Tranh cãi về vai trò của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông

Việc Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 13-12 kêu gọi Liên Hợp Quốc (LHQ) đảm nhận vai trò dẫn dắt tiến trình hòa bình Trung Đông và bắt đầu một cơ chế mới, dấy lên tranh cãi về vai trò bấy lâu nay của Washington trong tiến trình đàm phán hòa bình tại Trung Đông.

Nhiều nước phản đối “quyết định về Jerusalem”

CNN đưa tin, lãnh đạo 57 quốc gia thuộc OIC (Tổ chức Hợp tác Hồi giáo), tổ chức liên chính phủ lớn nhất của người Hồi giáo, đã tổ chức cuộc gặp ở Istanbul vào ngày 13-12 dưới sự chủ trì của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyp Erdogan để bàn về tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.

Trong bài phát biểu của mình tại đây, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã gọi quyết định của Tổng thống Mỹ là đe dọa hòa bình thế giới. Ông Abbas kêu gọi LHQ bắt tay vào tiến trình hòa bình, và tạo ra một cơ chế mới cho tiến trình này vì Mỹ đã không còn "phù hợp" với nhiệm vụ ấy nữa...

Cũng trong khuôn khổ cuộc gặp, OIC đã thông qua một tuyên bố chung "công nhận Nhà nước Palestine và Đông Jerusalem là thủ đô bị chiếm đóng của Palestine" và kêu gọi tất cả các nước làm điều tương tự. Tuyên bố của OIC cũng coi hành động của Tổng thống Trump là "vô giá trị và không có hiệu lực", đồng thời gọi đây là “sự rút lui của Washington khỏi tiến trình hòa bình Israel – Palestine”.

Phát biểu sau cuộc họp của OIC, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng Mỹ không còn có thể đóng vai trò trung gian trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Ông nhấn mạnh, cần phải thảo luận về nước sẽ đóng vai trò trung gian cho các cuộc hòa đàm "kể từ bây giờ" và điều này cần được giải quyết tại LHQ.

tranh cai ve vai tro cua my trong tien trinh hoa binh trung dong

Thế giới đang có những phản ứng trái chiều liên quan đến tuyên bố của ông Trump về Jerusalem. Ảnh: JBN

Tới ngày 14-12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nhiều quốc gia sẽ mở Đại sứ quán tại Đông Jerusalem. Ông Cavusoglu nhấn mạnh: "Việc công nhận Nhà nước Palestine là hoàn toàn phù hợp với các quyết định của LHQ. Chúng tôi sẽ đấu tranh để Đông Jerusalem được công nhận là thủ đô của Palestine".

Cùng ngày, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, đồng thời khẳng định quan điểm của EU là quy chế của thành phố này phải được giải quyết thông qua đàm phán. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, lãnh đạo EU khẳng định cam kết của mình về giải pháp hai nhà nước, đồng thời nhấn mạnh quan điểm của EU về Jerusalem là không thay đổi trong bối cảnh hiện nay...

Thêm một lần căng thẳng về Iran

Trong bối cảnh thế giới đang có những phản ứng trái chiều liên quan đến tuyên bố của ông Trump về Jerusalem, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley ngày 14-12 lại bất ngờ kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế chống lại ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông và cáo buộc nước này "thổi bùng ngọn lửa xung đột" trong khu vực.

Bà cho biết, Mỹ đã phát hiện phần vũ khí được phóng từ những quả tên lửa của lực lượng quân đội Hồi giáo Houthi từ Yemen đến Saudi Arabia, theo đó đã vi phạm những cam kết với quốc tế về việc hạn chế các chương trình vũ khí.

Bà Haley nhấn mạnh: "Chúng do Iran sản xuất, được Iran gửi đi và do Iran tài trợ". Đáp lại cáo buộc này, phái bộ Iran tại LHQ khẳng định những loại vũ khí mà Đại sứ Haley công bố là "giả mạo", đồng thời cho rằng những cáo buộc của Mỹ là "nguy hiểm, khiêu khích và vô trách nhiệm".

Bên cạnh những bất đồng liên quan đến tình hình Yemen, Iran và Mỹ cũng đang dấn sâu vào một căng thẳng khác sau khi Tổng thống Trump từ chối xác nhận thỏa thuận hạt nhân đạt được dưới thời Tổng thống Barack Obama giữa Iran và Nhóm P5+1 mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA).

Theo các điều khoản của JCPOA, Tehran buộc phải hạn chế các hoạt động làm giàu uranium để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Ngay khi có hiệu lực, JCPOA được ca ngợi là minh chứng rõ nhất rằng các nhà lãnh đạo thế giới, mặc dù còn nhiều bất đồng, nhưng vẫn có thể cùng nhau đàm phán, giải quyết một vấn đề quốc tế nổi cộm. Nhưng đương kim Tổng thống Mỹ lại có cái nhìn hoàn toàn khác.

Từ trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần cho rằng thỏa thuận hạt nhân này không phục vụ tương xứng lợi ích an ninh của Mỹ. Ông cùng nhiều nghị sỹ Quốc hội luôn chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như cáo buộc Tehran vi phạm nhiều điều khoản. Trong một tuyên bố hồi tháng 9, ông chủ Nhà Trắng thậm chí gọi JCPOA là “nỗi xấu hổ” của nước Mỹ với lập luận rằng “chúng ta không thể chấp nhận một thỏa thuận nếu nó bao che việc phát triển của một chương trình hạt nhân”.

Đáp lại, chính quyền Iran đến nay đã nhiều lần khẳng định nước này không hề vi phạm điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẽ trả giá đắt nếu đơn phương áp dụng lại các biện pháp trừng phạt Tehran.

Ngày 13-12, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi mạnh mẽ khẳng định nước này “hoàn toàn sẵn sàng” trước khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran, song ông Araghchi cảnh báo sự sụp đổ của JCPOA có thể làm tổn hại đến sự ổn định của khu vực.Viễn cảnh Washington từ bỏ thỏa thuận cũng đã khiến nhiều đồng minh của Mỹ, bao gồm các nước tham gia thỏa thuận như Anh, Pháp, Đức quan ngại.

Các nước này đều đã lên tiếng kêu gọi ông Trump duy trì thỏa thuận, mặt khác vận động Quốc hội Mỹ không thông qua việc tái áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, vốn sẽ ảnh hưởng đến sự “sống còn” của thỏa thuận.

Là khu vực chiến lược nhưng đầy bất ổn, bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách của Mỹ đều có nguy cơ phủ bóng đen lên triển vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Trung Đông. Với tuyên bố mới nhất của Tổng thống Donald Trump, sẽ rất khó để các bên tin tưởng vào những sáng kiến tích cực của Mỹ nhằm tháo gỡ những mâu thuẫn dai dẳng trên mảnh đất này.

Theo CAND

Đọc thêm

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Cảnh sát tại nhiều nước châu Âu đã bắt giữ 43 người và thu giữ 520 triệu euro (547 triệu USD) trong cuộc điều tra của Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) và cảnh sát Italy về hành vi trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua rửa tiền cũng như điều tra các hoạt động tội phạm có tổ chức.
Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.