Trở về nguồn cội trong rằm tháng bảy

(Baohatinh.vn) - “Cả năm được rằm tháng bảy…”, câu nói của cha ông đúc kết từ xa xưa đến nay vẫn thúc giục bao bước chân của người Việt nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng từ muôn nẻo trở về với cội nguồn - nhà thờ dòng họ vào mỗi dịp cuối hạ, đầu thu để tri ân tiên tổ.

Trở về nguồn cội trong rằm tháng bảy

Dòng họ Mai đại tôn ở thôn Quan Nam (xã Hồng Lộc, Lộc Hà) tổ chức lễ rước tổ từ nghĩa trang về nhà thờ, trước khi diễn ra đại lễ vào ngày rằm tháng bảy sắp tới.

Từ khởi thủy khai sinh mảnh đất “núi Hồng - sông La” cách đây hàng nghìn năm, con người đã đến đây cư ngụ, sinh sôi, phát triển. Trong chiều dài lịch sử mảnh đất này đã hình thành hàng trăm dòng họ, từ những dòng họ phổ biến như: Nguyễn, Phạm, Lê, Bùi, Hồ, Dương, Phan, Cù… có hàng nghìn người, cho đến những dòng họ chỉ vài trăm nhân khẩu.

Lại trong mỗi dòng họ chia ra nhiều chi, nhánh khác nhau. Dù vậy, điểm chung là mỗi dòng họ, mỗi chi nhánh trên đất Hà Tĩnh đều có những nhà thờ tổ riêng của mình.

Rằm tháng Bảy được xem là ngày lễ tế tổ, ấy là khi con cháu trong mỗi dòng họ trở về nhà thờ tổ dâng lễ vật, nén hương với lòng thành kính bày tỏ tri ân ông bà, tổ tiên, các đấng tạo sinh nên bản thân và gia tộc mình. Rằm tháng Bảy quan trọng hơn nữa khi truyền thống người Hà Tĩnh vốn thấm đẫm tinh thần văn hóa Phật giáo và Nho giáo. Tháng Bảy cũng là tháng “Vu Lan bồn” - báo hiếu trong tích của Phật giáo có “Mục Kiền Liên cứu mẹ”.

Theo Nho giáo, trong tất cả phẩm chất đạo đức của một con người, chữ “hiếu” đứng đầu tiên. Con người dù tài cao đến mấy, có địa vị nào đi nữa trong xã hội… nhưng nếu thiếu đi chữ “hiếu” thì cũng không đáng được coi trọng. Bởi, xét đến cùng không có cha mẹ, không có cội nguồn thì lấy đâu ra mình. Chữ “hiếu” của người Việt ngoài hiếu thảo với các đấng sinh thành còn là hiếu với tổ tiên, dòng tộc, với quê hương, đất nước… Bởi vậy, rằm tháng Bảy vì thế mà trở nên linh thiêng, được các dòng họ tổ chức chu đáo, trang trọng.

Trở về nguồn cội trong rằm tháng bảy

Nhà thờ họ Cù đại tôn ở thôn Trung Sơn (Hồng Lộc, Lộc Hà) được trang hoàng chuẩn bị lễ tế rằm tháng bảy.

Là dòng họ có lịch sử hình thành trên 335 năm, trải qua 13 đời phát triển trên đất Hà Tĩnh, họ Cù đại tôn ở thôn Trung Sơn (xã Hồng Lộc, Lộc Hà) hiện có hàng trăm hộ với 4 chi, trên 460 đinh (người nam). Theo tục lệ của họ, vào rằm tháng Bảy mỗi năm đều tổ chức tế thường và 10 năm tổ chức 1 lần tế lớn tức là đại lễ.

Theo kế hoạch, chương trình đại lễ rằm tháng Bảy của họ Cù năm Quý Mão 2023 sẽ diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 10-15 tháng Bảy) bao gồm 2 phần: lễ và hội. Phần hội sẽ diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi như: giải bóng chuyền nam, nữ; thi đấu cờ thẻ; trò chơi dân gian bịt mắt bắt lợn… Phần lễ gồm: dâng hương tại miếu Biên Sơn - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, rước tổ các chi họ về nhà thờ họ đại tôn, lễ yên vị, dâng lễ vật lên bàn thờ tổ, khai mạc đại lễ tế tổ, làm lễ yết, chính lễ tế tổ, lễ tế các anh hùng liệt sĩ… Ngoài ra còn có chương trình phát thưởng khuyến học của dòng họ cho con cháu có thành tích xuất sắc trong học tập.

Trở về nguồn cội trong rằm tháng bảy

Con cháu họ Cù chuẩn bị kiệu, lọng để rước tổ các chi, nhánh về nhà thờ đại tôn.

Ông Cù Huy Tích - Trưởng ban lễ nghi họ Cù thôn Trung Sơn (xã Hồng Lộc) cho biết: “10 năm một lần, họ chúng tôi mới tổ chức đại lễ tế tổ rằm tháng Bảy. Vì thế, không chỉ ban phụ trách lễ nghi mà con cháu gần xa ai cũng phấn khởi để trở về tề tựu, dâng hương tế tổ và tham gia vào các hoạt động của dòng họ. Để tổ chức đại lễ tế tổ, chúng tôi đã lên kế hoạch từ năm ngoái và xây dựng kịch bản các nội dung từ đầu năm. Công tác hậu cần sắm sửa lễ tế, tập luyện nghi thức, phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương tổ chức phần hội… đã được chúng tôi tiến hành từ đầu tháng 6 âm lịch”.

Cùng với sự chuẩn bị của ban lễ nghi dòng họ, con cháu họ Cù cũng vô cùng phấn khởi, háo hức chờ đợi sự kiện đại lễ. Ông Cù Huy Tuyến (70 tuổi, trở về từ Đồng Nai) cho biết: “Chúng tôi là những con cháu lập nghiệp xa quê hương, dòng tộc nhiều năm nay, bởi thế, đại lễ tế tổ là niềm mong ngóng trong tâm thức. Trở về trong dịp này, chúng tôi không chỉ được dâng hương báo cáo tổ tiên những việc mình đã làm được, bày tỏ tri ân đến nguồn cội mà còn được gặp gỡ, đoàn tụ với anh em dòng tộc…”.

Trở về nguồn cội trong rằm tháng bảy

Nhà thờ họ Thái Khắc (hay còn gọi là nhà thờ Thái Kính) ở phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh) đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Những ngày này, dòng họ Thái Khắc ở phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh) cũng đang rộn ràng chuẩn bị cho lễ tế tổ rằm tháng Bảy. Ông Thái Khánh - Tộc trưởng họ Thái cho biết: “Họ Thái đại tôn chúng tôi hình thành trên đất Đậu Liêu từ thế kỷ XV, bắt đầu từ vị thỉ tổ là ông Thái Bá Công. Ông Công có con trai là Thái Di Kiên đỗ cử nhân và làm quan tại Nghệ An. Ông Kiên có con trai là Thái Kính (con rể cụ Bùi Cầm Hổ) đỗ Tiến sỹ khoa Tân Vị năm 1511, làm đến quan Thượng thư Bộ Hình triều Nhà Lê…

Năm 2008, nhà thờ họ Thái - nơi thờ ông Thái Kính đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Cùng với lễ giỗ tổ hằng năm thì rằm tháng Bảy được chúng tôi tổ chức trang trọng”.

Trở về nguồn cội trong rằm tháng bảy

Ông Thái Khánh - Tộc trưởng họ Thái ở phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh) sửa soạn bàn thờ tổ chuẩn bị tế lễ rằm tháng bảy.

Họ Thái đại tôn hiện có 5 chi, nhánh tại Can Lộc và TX Hồng Lĩnh, với hơn 1.200 đinh. Riêng tại Đậu Liêu có 170 đinh. Họ Thái cũng có 10 liệt sĩ và 3 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Theo truyền thống của dòng họ Thái, dịp rằm tháng Bảy hằng năm, dù không bắt buộc nhưng hầu hết các gia đình con cháu trong dòng họ đều làm cỗ cúng, đưa về nhà thờ để tế tổ. Tùy điều kiện mà mâm cúng cũng được bày biện khác nhau nhưng thông thường sẽ có một cỗ xôi và con gà luộc hoặc miếng thịt lợn luộc chừng 2 kg.

Ông Thái Quyền (72 tuổi, tổ dân phố 6, phường Đậu Liêu) cho biết: “Đối với chúng tôi, lễ vật tế tổ nhiều hay ít không quan trọng bằng sự thành tâm. Trước đây, khi chưa có các vật phẩm ngon như bây giờ, những người phụ nữ phải sàng lựa từng hạt nếp mẩy, không bị sứt vỡ để làm cỗ cúng, công việc mất hàng tháng trời. Nay nếp, gà đều có sẵn nên việc sắm cỗ cúng tổ đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, tất cả các khâu làm mâm cúng tổ vẫn phải đảm bảo kỹ lưỡng, tinh sạch. Với sự thành tâm đó, chúng tôi muốn bày tỏ sự tri ân với tổ tiên và cũng cầu mong tổ tiên phù hộ cho quê hương no ấm, con cháu khỏe mạnh, hạnh phúc…”.

Trở về nguồn cội trong rằm tháng bảy

Bên cạnh nhà thờ tổ, dòng họ Thái còn xây đài tưởng niệm liệt sỹ là con cháu dòng họ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến.

Cùng với họ Cù ở Hồng Lộc, họ Thái ở phường Đậu Liêu, nhiều dòng họ tại các địa phương trên toàn tỉnh đang sẵn sàng cho lễ tế tổ dịp rằm tháng Bảy. Những ngày này, trong tiếng trống họ ngân vang, những bước chân của người dân Hà Tĩnh muôn phương lại càng trở nên rộn rã hơn, tìm về nhà thờ dòng tộc để dâng lễ vật và nén tâm hương tri ân tổ tiên, nguồn cội.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

'Săn' mai anh đào nở sớm

'Săn' mai anh đào nở sớm

Thời điểm này, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, người dân và du khách đã bày tỏ sự vui mừng khi hoa mai anh đào đã bắt đầu nở rộ tại khắp các vùng ngoại ô TP Đà Lạt.
Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Theo bảng phân vai "Táo quân 2025" được NSƯT Chí Trung đăng tải, buổi chầu năm nay của các Táo sẽ thay bằng hình thức cuộc thi.
Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Tim tôi như đứng lặng trong lồng ngực. Cớ gì mọi thứ lại trùng hợp đến vậy. Tôi khẽ nhìn khuôn mặt anh Ba qua kính chiếu hậu, thấy anh hiền, chân chất, lương thiện, nhân hậu như má, như ba...
VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

Mới đây, chương trình "VTV Kết nối" đã thực hiện phóng sự đột nhập phòng tập "Táo quân" lúc nửa đêm. Các nghệ sĩ Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung... cũng có những chia sẻ đầu tiên về chương trình.
Podcast tản văn: Mùi của tết

Podcast tản văn: Mùi của tết

Những ngày cuối đông, tiết trời hao hao rét. Giữa khung cảnh ngược xuôi tấp nập của phố phường, ta thoảng nghe trong gió lạnh một mùi vị rất quen thuộc...
Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Tiết mục Vui bốn mùa (dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ), phối khí: NSƯT Quang Hưng, biên đạo: NSƯT Khánh Toàn, do Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Bên trong vẫn ồn ào náo nhiệt, ngoài này tĩnh lặng bất thường. Chú nắm tay Thụy, ấm áp và yêu thương. Đêm bỗng nở hoa. Muộn mằn nhưng nồng nàn...