Môi trường “Trường học hạnh phúc” tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện
Xây dựng môi trường lành mạnh cho trẻ
“Hôm nay các con thế nào? Để bắt đầu ngày mới, lớp chúng ta nhảy một bài vận động nhé?!” - Cô giáo Trần Thị Mỹ Dung, chủ nhiệm lớp 1B, Trường Tiểu học Trần Phú (TP Hà Tĩnh) vừa dứt lời, cả lớp phấn khởi đứng dậy vươn vai và thực hiện các động tác theo điệu nhạc sôi động được phát ra từ chiếc ti vi treo tường của lớp.
Không nặng nề chuyện trả bài cũ như trước mà phần kiến thức được lồng ghép qua các hệ thống câu hỏi trong trò chơi do giáo viên khởi xướng.
Tiết học Tiếng Việt, lớp 1C, Trường Tiểu học Trần Phú được tổ chức linh hoạt, tạo hứng khởi cho học sinh
“Đây là bài nhảy vận động nhằm giảm bớt căng thẳng cho học sinh trong quá trình học. Cô giáo sẽ chọn vào thời điểm đầu buổi sáng khi các em vừa mới bắt đầu một ngày học mới hoặc giữa các giờ học kiến thức liên tục. Hoặc, cô giáo sẽ tổ chức một trò chơi kiến thức, thông qua đó sẽ lồng ghép những câu hỏi liên quan đến bài học các em đã học” - cô giáo Trần Thị Mỹ Dung cho biết.
Từ năm học 2020 - 2021, những hoạt động, bài học mang tính tương tác giữa cô và trò, giữa học sinh với học sinh đang được vận dụng khá phong phú qua mỗi tiết dạy, mỗi hoạt động của trường Tiểu học Trần Phú.
Hoạt động ngoại khóa tăng tính tư duy và thực tiễn cho học sinh.
Phó Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Hoa cho biết: “Cô giáo đóng vai trò là người hỗ trợ, gợi ý, luôn lắng nghe cảm xúc của học sinh, hiểu được từng cá thể và tôn trọng học sinh để kích thích sự sáng tạo và cá tính của các em. Vào mỗi dịp lễ, nhà trường đều tổ chức các hoạt động hướng đến sự phát triển kỹ năng. Theo khảo sát ở các lớp, chất lượng các tiết học tốt hơn, học sinh tiếp thu bài học một cách rất chủ động hơn”.
Toàn trường hiện có 23 lớp học với 852 học sinh được đầu tư đầy đủ 100% trang thiết bị, máy chiếu phục vụ cho việc dạy và học. Nhà trường cũng cải tạo cảnh quan, không gian làm việc theo hướng gần gũi, thân thiện hơn, bố trí các sân thể thao, giải trí để giáo viên và học sinh được sinh hoạt, phát triển toàn diện.
Các không gian sân chơi, phòng học Trường Mầm non I, phường Nam Hà được bố trí hợp lý, màu sắc bắt mắt phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
Xây dựng trường học hạnh phúc là mục tiêu lớn nhất trong năm học 2020 - 2021 của tất cả các trường ở các cấp học TP Hà Tĩnh. Hạnh phúc không còn là khái niệm trừu tượng mà được các nhà trường cụ thể từng việc làm, từng nhiệm vụ cho giáo viên, học sinh.
Hiệu trưởng Trường Mầm non I, phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) Lê Thị Vân Anh cho biết: “Nhiệm vụ quan trọng nhất chính là xây dựng môi trường an toàn cho trẻ, cả về thể chất, dinh dưỡng và tâm lý. Chẳng hạn như, các không gian sân chơi, phòng học được bố trí hợp lý, màu sắc bắt mắt phù hợp với lứa tuổi của trẻ; đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng học tập cho trẻ thỏa mãn nhu cầu học và vui chơi; nguồn thực phẩm chăm sóc trẻ được lựa chọn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, trẻ phải cảm nhận được sự yêu thương, được đối xử công bằng, có cảm giác an toàn và được tôn trọng”.
Tạo động lực lan tỏa hạnh phúc…
Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên Phòng GD&ĐT TP Hà Tĩnh triển khai kế hoạch xây dựng “Trường học hạnh phúc” và cũng là địa phương đầu tiên trên toàn tỉnh thực hiện trên cả 3 cấp học từ mầm non, tiểu học đến THCS.
Học sinh Trường THCS Thạch Linh tự tin hùng biện trước sản phẩm của mình trong ngày hội STEM của trường
Trưởng phòng GD&ĐT TP Hà Tĩnh Trần Thị Thủy Nga cho biết: “Việc thực hiện xây dựng “Trường học hạnh phúc” đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của BTV Thành ủy và UBND thành phố. Điều này đã giúp ngành GD&ĐT thành phố xây dựng và triển khai các kế hoạch một cách chủ động, bài bản và đủ tự tin để lan tỏa các phong trào, các nội dung đến 50 đơn vị trường học trên địa bàn”.
Hiện nay, TP Hà Tĩnh đang hoàn thiện Đề án “Phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập đến năm 2025 và những năm tiếp theo” và tiến đến ban hành Nghị quyết về phát triển giáo dục toàn diện của thành phố. Đây chính là nền tảng quan trọng để ngành chuyên môn định hướng, triển khai nhiệm vụ xây dựng “Trường học hạnh phúc” một cách có trọng tâm, sát với điều kiện thực tế.
Học sinh được phát huy sáng tạo, tôn trọng phát triển cá nhân trong trường học hạnh phúc
Cũng theo Trưởng phòng GD&ĐT thành phố, điều quan trọng nhất chính là phải tạo động lực, làm chuyển biến từ trong nhận thức của mỗi cán bộ, giáo viên đến học sinh và phụ huynh.
“Xây dựng trường học hạnh phúc không phải là phong trào mà là quá trình. Hiệu trưởng đóng vai trò là người truyền cảm hứng, tạo điều kiện để giáo viên, học sinh phát huy năng lực, sáng tạo gắn với các phong trào, cuộc vận động như: “Xây trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức”; tích cực tham gia các diễn đàn “Thầy cô trong mắt em”, “Khi thầy cô thay đổi”… để cùng lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng cá nhân. Ý nghĩa của “Trường học hạnh phúc” cứ thế sẽ đã “ngấm” vào ý thức mỗi giáo viên, học sinh, phụ huynh theo cách tự nhiên nhất” - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố cho biết thêm.
Mô hình xây dựng “Trường học hạnh phúc” của TP Hà Tĩnh gồm 3 tiêu chí: môi trường nhà trường và phát triển cá nhân; chất lượng dạy và học; các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường. |