Lê Quang Trang là nhà thơ trưởng thành trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Năm 1970, sau khi tốt nghiệp Khoa Văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông hăm hở vượt Trường Sơn để có mặt nơi tuyến lửa. Ông đã nhanh chóng trở thành phóng viên Báo Văn nghệ giải phóng, dũng cảm và xông xáo.
Bộ đội hành quân vào chiến trường miền Nam bằng tuyến đường Trường Sơn. Ảnh: Internet
Từ cảm xúc dồn nén về người và cảnh trong cuộc chiến, ông đã hoàn thành trường ca “Trên con đường ấy Trường Sơn” tạo được âm hưởng lớn trong lòng bạn đọc.
Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần tập thơ này và mỗi lần đọc lại tưởng như mình đang được đi trong cánh rừng Trường Sơn. Một Trường Sơn hùng vĩ, một Trường Sơn hừng hực, một Trường Sơn tươi rói nụ cười của hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ và thanh niên xung phong.
Trường ca “Trên con đường ấy Trường Sơn” có lối viết rất riêng, như một ký sự bằng thơ. Một lối viết giản dị mà không dễ dãi, đề cập đến nhiều mảng của cuộc chiến, bố cục mạch lạc, khúc chiết. Với tập trường ca này, nhà thơ Lê Quang Trang đã cố gắng đưa hết tài năng và vốn sống được tích lũy của mình những năm tháng ở chiến trường, để khắc họa đậm nét về con đường Trường Sơn.
Ông đã tâm sự với tôi: “Trường ca này xem như tập nhật ký tuổi trẻ cuộc đời anh, nó cũng là một món quà tri ân những người đã từng đổ mồ hôi và máu trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại này”.
Mở đầu tập trường ca là những câu thơ chân thật, nồng hậu:
Đã nhiều đêm về trong giấc mơ tôi
Gặp lại Trường Sơn những năm tháng cũ
Gặp rừng đại ngàn mùa khô lá đổ
Gặp lại chiến tranh một thuở gian lao
Tập trường ca được chia làm 7 chương, mở đầu chương I “Tiềm thức” là những nét chấm phá về cảnh rừng thiên nhiên hoang dã, nơi mở ra con đường Trường Sơn, cũng là nơi ghi dấu tình cảm của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Ba Na, Gia Rai... với bộ đội và thanh niên xung phong như cây với đất.
Bằng những câu thơ mang màu chính luận, ông đã giải thích rõ tình hình chính trị, bối cảnh lịch sử và âm mưu xảo quyệt của đế quốc Mỹ khi ngăn chia giới tuyến.
Làng Ho, nhiều người đã đi qua và họ có thể không nhớ nữa, nhưng họ sẽ nhớ nhiều tên làng khác cũng hiện lên khí thế rầm rập bước quân đi với “mũ tai bèo và quần áo màu xanh” như làng Ho này. Tác giả đã lý giải cho người đọc hiểu sức mạnh của người lính Trường Sơn, dẫu quân thù tàn ác đến mấy cũng không thể khuất phục được họ.
Bởi họ có một điểm tựa vững chắc là Đảng vạch đường chỉ lối cho họ biết cầm súng đi lên phía trước, bởi họ có hậu thuẫn vững chắc là Nhân dân. Những con chữ long lanh như từng hạt nắng ở tập trường ca này, đó là tình đoàn kết, yêu thương của đồng đội, tinh thần nồng nàn yêu nước của những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong mở đường. Chính sự yêu thương vô tận ấy đã gieo niềm tin mãnh liệt vào đồng bào dân tộc:
Những tinh hoa của buôn làng
Cùng cán bộ cởi trần đóng khố
Từng về đây chịu chung gian khổ
Hạt gạo chia đôi
Than cỏ tranh ven đồi
Thành vị mặn những ngày đói muối.
Bộ đội công binh đoàn 29 tham gia mở đường Trường Sơn (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Lê Quang Trang quan sát tinh tế từ hiện thực cuộc sống hằng ngày và dùng ngôn ngữ mộc mạc:
Thứ côn trùng bé teo mà gây bao tác hại
Bám vào cổ vào tai, vào cơ thể con người
Cảm thấy đau là chúng đã no rồi
Cơn sốt rét cũng bắt đầu từ đó
Chúng giấu mặt trong lá rừng cây cỏ
Thấy hơi người như ma quỷ hiện ra
Rồi những cảnh “Rắn độc cắn đôi mắt trừng mở mãi”, “Mùa mưa về bạn bị lũ cuốn đi” đủ cho người đọc hiểu để làm nên chiến thắng vĩ đại cho Tổ quốc. Lê Quang Trang lại truyền đến cho độc giả một luồng gió mới.
Từ chương V “Những cánh chim đầu đàn” đến chương VI “Chi nhánh, chi lưu”, nhà thơ Lê Quang Trang đã gửi cho nhân loại và thế hệ mai sau thông điệp: Không chỉ có con đường Trường Sơn ở rừng, còn có một Trường Sơn trên biển. Tất cả những người đã đem sức lực, mồ hôi và xương máu của mình cống hiến cho Trường Sơn ở rừng và biển, họ đã “thành tượng đài của thế kỷ XX” vun đắp lý tưởng yêu nước cho thế hệ mới.