Trạm thu phí công trình BOT đặt "nhầm" chỗ, người dân thiệt thòi!

(Baohatinh.vn) - Đáng lẽ, người dân trong vùng dự án phải là những đối tượng hưởng lợi nhất từ các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), thế nhưng, quyền lợi chính đáng đó của nhiều người dân ở một số huyện trong tỉnh ta chưa được đảm bảo, thậm chí bị thiệt thòi...

Quyền lợi của dân bị ảnh hưởng

Dự án Nâng cấp, mở rộng QL 1A đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh TP Hà Tĩnh có chiều dài hơn 35 km, với tổng mức đầu tư 2.434,3 tỷ đồng, được Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) làm chủ đầu tư. Để nhanh hoàn vốn, ngay sau khi đưa vào khai thác, chủ đầu tư đã lựa chọn điểm “yết hầu” để đặt trạm thu phí là cầu Bến Thủy I và Bến Thủy II. Cùng với đó, chỉ trong thời gian ngắn, mức phí đã liên tục tăng từ 15 ngàn đồng lên 45 ngàn đồng/lượt. Điều này khiến cho nhiều người dân ở Nghi Xuân, Đức Thọ, Hồng Lĩnh, Hương Sơn... bức xúc, thậm chí là có những phản ứng tiêu cực vì họ không sử dụng, hoặc sử dụng rất ít công trình BOT nhưng lại phải trả phí cao ngất ngưởng.

tram thu phi cong trinh bot dat nham cho nguoi dan thiet thoi

Đặt trạm thu phí tại các cầu Bến Thủy, nhiều người không sử dụng công trình BOT vẫn phải trả phí cao.

Có thêm điều phi lý khác trong việc thu phí dự án này là chủ đầu tư sử dụng các trạm thu phí tại 2 cầu Bến Thủy để thu hộ thêm 4 dự án BOT khác nằm trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chính điều vô lý này đã khiến mức phí bị đẩy lên cao và người dân phải “móc túi” trả cho những sản phẩm mà mình không sử dụng...

Tương tự, tình trạng “tận thu” cũng được Tổng Công ty Sông Đà - chủ đầu tư dự án Xây dựng QL 1A tuyến tránh TP Hà Tĩnh thực hiện bằng cách lùi điểm thu phí cách công trình BOT tới 20 km về phía Nam. Cứ thế, gần 10 năm nay, rất nhiều phương tiện không hề đi qua công trình BOT có tổng mức đầu tư gần 807 tỷ đồng này mà vẫn phải đều đặn trả phí. Người dân thiệt thòi là vậy nhưng dường như tình trạng này khó có thể chấm dứt vì đang có những ý kiến cho rằng, thời gian hoàn vốn gần hết (tổng thời gian thu phí là 13 năm 10 tháng, tính từ 1/1/2009), nếu đầu tư trạm thu phí mới thì sẽ tốn kém, gây lãng phí?

Chủ đầu tư lần khần giải quyết

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã phản ánh những bất cập trong việc đặt điểm thu phí, mức phí của các công trình BOT hiện nay trên địa bàn. Và theo Chủ tịch UBND tỉnh thì: “Hiện nay, người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh không đồng thuận, thậm chí phản ứng khá gay gắt việc đặt các trạm thu phí BOT chưa phù hợp, mức phí thu quá cao, không sử dụng các công trình BOT mà vẫn phải đóng phí. Do đó, các nhà đầu tư nên tính toán hiệu quả kinh tế để có mức thu hợp lý, không nên “tận thu” đối với người dân trong khu vực.

Việc khai thác dự án phải dựa trên tinh thần người dân trong vùng là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Có như vậy mới đảm bảo được quyền lợi và tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, hạn chế được những vụ việc gây mất ổn định tình hình. Đặc biệt, riêng đối với điều chỉnh mức vé, điểm thu phí của dự án Nâng cấp, mở rộng QL 1A đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh TP?Hà Tĩnh sẽ giúp xóa bỏ được “rào cản” để thúc đẩy phát triển KT-XH theo hướng kết nối quy hoạch vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh đến năm 2025 mà Chính phủ quy hoạch...”.

Nói về phản ứng chính đáng của người dân, ông Trần Báu Hà - Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân cho rằng: “Mức thu phí cao, điểm thu phí bất hợp lý ở cầu Bến Thủy đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, đi lại, sinh kế của người dân Nghi Xuân”.

Trong khi các bất cập đã được chỉ ra, người dân ngày càng bức xúc, chính quyền các cấp phải lo lắng thì thêm một lần nữa, đại diện chủ đầu tư lảng tránh giải quyết vấn đề và đẩy “quả bóng trách nhiệm” đi nơi khác. Ông Ngô Trọng Nghĩa - Phó Tổng giám đốc Cienco4 cho rằng: “Việc tăng giảm phí, miễn giảm đối tượng thu phí, di dời trạm thu thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư không thể quyết định được. Hiện, chúng tôi đang đề xuất Bộ GTVT và các cơ quan có thẩm quyền để sớm được giải quyết...”.

Khi các chủ đầu tư đặt lợi ích của mình lên hàng đầu mà xem nhẹ quyền lợi của người dân thì khó có thể mong chờ sự hợp tác tích cực từ họ. Vì vậy, ngoài sự chia sẻ của người dân, sự tích cực vào cuộc của chính quyền các cấp thì có sự phụ thuộc rất lớn từ chủ đầu tư và tinh thần chỉ đạo của các bộ, ngành T.Ư. Hy vọng, câu hỏi “Người dân còn bị thiệt thòi từ các công trình giao thông BOT đến bao giờ?” sẽ sớm có lời giải.

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.