Trục vớt mảnh máy bay Indonesia từ độ sâu 23 mét

Thợ lặn Indonesia vớt các bộ phận máy bay của hãng Sriwijaya Air từ vùng biển sâu khoảng 23 mét sau khi phát hiện tín hiệu nghi là hộp đen.

Bộ Giao thông Vận tải Indonesia hôm nay cho biết một tàu chiến của hải quân đã phát hiện tín hiệu được cho là phát ra từ hộp đen máy bay mang số hiệu SJ182 của hãng hàng không Sriwijaya Air mất tích trên biển một ngày trước đó.

Một thợ lặn tham gia chiến dịch tìm kiếm cứu nạn cho hay đội của anh được trang bị máy dò kim loại dưới nước và một thiết bị dò tìm tín hiệu “ping” phát ra từ hai hộp đen của máy bay gặp nạn.

Trục vớt mảnh máy bay Indonesia từ độ sâu 23 mét

Thợ lặn Indonesia mang lên mặt nước một mảnh vỡ của máy bay gần đảo Lancang. Ảnh: AFP .

“Chúng tôi đã phát hiện ra các tín hiệu ở hai điểm. Đây có thể là hộp đen, chúng tôi sẽ điều tra”, Bagus Puruhito, người đứng đầu cơ quan tìm kiếm và cứu nạn Indonesia, nói với các phóng viên trên tàu quân sự hôm nay.

Hộp đen máy bay gặp nạn khi rơi xuống biển sẽ liên tục phát tín hiệu “ping” để lực lượng tìm kiếm có thể nhanh chóng xác định vị trí của nó dưới đáy biển. Pin trong hộp đen có thể giúp tín hiệu “ping” này phát liên tục trong nhiều ngày.

Từ phát hiện trên, thợ lặn đã trục vớt các bộ phận máy bay từ độ sâu khoảng 23 mét. Đội tìm kiếm và ngư dân trước đó vớt được các mảnh vỡ khác và một phần của máng trượt khẩn cấp được cho là bung ra từ máy bay ở vùng biển ngoài khơi Jakarta.

Trục vớt mảnh máy bay Indonesia từ độ sâu 23 mét

Đường bay và vị trí chiếc Boeing 737-500 của hãng Sriwijaya Air biến mất khỏi radar hôm 9/1. Đồ họa: AFP .

Quan chức Hải quân Indonesia Wahyudin Arif nói rằng họ đã tìm thấy các mảnh thân máy bay có chiều dài khoảng một mét, một phần lốp và các bộ phận thi thể người. Các mảnh thi thể đã được đưa đến bệnh viện cảnh sát để nhận dạng.

Muhammad Yassin, giám đốc cảnh sát biển POLAIR, nói với truyền thông địa phương rằng cuộc tìm kiếm đang tập trung vào vùng biển giữa đảo Laki và Lancang, ngoài khơi Jakarta, nơi có độ sâu khoảng 20 đến 23 mét.

“Tôi rất lạc quan rằng chúng tôi sẽ sớm tìm thấy máy bay”, Henri Alfiandi, trợ lý Tham mưu trưởng Không quân Indonesia, nói trong cuộc họp báo.

Tuy nhiên, cơ quan khí tượng Indonesia cảnh báo nguy cơ mưa to và gió lớn có thể cản trở nỗ lực tìm kiếm cứu nạn.

Trục vớt mảnh máy bay Indonesia từ độ sâu 23 mét

Lực lượng cứu hộ Indonesia cạnh các vật thể được cho là thuộc về máy bay của Sriwijaya Air tại Jakarta hôm nay. Ảnh: Reuters .

Chiếc Boeing 737-500 của hãng Sriwijaya Air, chở theo 50 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, tất cả đều là công dân Indonesia, chiều 9/1 khởi hành từ sân bay Soekarno-Hatta ở thủ đô Jakarta tới thành phố Pontianak trên đảo Borneo của Indonesia, dự kiến bay 90 phút qua biển.

Tuy nhiên, máy bay mất tín hiệu chỉ 4 phút sau khi cất cánh và được cho là đã lao xuống vùng biển gần các đảo du lịch nổi tiếng của Indonesia. Phi công không phát tín hiệu báo động trước khi máy bay gặp nạn. Giới chức đánh giá không có hy vọng tìm thấy người sống sót.

Chiếc máy bay gặp nạn là mẫu Boeing 737-500, vốn đang được các hãng hàng không loại bỏ dần để chuyển sang các mẫu tiết kiệm nhiên liệu hơn. Theo thông tin đăng kiểm, chiếc Boeing 737-500 gặp nạn đã 26 tuổi, nhưng vẫn trong tình trạng tốt, Giám đốc điều hành Sriwijaya Air Jefferson Irwin Jauwena khẳng định.

Sriwijaya Air là hãng hàng không giá rẻ được thành lập năm 2003 có trụ sở tại Jakarta, chủ yếu vận hành các chuyến bay nội địa và Đông Nam Á, sở hữu khoảng 19 máy bay Boeing. Sriwijaya Air có hồ sơ an toàn tốt, chưa gặp tai nạn chết người nào trước đây.

Năm 2007, Liên minh châu Âu (EU) đã cấm tất cả các hãng hàng không Indonesia sau loạt vụ tai nạn và các báo cáo về việc giám sát, bảo trì đang xuống cấp từ khi bãi bỏ quy định vào cuối những năm 1990. Các hạn chế đã được dỡ bỏ hoàn toàn vào năm 2018.

Từ năm 2007 đến năm 2016, Cục Hàng không Liên bang Mỹ hạ đánh giá an toàn của Indonesia xuống Loại 2, có nghĩa là hệ thống quản lý không đầy đủ.

Theo Reuters/AFP/VNE

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.