Trung Quốc chặn chuyên gia WHO điều tra nguồn gốc nCoV

Trung Quốc tuyên bố không cấp visa cho nhóm chuyên gia của WHO đến Vũ Hán điều tra nguồn gốc nCoV, dù một số thành viên đã lên đường.

Đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự định tới thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, nơi được cho là khởi phát Covid-19, để điều tra những trường hợp đầu tiên nhiễm virus. Họ không có ý định điều tra giả thuyết nCoV xuất phát từ một phòng thí nghiệm Vũ Hán, vốn đã bị hầu hết giới khoa học bác bỏ.

Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, cho hay nhóm điều tra, gồm chuyên gia tới từ nhiều nước, đã làm việc rất chặt chẽ với các đồng nghiệp Trung Quốc về kế hoạch của chuyến đi. “Tất cả chúng tôi đều hiểu rằng nhóm sẽ bắt đầu triển khai hoạt động vào hôm nay”, ông nói hôm 5/1.

Tuy nhiên, khi hai thành viên ở xa đã lên đường, nhóm điều tra nhận được thông tin visa của họ không được giới chức Trung Quốc phê duyệt. Một người đã quay lại, còn người kia vẫn đang quá cảnh ở nước thứ ba.

Trung Quốc chặn chuyên gia WHO điều tra nguồn gốc nCoV

Các nhân viên y tế trước ga Hán Khẩu, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, hồi tháng 4/2020. Ảnh: AP

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ thất vọng trước thông tin trên và cho hay đã kêu gọi Trung Quốc để nhóm chuyên gia này nhập cảnh.

“Tôi rất thất vọng với thông tin này, khi hai thành viên đã bắt đầu chuyến đi và những người khác không thể lên đường vào phút chót”, ông Tedros nói. “Nhưng tôi đã liên lạc với các quan chức cấp cao Trung Quốc. Và tôi một lần nữa làm rõ rằng nhiệm vụ này là ưu tiên của WHO và nhóm điều tra quốc tế”.

WHO đã nỗ lực gửi các chuyên gia quốc tế từ một số nước đến Trung Quốc từ nhiều tháng qua. Họ bắt đầu bàn bạc với giới chức Trung Quốc từ hồi tháng 7. Các nhà khoa học từ lâu khẳng định cần phải tìm ra cách thức nCoV lây truyền từ động vật sang người như thế nào.

Nhóm chuyên gia hy vọng việc Trung Quốc từ chối cho họ nhập cảnh “chỉ là một vấn đề hậu cần và quan liêu có thể được giải quyết rất nhanh chóng”.

“Điều này thật đáng buồn và như Tổng giám đốc đã nói, thật đáng thất vọng. Sự thất vọng đó đã được tiến sĩ Tedros bày tỏ rất rõ ràng với các đối tác của chúng tôi tại Trung Quốc. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự thiện chí, chúng tôi có thể giải quyết những vấn đề này trong những giờ tới và triển khai nhóm nhanh nhất có thể”, ông Ryan nói.

Ilona Kickbusch, giám đốc sáng lập kiêm chủ tịch của Trung tâm Y tế Toàn cầu ở Geneva, cho rằng yếu tố địa chính trị đã cản trở các quốc gia hợp tác với nhau để đánh bại Covid-19 và tâm lý thù địch phát sinh có thể cản trở việc tìm hiểu đại dịch đã bắt đầu như thế nào.

“Tôi nghĩ sẽ vô cùng khó khăn để có thể tìm ra nguồn gốc của virus, bởi vì thời gian đã trôi qua rất lâu”, Kickbusch nói.

Bà chỉ ra rằng thế giới đã hợp tác với nhau để diệt trừ bệnh đậu mùa vào thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh. Ngay cả khi đại dịch SARS xuất hiện ở Trung Quốc từ năm 2002 đến 2003, phản ứng toàn cầu vẫn là hợp tác và thúc đẩy minh bạch hơn.

Khi đó, Bắc Kinh đã thừa nhận mình mắc sai lầm, tái cấu trúc Bộ Y tế và thành lập Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh. Các quốc gia khác đã loại bỏ nghi ngờ và kêu gọi hợp tác nhiều hơn.

“SARS thực sự đã khiến Trung Quốc hiểu rằng họ cần được hòa nhập nhiều hơn nữa vào hệ thống toàn cầu,” Kickbusch nói. “Đó là một thời kỳ cởi mở. Nhưng bây giờ, tất cả các bên đều có tư duy đóng cửa khá rõ ràng”.

Trước cuộc khủng hoảng, căng thẳng địa chính trị đã ảnh hưởng đến nỗ lực ứng phó y tế toàn cầu, bà nói, chỉ ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã biến thành một “trò chơi đổ lỗi cho địa chính trị” khiến “cả thế giới phải gánh chịu hậu quả”.

Theo VNE

Đọc thêm

WHO cắt giảm mạnh nhân sự

WHO cắt giảm mạnh nhân sự

WHO đối mặt khủng hoảng ngân sách nghiêm trọng do Mỹ cắt giảm viện trợ, buộc phải thu hẹp quy mô và cắt giảm nhân sự trên toàn cầu.
Hamas sẵn sàng thả số con tin còn lại để chấm dứt cuộc chiến ở Gaza

Hamas sẵn sàng thả số con tin còn lại để chấm dứt cuộc chiến ở Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi, người đứng đầu phái đoàn đám phán của Phong trào Hamas, ông Khalil Al-Hayya ngày 17/4 cho biết nhóm này sẵn sàng đàm phán ngay lập tức về một thỏa thuận để trao đổi tất cả các con tin còn lại như một phần của thỏa thuận rộng lớn hơn nhằm chấm dứt xung đột ở Dải Gaza.
Bão cát nghiêm trọng tấn công Iraq, hơn 1.800 người nhập viện

Bão cát nghiêm trọng tấn công Iraq, hơn 1.800 người nhập viện

Ngày 14/4, một trận bão cát lớn đã quét qua khu vực miền Trung và miền Nam Iraq, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và hoạt động hàng không. Theo thống kê ban đầu, hơn 1.800 người đã phải nhập viện do gặp các vấn đề về hô hấp.
Tổng thống Mỹ cân nhắc tạm ngừng áp thuế ô tô

Tổng thống Mỹ cân nhắc tạm ngừng áp thuế ô tô

Ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng tạm ngừng áp thuế đối với ngành ô tô nhằm tạo điều kiện để các nhà sản xuất có thêm thời gian điều chỉnh và tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
Thái Lan ban hành luật mới để ngăn chặn lừa đảo

Thái Lan ban hành luật mới để ngăn chặn lừa đảo

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, một sắc lệnh khẩn cấp mới yêu cầu các tổ chức tài chính, nhà khai thác viễn thông và chủ sở hữu nền tảng truyền thông xã hội phải chia sẻ trách nhiệm nếu không ngăn chặn được các vụ lừa đảo đã chính thức có hiệu lực tại Thái Lan từ ngày 13/4.