Ngày 4/4, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế nhập khẩu bổ sung 34% lên toàn bộ hàng Mỹ. Thuế này có hiệu lực từ ngày 10/4, nhằm đáp trả chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bắc Kinh cũng bổ sung một số doanh nghiệp Mỹ vào danh sách hạn chế xuất khẩu, và gán nhãn một số công ty khác là "thực thể không đáng tin".
Cách đây hai ngày, ông Trump công bố áp thuế nhập khẩu đối ứng với toàn bộ đối tác thương mại. Mức áp dụng với Trung Quốc kể từ ngày 9/4 là 34%. Tổng cộng trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump, hàng Trung Quốc đã bị áp thêm thuế 54%.
Sau khi ông Trump thông báo thuế này, Bộ Thương mại Trung Quốc đã thúc giục Mỹ "ngay lập tức" hủy bỏ thuế nhập khẩu đối ứng và "giải quyết bất đồng với các đối tác thương mại thông qua đối thoại công bằng". Nước này tuyên bố "sẽ có biện pháp đáp trả".
Bộ Tài chính Trung Quốc chỉ trích việc ông Trump áp thêm 34% thuế nhập khẩu lên hàng Trung Quốc. Họ cho rằng đây là "hành động không tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế, làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích và đe dọa sự phát triển kinh tế và ổn định sản xuất, cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu".
Trên Fox News ngày 2/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khuyến cáo các quốc gia bị áp thuế đối ứng nên "bình tĩnh ngồi lại, đừng trả đũa". Vì việc này sẽ chỉ khiến "tình hình leo thang".
Thông tin Trung Quốc áp thuế trả đũa khiến chỉ số DJIA tương lai trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm 600 điểm. Phiên 3/4, DJIA đã mất 1.682 điểm, tương đương 4%.
Chứng khoán châu Âu cũng giảm mạnh vì tin tức này. Chỉ số Stoxx 600 hiện mất 4,5%. Chỉ số FTSE (Anh), DAX (Đức) và CAC 40 (Pháp) sụt 4-5%.
Wall Street hôm qua ghi nhận phiên tệ nhất kể từ tháng 3/2020, khi nhà đầu tư lo thuế đối ứng của Mỹ gây ra cuộc chiến thương mại và suy thoái toàn cầu.
Trong hai lần Mỹ nâng thuế nhập khẩu bổ sung với Trung Quốc kể từ tháng 2, Bắc Kinh đều đáp trả. Ngoài việc áp thuế với nhiều loại nông sản và năng lượng của Mỹ, Trung Quốc còn siết xuất khẩu nhiều kim loại quan trọng và bổ sung nhiều doanh nghiệp Mỹ vào danh sách hạn chế xuất khẩu.