội là tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết toàn dân, cho chí khí quật cường của dân tộc, cho quyết tâm độc lập, thống nhất của toàn thể đồng bào ta từ Bắc đến Nam...”