Truyện ngắn 1.200 chữ: Quên được... cứ quên

Thường thì những gì hơn mức trung bình - quá buồn, quá vui - sẽ khó mà quên, cho nên đôi khi những thứ nhớ ơi là nhớ cũng ráng làm quên... Đời mà! Đau dữ lắm nhưng cũng cần phải sống!

truyen ngan 1 200 chu quen duoc cu quen

Minh họa: KIM DUẨN

Trong hẻm trọ hồi đó có nhỏ Phụng hăm bảy tuổi, bán cơm tấm lề đường. Phụng đẹp mắt buồn như nước mùa thu, tối ngày dang nắng mà da trắng bóc, bốn giờ sáng nghe lục tục là biết con nhỏ thức nấu cơm, nướng thịt, mùi thịt nướng thơm bay tới chỗ nằm.

Cái tuổi mấy đứa con gái chưa thèm lấy chồng, quần này áo nọ, chơi bời tụ tập club nửa đêm, thì con nhỏ mắc kiếm tiền nuôi hai đứa con - đứa lớn mười tuổi, đứa nhỏ bảy tuổi. Sớm sớm thấy tụi nó ngồi phụ má nướng thịt, ngáp sái quai hàm là tôi bặm môi, trời đất ơi sao mà nó giỏi? Sớm nào cũng vậy, đứa lớn vặn đồng hồ báo thức, lôi đầu đứa nhỏ dậy như kiến tha mồi, ba má con nhà đó ngày nào cũng làm tôi cảm thấy mắc cỡ.

Lúc đó còn nằm nhà đợi sở làm nên hay thức đêm để viết, có khi lọ mọ ra đầu hẻm ăn sáng, dòm cái tướng còm nhom của Phụng, hai đứa nhỏ đen nhẻm mắt còn dính ghèn chạy bưng cơm, nghe như bụng có ai thả đá. Có bữa đứa lớn thấy em mệt quá ngồi khóc, không biết làm gì nó cũng khóc theo. Nghe đứt ruột, cầm lòng không đặng, tôi qua ngồi nướng thịt với hai đứa nhỏ.

Cái hẻm cụt chưa tới năm hộ, mà hết ba hộ di cư từ năm ngoái, nhà khóa cửa để đó chờ giải tỏa. Thành ra cũng chỉ còn dãy trọ và nhà nhỏ Phụng là ở đây, nguyên dãy trọ mỗi tôi ở, ăn cơm hoài nên có xa lạ chi với tụi nhỏ nhà Phụng.

Có bữa thấy hai đứa nằm ngủ trên hai đùi tôi, Phụng xin lỗi miết, ẵm đứa nhỏ vô nhà. Đứa lớn dụi mắt ngó: “Con có được ngủ hông má?”, mắt trong veo có máy kỹ thuật số ghi lại chắc còn đẹp hơn hình mấy em bé Sa Pa. “Ngủ gòi ai tiếp má?” - Phụng hỏi.

Đời Phụng đã buồn, còn nghe thiên hạ gièm pha gò má cao tướng sát chồng hèn chi làm bé. Tôi cũng đi nhiều, kiến thức y khoa cũng đủ rộng để khẳng định ba cái thứ nhân tướng thì thẩm mỹ làm cái rẹt, Thị Nở cũng thành hoa khôi.

Vậy đó, mà chưa lần nào ra ăn cơm mà không nghe bàn tán về nhỏ Phụng, hết con nhỏ không cha, làm bé bị rạch mặt, thằng chồng sợ quá trốn biệt rồi, “hồi đó má nó làm bé mới sanh ra nó, cho nên nó làm bé người ta cũng chuyện thường thôi!”.

Sao không kiếm ổng về bắt chịu trách nhiệm (?), mỗi khi ai hỏi câu đó con nhỏ cười khì. Nhắc chi ba cái chuyện xưa như trái đất. Tui quên rồi! Từ hồi chồng trốn biệt, Phụng coi như chồng đã chết, không thèm ngó ngàng gì tới đàn ông luôn, hai đứa con với quán cơm lề đường trở thành cuộc sống. Nhưng những vết sẹo trên mặt vẫn còn sờ sờ đó, quên được thì quá giỏi.

Phụng cười vậy chứ chắc

lòng có cười đâu. Hồi chồng bỏ đi, đứa con gái nhỏ còn ẵm ngửa trên tay, người ta khiêng má nó mặt đầm đìa máu vô nhà, con nhỏ lớn khóc thiếu điều muốn bung nóc nhà lên trời, bị nó sợ má nó chết. “Ai cứu giùm má con! Ai cứu giùm má con!...”. Có một câu thôi mà con nhỏ la khản tiếng. Nghe đâu trước khi ra đi thằng chồng cũng thiệt nhân từ, lấy của con nhỏ cũng mấy chục triệu, nữ trang vàng vòng, tivi đầu máy, thứ gì giá trị trong nhà cũng quơ tay dọn giùm.

Phụng đi nhà thương cũng tay bồng tay dắt, về rồi mặt mày vậy có làm ăn được gì đâu. Mượn tiền từ đầu tới cuối hẻm giáp vòng đâu cả tháng. Mà coi bộ ông trời không triệt đường sống của con người, mất cái này ổng bù cho cái khác, Phụng mở quán cơm lề đường, khách đông thiếu điều làm muốn ná thở. Ba mẹ con cũng có đồng ra đồng vô, riêng thằng chồng biệt tích không thấy bén mảng lần nào.

Đâu chừng vài năm thằng chồng cũng lết thân tàn quay lại kiếm, nghe đâu bị bà lớn tống cổ khỏi nhà sau vài con bồ nhí nữa, con cái hắt hủi, tiền cờ bạc rượu chè gái gú cũng hết. Phụng tỉnh queo: “Ông là ai vậy? Quen tui sao?”. Nhận người thân không xong, thằng chả chơi giãy đành đạch cắt tay, cắt chân, ăn vạ gần quán cơm ba mẹ con Phụng. Bữa nào con nhỏ lớn cũng bưng cho ổng một dĩa cơm, nhưng không nhìn nhận: “Cha tui đẹp trai, thương má tui dữ lắm! Không có giống ông”.

Miệng Phụng nói quên, chứ cơm vẫn cho ăn đầy đủ, thấy trời lạnh để sẵn cái mền ngoài thềm cho thằng chồng đắp. Nếu không có một bữa trời mưa sớm tinh mơ thằng chồng nhậu ở đâu về trúng gió nằm ngay đơ trên sàn, Phụng ôm xác chồng khóc ngất, hai đứa nhỏ kêu cha thấu trời... Ờ, thì ra người ta chỉ nói miệng vậy thôi! Chứ sao mà quên được? Nói là quên chứ thiệt ra...

Có chăng là giả vờ quên để cuộc sống trôi đi êm ả. Bởi vốn dĩ bản chất cuộc sống đã nhiều thứ phải bận tâm như bữa nay đóng tiền trường cho con, mơi tới tiền hụi, mốt là ngày con nhập học phải mua tập sách quần áo mới, ngày kia phải trả tiền thịt tiền gạo rồi. Nhọc lòng làm chi những điều không đáng nhớ?

Tôi lâu lâu về lại xóm trọ cũ, ghé ăn dĩa cơm, hỏi Phụng quên thằng chả chưa? Phụng cũng cười hì hì, trời ơi! Quên lâu rồi cha nội ơi! Chuyến này là quên thiệt. Nhiều chuyện phải làm cho tụi nhỏ quá. Quên được, cứ quên!

Truyện 1.078 chữ của NGUYỄN DUY QUYỀN/Tuổi trẻ

Đọc thêm

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Kho từ vựng của gen Z đang mang đến làn sóng sáng tạo mới trong ngôn ngữ, tạo dấu ấn, phong cách của người trẻ trong giao tiếp nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lệch chuẩn nếu lạm dụng.
Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương (dân ca K’Ho Lạch) do Đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Ngày 11/12 tại TP Hồ Chí Minh, Liên chi hội Bánh Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) và Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam - The Vietnam Bakery Cup 2024 (VNBC), thu hút gần 500 đầu bếp trong và ngoài nước tham gia.
Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá của tác giả Y Soái (phát triển dân ca K’Ho Lạch), do đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Đèo Gió có bao nhiêu là gió, sao không thể cuốn hết chuyện cũ đi để mỗi lần nhìn vào mắt chồng, Hạnh lại thấy mình rơi tõm vào cái hố buồn sâu hun hút...
Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Gió mùa về phố rồi tan vào mặt hồ, vào những con đường xa tít tắp để cả mùa đông ta cứ bâng khuâng tha thiết nhớ, một ký ức mang tên gió mùa…
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay gừng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh