"Truyện ngắn không phải là đứa con nít"

Viết tiểu thuyết đầu tay từ ý tưởng một truyện ngắn không hẳn là cách làm hiếm gặp của nhà văn. Nhưng để truyện ngắn và tiểu thuyết đấy đều ẵm giải thưởng thì quả thật là chuyện hiếm. Và một trong số ít người làm được chuyện hiếm ấy là nhà văn Quân đội Nguyễn Thế Hùng (quê ở Hà Tĩnh) với giải thưởng Văn học thủ đô vừa được trao.

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng

PV:Được biết tiểu thuyết “Họ vẫn chưa về” của anh được phát triển lên từ truyện ngắn “Lộc trời” - từng được giải thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân Đội. Phải chăng vì khi viết xong truyện ngắn anh thấy chưa truyền tải được hết thông điệp dành cho độc giả?

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng

- Sinh năm 1972

- Quê quán Hà Tĩnh

Từng được giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn ĐBSCL với tác phẩm Người giữ cồn”, được dựng thành phim, rồi chuyển thể thành vở opera “Người giữ cồn” vừa công diễn ở TP HCM và Cần Thơ.

Đoạt giải ba truyện ngắn Văn nghệ Quân đội với truyện ngắn Lộc trời đang được nghệ sỹ Chiều Xuân thương lượng bản quyền để chuyển thể thành bộ phim nhựa.

Tiểu thuyết đầu tay “Họ vẫn chưa về” giành giải thưởng Liên hiệp Hội VHNT Hà Nội - nằm trong hệ thống giải thưởng Văn học Thủ đô. Tác phẩm này cũng lọt vào chung khảo Cuộc thi viết tiểu thuyết do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức.

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng hiện làm thư ký toà soạn Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội.

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng: Thực tế thì truyện ngắn không phải là đứa con nít…khi phát triển, khi lớn lên sẽ trở thành người lớn là tiểu thuyết. (Cười) Vì nếu như thế thì có những đứa con nít không bao giờ lớn cả. Trong tiểu thuyết Họ vẫn chưa về, có một phần nhỏ, một số ý tưởng được hình thành từ truyện ngắn Lộc trời, chứ Lộc trời không phải là cái xương, cái cốt để tôi đắp xương đắp thịt mà thành tiểu thuyết Họ vẫn chưa về. Chính vì vậy mà khẳng định rằng, truyện ngắn Lộc trời nó đã làm xong phận sự của nó là nằm trong khuôn khổ một truyện ngắn hoàn chỉnh và thông điệp muốn gửi gắm cũng đã…hoàn chỉnh. Tiểu thuyết Họ vẫn chưa về lại là một thông điệp hay nhiều thông điệp, hay nói đúng hơn là sự giải bày mới, chia sẻ, tâm tình, thủ thỉ mới… dùng từ thông điệp nghe nó to tát quá.

PV: Một truyện ngắn và một tiểu thuyết luôn có sự khác nhau. Vậy để viết một tiểu thuyết trên nền một truỵên ngắn từng được giải có phải là cách làm “khôn ngoan” để tác giả triển khai dễ dàng hơn không?

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng: Khi có được một cái ý tưởng ban đầu, có được …một dấu chân rồi thì tôi nghĩ hình thành một con đường vẫn là dễ hơn khi chưa có dấu chân nào, dù rằng có thể con đường sắp mở sẽ đi ngược lại với dấu chân đã được đặt từ trước. Tôi đã nghĩ nhiều đến truyện ngắn Lộc trời của tôi để viết tiểu thuyết Họ vẫn chưa về. Bạn đã đọc tôi thì có thể dễ dàng nhận thấy, dù vẫn chuyện nuôi hươu nhưng trong Lộc trời khác với Họ vẫn chưa về, vì đơn giải rằng hai sự…thủ thỉ tâm sự của tôi với bạn đọc trong hai thể loại hoàn toàn khác nhau. Khôn ngoan hay không thì không biết nhưng rõ ràng rằng có những truyện ngắn có thể là gợi ý để viết thành tiểu thuyết được như trường hợp Lộc trời, nhưng cũng có những truyện ngắn….chỉ đến thế là cùng.

PV:Điều kiện gì để một truyện ngắn có thể triển khai được thành một tiểu thuyết.

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng: Quả thật là khó nói, nhưng tôi nghĩ nếu một truyện ngắn mà ít chi tiết, tình huống truyện đơn giản, lại có một kết cấu quá chặt, một cái kết đóng thì rất khó triển khai thành tiểu thuyết

PV: Khi đọc “Lộc trời” không thấy bóng dáng gì của Hà Nội ở trong đó. Nhưng trong tiểu thuyết “Họ vẫn chưa về” – tác phẩm tham dự giải thưởng Văn học Thủ đô được trao năm 2010, đúng năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Hỏi thật anh, khi viết anh có nghĩ đến yếu tố “thêm điểm” này?

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng: Không. Tôi cảm ơn các nhà văn ở Hội nhà văn Hà Nội vì rằng tôi chưa được là Hội viên của Hội nhà văn Hà Nội nhưng khi cuốn tiểu thuyết Họ vẫn chưa về của tôi ra mắt bạn đọc, cuối năm vừa rồi, Hội nhà văn Hà Nội đã đưa vào xét giải thưởng hàng năm. Cuốn của tôi, của nhà văn Nguyễn Quang Lập và nhà văn Ma Văn Kháng vào chung khảo thể loại văn xuôi, mỗi thể loại chỉ trao cho một cuốn, và cuốn Một mình một ngựa của nhà văn Ma Văn Kháng đã được trao giải. Điều đó hoàn toàn xứng đáng với văn tài của lão nhà văn đồng thời là thầy tôi. Tôi mừng vì đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình lại được nhận giải của Hội Liên hiệp. Qua đó chị biết là trước khi viết tôi không nghĩ đến sự “thêm điểm”. Viết văn không phải để lấy giải thưởng, nhưng giải thương cũng cần cho mỗi nhà văn.

PV: Được biết sau cuốn “Họ vẫn chưa về” anh lại tiếp tục viết thêm cuốn nữa đề tài này như thể là cách để cho “Họ về”, lý do gì thôi thúc anh “đi” tiếp?

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng: Tôi viết gần xong cuốn mới (đang chỉnh sửa lại) nói là tập 2 của Họ vẫn chưa về cũng được, mà nói là một cuốn độc lập cũng đúng vì tôi thích viết theo lối này. Ngay cả trong một cuốn tiểu thuyết cũng thế, có nhiều trường đoạn thực chất là một truyện ngắn, nó có thể đứng độc lập thành một truyện ngắn để đăng báo, như truyện Con hươu sao ngơ ngác chẳng hạn, tôi đã đăng báo dưới hình thức là một truyện ngắn chứ không phải trích một chương của tiểu thuyết mặc dù nó nằm trong tiểu thuyết Họ vẫn chưa về. Tôi đi tiếp vì tôi không thể đứng một chỗ.

Cảm ơn anh!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói