Nhiều năm qua, TP Hà Tĩnh chú trọng nhiều giải pháp cải cách hành chính, trong đó, tập trung xây dựng chính quyền đô thị thân thiện hướng đến môi trường thân thiện, bắt đầu từ người cán bộ. Sau thành công của việc thực hiện quy chế xin lỗi công dân, quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân, thành phố đã tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm hiện đại hóa nền hành chính.
Thời gian qua, TP Hà Tĩnh đã tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm hiện đại hóa nền hành chính.
Ông Phạm Hùng Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Xây dựng chính quyền đô thị minh bạch, liêm chính, hiệu quả, theo hướng thân thiện chính là việc thực hiện một chuỗi hoạt động trong cải cách hành chính và đổi mới của chính quyền như: cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở, xây dựng đạo đức công vụ, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, đổi mới công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Thời gian qua, TP Hà Tĩnh đã mạnh dạn, chủ động loại bỏ rào cản giữa công dân, tổ chức trong xã hội với chính quyền, làm cho người dân, tổ chức không còn lo ngại khi tiếp xúc, làm việc với chính quyền và người dân được thực hiện quyền làm chủ của mình, đề xuất các ý kiến đối với chính quyền; đồng thời chính quyền thành phố kịp thời tiếp thu, xử lý các kiến nghị, phản ánh của người dân”.
TP Hà Tĩnh chú trọng xây dựng hình ảnh người cán bộ thân thiện thông qua các buổi tiếp công dân.
Nhiều năm qua, lòng tin của Nhân dân từng bước được nâng lên khi hình ảnh người cán bộ, nhất là ở Trung tâm Hành chính công của thành phố cũng như các điểm giao dịch “một cửa” các phường, xã trên địa bàn trở nên gần gũi hơn. Các quyết định, quy chế về xin lỗi công dân được niêm yết công khai ở vị trí trung tâm, dễ quan sát cũng tăng thêm niềm tin cho Nhân dân.
Chị Nguyễn Thị Trà (phường Thạch Quý) cho hay: “Không còn cảnh phải chờ đợi quá lâu và phải “cầu cạnh” cán bộ như ngày xưa nữa. Bây giờ tôi đến ở đâu cũng được cán bộ đón tiếp nồng hậu, thân thiện. Những nỗ lực cải cách hành chính của thành phố thời gian qua cũng đã giúp chúng tôi giải quyết các thủ tục nhanh gọn hơn”.
Nhiều xã, phường coi đây là cách để rèn luyện hiệu quả cho cán bộ, công chức, giúp đội ngũ này điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực trong mọi giao dịch để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Hơn thế nữa, tại các điểm giao dịch “một cửa”, các phường, xã đều đặt hòm thư góp ý nhằm nắm bắt ý kiến của người dân để kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời.
Chị Ngô Thị Huyền Nhung - cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Hà Tĩnh cho biết: “Sự thân thiện của cán bộ, công chức đã tạo ra tâm lý thoải mái cho người dân giúp họ cởi mở hơn trong giao tiếp, ứng xử, phối hợp tốt hơn trong giải quyết công việc, tạo nên sự khác biệt so với trước đây; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lấy sự hài lòng của người dân để đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của bản thân”.
Chị Ngô Thị Huyền Nhung hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công thành phố.
Để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính, từ ngày 1/1/2020, TP Hà Tĩnh còn thực hiện mô hình tổ dân phố điện tử, tổ dịch vụ công lưu động. Đến nay, tổ dân phố điện tử đã hướng dẫn quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho trên 500 lượt người, phát sinh 89 hồ sơ trực tuyến mức độ 3.
Hiện nay, 15/15 phường, xã trên địa bàn thành phố đã thành lập tổ dịch vụ công lưu động, có quy chế và kế hoạch hoạt động của tổ; thành viên tổ chủ yếu gồm cán bộ đoàn thành niên, đoàn thể và công chức phường, xã. Từ tháng 6/2020, các tổ được thành lập và đến nay đã giải quyết được 75 hồ sơ trực tuyến cho Nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là các đối tượng khó khăn như ốm đau, tàn tật, già cả, neo đơn... chưa tiếp cận được dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4.
Người dân viết phiếu đánh giá về việc giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công TP Hà Tĩnh.
TP Hà Tĩnh là trung tâm văn hóa, chính trị của tỉnh, tại đây cán bộ, công chức không chỉ giao tiếp với công dân, doanh nghiệp trên địa bàn mà còn tiếp xúc với nhiều đối tác đầu tư, công dân địa bàn khác. Chính vì vậy, xây dựng hình ảnh người cán bộ thân thiện có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là bộ mặt của chính quyền đô thị thân thiện.
Thời gian qua, cùng với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, người dân cũng có điều kiện thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia đóng góp ý kiến về một số nội dung, cách thức thể hiện cho phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của địa phương. Đặc biệt, cùng góp phần xây dựng hình ảnh người Thành Sen thân thiện, văn minh.