Ngã Sáu Ban Mê ngày nay
Bao giờ cũng thế, điểm đầu tiên mà chúng tôi đến khi trở lại Ban Mê là Ngã Sáu lịch sử vốn rất thơ, rất đẹp trong thi ca. Từ đây, chúng tôi có thể nhìn về quá khứ rõ nhất và cũng cảm nhận được thật sâu sự đổi thay của Buôn Ma Thuột cũng như Tây Nguyên sau 44 năm giành chiến thắng. Trước tượng đài chiến thắng, những bài học trong trang sách năm nào hiện lên thật rõ nét.
Tại cuộc họp mở rộng từ 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975 để đánh giá tình hình địch - ta ở miền Nam, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. Trận đánh ở Buôn Ma Thuột nếu thành công sẽ mở ra hướng tiến công quan trọng vào Sài Gòn. Và việc chọn đúng thời cơ lịch sử, chọn đúng điểm quyết chiến chiến lược và tập trung cao độ binh hỏa lực đã giúp quân và dân ta giành thắng lợi giòn giã.
Đứng trước tượng đài chiến thắng, cảm xúc dâng lên, đồng nghiệp của tôi chợt đọc lên mấy câu thơ: “2 giờ 10 phút/ Ngày 10 tháng 3 năm 1975/ Trời đất ầm ầm chuyển động/ Giàng thúc trống/ Triệu voi gầm/ Như ngàn giàn chiêng cất lên/ Âm thanh lở núi” (Trường ca Nước mắt Trường Sơn của Hữu Chỉnh). Cô bạn đồng nghiệp ở Báo Đắk Lắk nghe thấy và hỏi: “Các anh chị có muốn đến nhà tác giả những câu thơ ấy không?”. Và thế là chúng tôi có cuộc gặp gỡ thú vị với tác giả Hữu Chỉnh.
Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột từ bao lâu nay đã trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình đến với Tây Nguyên của du khách...
Tác giả Hữu Chỉnh - cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, cũng chính là tác giả thơ của ca khúc nổi tiếng “Nghe câu quan họ trên cao nguyên”. Hữu Chỉnh quê gốc Hà Tây nhưng theo cha mẹ vào Tây Nguyên từ bé. Ông chứng kiến toàn bộ những năm tháng kháng chiến chống Mỹ và nhất là những ngày tháng hào hùng của chiến dịch Tây Nguyên.
Bên chén trà, ông cùng chúng tôi ôn lại những ngày tháng hào hùng của thành phố Buôn Ma Thuột. Hơn 2h sáng ngày 10/3/1975, từ các hướng, quân ta nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Mở đầu, đặc công đánh sân bay thị xã, đánh khu kho Mai Hắc Đế, đánh sân bay Hòa Bình, hỏa tiễn H12, ĐKB và các cụm pháo tập trung bắn vào Sư bộ 23 của địch. Rạng sáng ngày 10/3, từ hướng Bắc, bộ binh ta có xe tăng phối hợp đánh vào Ngã Sáu và đánh chiếm Tiểu khu Buôn Ma Thuột. Hướng Tây Bắc, lực lượng ta tiêu diệt Sở chỉ huy khu Kho Mai Hắc Đế, đánh chiếm các cứ điểm Chư Êbur, Chư Dluê… phá hệ thống cứ điểm án ngữ vòng ngoài thị xã.
Tác giả Hữu Chỉnh trò chuyện với Phó Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh Bùi Thị Minh Huệ (người ngồi giữa) và phóng viên Báo Đắk Lắk
Ở hướng Tây, quân ta đánh chiếm doanh trại Tiểu đoàn quân y và áp sát căn cứ Sư bộ 23. Ở hướng Nam, ta đánh vào khu hành chính, khu tiếp vận, Sở Thú y, Ty Ngân khố, khu cư xá Sĩ quan và đánh chiếm quận lỵ Hòa Bình. Ngày 11/3/1975, bộ binh, xe tăng và trọng pháo của ta tập trung đánh vào Sư bộ 23, địch chống trả quyết liệt, nhưng đến 10h quân ta đã làm chủ các mục tiêu, chiếm lĩnh Sư bộ 23, bắt sống tên tỉnh trưởng Đắk Lắk và đại tá sư đoàn phó Sư 23 ngụy, lực lượng ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã.
Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã đi vào lịch sử, được ghi nhận là một trong những chiến thắng oanh liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Đây cũng là mở màn thắng lợi cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Ông Hữu Chỉnh cho biết: “Thành phố Buôn Ma Thuột đã có sự lột xác mạnh mẽ, điển hình là ở nơi Ngã Sáu. Khi đất nước vừa giải phóng, Ngã Sáu chỉ là một bùng binh đầy cỏ dại với những tấm áp phích nhàu nhĩ, vài ba cột đèn ba ngọn. Hoang tàn lắm. Sau này, Ngã Sáu trở thành điểm nhấn khi thành phố dựng tượng đài chiến thắng với hình ảnh chiếc xe tăng bằng thép mở đầu trận đánh Buôn Ma Thuột. Qua nhiều lần tôn tạo, tượng đài chiến thắng đã trở thành một biểu tượng, là điểm đến tham quan không thể thiếu của du khách cả nước”.
Sau 44 năm khói lửa chiến tranh, Buôn Ma Thuột ngày nay đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Từ nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, manh mún, thành phố đã tập trung xây dựng và phát triển một nền kinh tế chuyển mạnh sang phát triển công nghiệp - dịch vụ, từ thị xã nghèo nàn đã vươn lên trở thành đô thị loại I. Buôn Ma Thuột còn nổi tiếng là một trong những thành phố xanh nhất cả nước, là đô thị có lượng cà phê giao dịch hàng năm nhiều nhất Việt Nam. Ở đây có Bảo tàng Đắk Lắk, Bảo tàng cà phê thế giới, Khu du lịch sinh thái KoTam, Làng cà phê Trung Nguyên... đẹp và hấp dẫn.