Tròn 16 năm Mỹ can dự vào Afghanistan: An ninh vẫn là vấn đề nhức nhối

Trải qua đúng 16 năm và 3 đời Tổng thống Mỹ, song cuộc chiến tại Afghanistan vẫn chưa thực sự kết thúc.

Gần một tháng sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9 làm thay đổi cả nước Mỹ và lịch sử thế giới hiện đại, ngày 7/10/2001, Tổng thống Mỹ George W.Bush đã tuyên bố mở màn cuộc chiến chống khủng bố quốc tế tại Afghanistan nhằm lật đổ chế độ Taliban vì tội chứa chấp Bin Laden, nghi phạm chính của vụ khủng bố.

tron 16 nam my can du vao afghanistan an ninh van la van de nhuc nhoi

An ninh tại Afghanistan cho đến nay vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, 16 năm đã trôi qua, dù Bin Laden đã bị tiêu diệt và chế độ “chứa chấp khủng bố” cũng đã bị xóa sổ, song cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại quốc gia Nam Á này vẫn chưa thể đi tới hồi kết. Taliban hiện đã tập hợp lại lực lượng và chiếm đóng nhiều vùng ở phía Đông và Nam Afghanistan, nơi chúng có thể dễ dàng di chuyển qua Pakistan.

Số lính Mỹ tại Afghanistan có những giai đoạn lên đến đỉnh điểm 100.000 quân, vào năm 2009, dưới thời Tổng thống Barack Obama. Và cũng chính Tổng thống Obama đã quyết định rút toàn bộ các lực lượng chiến đấu ra khỏi Afghanistan năm 2014 và chỉ duy trì ở đây con số vài nghìn quân, chủ yếu làm nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn.

Với việc đất nước được giải phóng khỏi sự kiểm soát của Taliban, trong những năm vừa qua đã chứng kiến sự bùng nổ dân số ở thủ đô Kabul khi rất nhiều người dân Afghanistan, trong đó phần lớn là những người trước đây buộc phải chuyển về các khu vực nông thôn hay sống tị nạn các các quốc gia láng giềng do chiến tranh, trở về, mang theo hi vọng về sự ổn định an ninh và cơ hội phát triển kinh tế.

Theo báo cáo, dân số của Kabul đã tăng vọt từ 1 triệu rưỡi người trong năm 2011 lên hơn 4,6 triệu người hiện nay. Tuy nhiên, sự phát triển của thành phố đã không theo kịp quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng này và dường như hoàn toàn mất khả năng cung cấp việc làm cũng như các dịch vụ thiết yếu.

Trong khi đó, sự chú ý của các nhà tài trợ quốc tế lại giảm nhanh chóng khiến tăng trưởng kinh tế của Afghanistan giảm tới 2% trong 4 năm qua. Nhiều người dân chia sẻ, dù nhiều năm qua Afghanistan đã chứng kiến nhiều sự thay đổi quyền lực, song cuộc sống của người dân vẫn không thay đổi, với tỷ lệ thất nghiệp cao và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng.

Trong khi đó, người dân luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ các vụ tấn công khủng bố. Tình trạng an ninh tại Afghanistan đang xấu đi nhanh chóng thời gian qua, khi các phần tử nổi dậy của Taliban và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm được quyền kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn trên khắp đất nước.

Mùa hè năm 2017 này được xem là một trong những mùa hè đẫm máu nhất tại Afghanistan. Trong hai tháng qua, những kẻ đánh bom liều chết đã liên tiếp nhằm vào các nhà thời Hồi giáo dòng Shitte và những nơi công cộng để tiến hành các vụ tấn công khủng bố, khiến hàng trăm người thiệt mạng và bị thương. Theo Liên Hợp Quốc, 6 tháng đầu năm nay đã có 1.662 dân thường thiệt mạng và hơn 3.500 người bị thương.

Là một phần trong chiến lược mới tại Afghanistan, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 8 vừa qua đã quyết định tăng quân tới quốc gia Nam Á này nhằm tăng cường cho cuộc chiến chống Taliban và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Tuy nhiên, nhiều người dân Afghanistan vẫn hoài nghi về hiệu quả chiến lược này. Theo ông Naeem Ayubzada, một chuyên gia phân tích Afghanistan, chiến lược của Mỹ nhằm thúc đẩy Taliban quay lại bàn đàm phán thông qua các biện pháp quân sự sẽ khó có thể phát huy hiệu quả bởi người dân Afghanistan đã phải sống quá lâu trong tình trạng bất ổn an ninh.

“Họ đã trải qua hơn 16 năm chứng kiến sự hiện diện của quân đội nước ngoài, mà không có một ngày yên bình nào. Tôi tin rằng, tình hình sẽ trở nên trầm trọng hơn. Chiến lược mới của Mỹ sẽ khó có thể phát huy hiệu quả trong bối cảnh Afghanistan hiện nay”, ông Naeem Ayubzada nói.

Nhiều nhà phân tích cũng có chung nhận định rằng, Afghanistan hiện đang bị phân mảng, với một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Vì thế, giải pháp chính trị là cần thiết lúc này nhằm giúp ổn định Afghanistan./.

Theo Thu Hoài/VOV

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.