Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận giao dịch một cửa phường Bắc Hà.
Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận “một cửa” TP Hà Tĩnh) cũng như các điểm giao dịch "một cửa" các phường, xã trên địa bàn, các quyết định, quy chế về xin lỗi công dân đã được niêm yết công khai ở vị trí trung tâm, dễ quan sát. Chủ tịch UBND phường Bắc Hà Trần Viết Minh cho biết: “Chúng tôi coi việc triển khai quy chế này là tạo môi trường cho cán bộ, công chức luôn có ý thức điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực trong mọi giao dịch để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Vì vậy, phường đã quán triệt quyết định về thực hiện xin lỗi công dân tại các cuộc họp cốt cán. Cùng với niêm yết công khai quy định mới, phường đã phổ biến thông tin rộng rãi tới người dân thông qua các cuộc họp tổ dân phố”.
Cuối tháng 9/2016, quyết định và các quy định cụ thể về việc yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hợp đồng trong các cơ quan hành chính nhà nước phải công khai xin lỗi nhân dân khi xảy ra trường hợp gây khó khăn, phiền hà hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính được ban hành. Dẫu ban đầu trong quá trình tham gia góp ý xây dựng quy chế đến việc triển khai thực hiện quy định hết sức mới mẻ này, đội ngũ cán bộ, viên chức đều cảm thấy e ngại, tuy nhiên, khi áp dụng vào công việc một cách cụ thể, nhiều người đã chia sẻ rằng, đây có thể coi là chiếc gương để họ thường xuyên soi mình, tự nhắc nhở thực hiện nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất.
Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Trần Quốc Toản cho biết: Quy chế đã quy định rất rõ về các hành vi phải xin lỗi, trách nhiệm, cách thức công khai xin lỗi và xem xét xử lý vi phạm sau khi thực hiện. Hiện nay, UBND thành phố đã chỉ đạo niêm yết công khai quy định này tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, địa phương, đơn vị. Tại các vị trí này cũng sẽ dành vị trí để niêm yết các văn bản xin lỗi của các cá nhân vi phạm quy định.
Quy định và quy chế xin lỗi công dân được triển khai quyết liệt cùng với các giải pháp hiệu quả trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hoạt động bộ máy đang được thực hiện đồng bộ đã mang đến những tín hiệu đáng mừng bước đầu. Theo số liệu từ Văn phòng UBND thành phố, 11 tháng năm 2016, số lượng hồ sơ tiếp nhận qua bộ phận một cửa tăng lên với tổng số hơn 10.400 hồ sơ, nhưng tỷ lệ tồn đọng lại giảm đáng kể. Ví dụ như hồ sơ giải quyết các thủ tục đất đai năm nay lên tới gần 7.400 bộ, nhưng số tồn đọng chỉ có 9 hồ sơ (năm 2015 là 57 hồ sơ).
Trao đổi về việc thực hiện quy định mới này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: “Xây dựng chính quyền đô thị thân thiện là một mục tiêu lớn nhưng lại phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Công chức, viên chức cần xin lỗi công dân nếu có trường hợp gây khó khăn, phiền hà hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, làm ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của công dân, đây là việc phải làm một cách tự nguyện và nghiêm túc”.
Để quy định được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, thành phố đang đẩy mạnh các kênh tuyên truyền đến tận người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, để quy định này được thực thi hiệu quả, điều quan trọng là người dân vừa phải có ý thức chấp hành pháp luật, vừa hiểu được rằng, các cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm phục vụ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của công dân. Từ đó, công dân phải tích cực bảo vệ quyền lợi của chính mình bằng việc tham gia theo dõi, giám sát, phản ánh việc thực hiện của các công chức, viên chức, phòng ban, cơ quan cụ thể.
Bí thư Thành ủy cho biết thêm, cùng với quy chế xin lỗi công dân được ban hành, thành phố vừa triển khai quy định về việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn. Cấp thành phố sẽ thực hiện đối thoại 6 tháng/lần và cấp phường, xã 1 quý/lần. Qua đó, sẽ tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”.
Những động thái tích cực này của TP Hà Tĩnh đang mang đến niềm hy vọng về một nền hành chính được cải cách một cách mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng hình ảnh chính quyền đô thị thân thiện, kỷ cương.