Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Tĩnh: Độ tuổi ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp là từ 21

(Baohatinh.vn) - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nhuần thông tin rõ hơn về những điểm mới trong công tác nhân sự đối với ĐBQH chuyên trách và HĐND chuyên trách theo Hướng dẫn số 36/HD-BTCTW ngày 20/1/2021 của Ban Tổ chức Trung ương.

Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Tĩnh: Độ tuổi ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp là từ 21

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần (Ảnh: Lưu Thành)

P.V: Xin bà cho biết, công dân Việt Nam đủ bao nhiêu tuổi trở lên được ứng cử vào ĐBQH và HĐND các cấp?

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Theo quy định tại Hiến pháp năm 2013 và Luật bầu cử ĐBQH và HĐND năm 2015, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và từ đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử ĐBQH và HĐND (Luật không quy định tuổi tối đa).

Tuy nhiên, do người được cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng tại các diễn đàn Quốc hội, HĐND; thực hiện nhiệm vụ đầy đủ, toàn diện, hiệu quả và kịp thời nên các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần áp dụng theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy để xem xét, lựa chọn, giới thiệu những người nói chung còn đủ tuổi công tác công tác 2 nhiệm kỳ hoặc ít nhất trọn một nhiệm kỳ, trường hợp giới thiệu tái cử còn đủ tuổi công tác một nhiệm kỳ hoặc ít nhất còn đủ tuổi công tác từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định.

Đối với người được giới thiệu ứng cử ĐBQH, HĐND chuyên trách, cần đáp ứng yêu cầu về tuổi ứng cử theo quy định tại Hướng dẫn số 36/HD-BTCTW ngày 20/1/2021 của Ban Tổ chức Trung ương và các văn bản hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Tĩnh: Độ tuổi ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp là từ 21

Các đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh nghiêm túc tiếp thu hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử nhằm chuẩn bị, tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (Ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thị Tố Hoa chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh tại hội nghị trực tuyến toàn quốc hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử được tổ chức vào sáng 25/2).

P.V: Như vậy, theo Hướng dẫn số 36, công tác nhân sự mà cụ thể là tiêu chuẩn, điều kiện của ĐBQH chuyên trách và đại biểu HĐND chuyên trách được quy định như thế nào?

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Tiêu chuẩn, điều kiện của ĐBQH chuyên trách và đại biểu HĐND chuyên trách được quy định cụ thể tại Hướng dẫn số 36 của Ban Tổ chức Trung ương.

Theo đó, tuổi ứng cử tham gia ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử nói chung phải đủ tuổi tham gia 2 khóa Quốc hội trở lên hoặc ít nhất trọn 1 khóa. Nam sinh từ tháng 2/1966, nữ sinh từ tháng 1/1971 trở lại đây.

ĐBQH chuyên trách tái cử (trừ các đồng chí ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây.

Riêng những người ứng cử ĐBQH là cán bộ quân đội, công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân. Đối với những trường hợp tuổi ứng cử cao hơn, như Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các hội theo Kết luận số 58-KL/TW ngày 12/9/2014 của Ban Bí thư do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.

Về quy định ĐBQH chuyên trách tiếp tục giữ chức vụ và tham gia công tác khi đến tuổi nghỉ hưu, được bổ sung như sau: ĐBQH chuyên trách ở Trung ương khi đến tuổi nghỉ hưu được giữ chức vụ công tác đến hết nhiệm kỳ khóa XV, ĐBQH chuyên trách ở địa phương khi đến tuổi nghỉ hưu thì thôi giữ chức vụ và tiếp tục làm nhiệm vụ ĐBQH đến hết nhiệm kỳ.

Theo đó, người ứng cử ĐBQH chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ vụ trưởng và tương đương, chức vụ giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; có quy hoạch làm ĐBQH chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh thứ trưởng và tương đương trở lên.

Nếu là cán bộ quân đội, công an, phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức danh cục trưởng, vụ trưởng và tương đương, chỉ huy trưởng bộ CHQS tỉnh, chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, giám đốc công an tỉnh và tương đương trở lên hoặc có quân hàm từ đại tá trở lên.

Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Tĩnh: Độ tuổi ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp là từ 21

Các đại biểu tham dự hội nghị do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức vào chiều 24/2 để hướng dẫn quy trình giới thiệu người ứng cử theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

Người ứng cử ĐBQH đang công tác tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn chung còn phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu, xuất sắc; có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, có năng lực phân tích, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, có chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Hướng dẫn số 36 cũng nêu rõ: Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội.

(thực hiện)

Chủ đề BẦU CỬ ĐBQH VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.