Những kỷ niệm về đồng đội luôn được CCB Nguyễn Văn Thắng giữ gìn
Năm 1965, ông Nguyễn Văn Thắng (SN 1947) vừa tròn 18 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, đã hăng hái lên đường nhập ngũ tại Tiểu đoàn 48A, Tỉnh đội Hà Tĩnh. Sau một thời gian huấn luyện và học tập, năm 1968, ông vượt dãy Trường Sơn tham gia chiến đấu tại Lào. Vượt qua bao khó khăn, gian khổ và cả là những lần “chết hụt”, ông hoàn thành nhiệm vụ trên đất bạn.
“Nhớ nhất là lần bị địch ném bom năm 1971. Lúc đấy đại đội của tôi đang dừng nghỉ thì bị máy bay Mỹ phát hiện. Trong lúc đang về nơi trú ẩn, một quả bom rơi xuống và phát nổ cách nơi tôi đứng chỉ mấy mét. Lúc tỉnh dậy thì đã ở trong bệnh viện rồi. Lần đấy rất may là không bị mảnh nào văng trúng người.” - ông Thắng chia sẻ.
Trở về đóng quân tại Đèo Ngang và Quảng Bình, Quảng Trị một thời gian, tháng 2/1975, ông Nguyễn Văn Thắng lúc này thuộc quân số của Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 tiến vào miền Nam, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh nhiều trận đánh lớn mang tính chất quyết định như Xuân Lộc – Long Khánh, Trảng Bom (Đồng Nai). Ông là một trong những người đã có mặt tại Dinh Độc Lập vào ngày 30/4, mà theo ông, đó là “cả một niềm vinh dự, tự hào vô to lớn của người lính”.
Ông Nguyễn Văn Thắng dành nhiều thời gian để viết lại những câu chuyện của một thời đạn bom
Giải phóng miền Nam, đất nước hòa bình thống nhất, ông tiếp tục gắn bó với Sư đoàn 341, tới năm 1977 thì tiếp tục cùng đồng đội tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam và trên đất nước Campuchia.
“Quá nhiều thương vong và gian khổ, khốc liệt” - ông Thắng nhớ lại. Ông kể, tháng 8/1978, ông có mặt tại điểm chốt ở chùa Bạch Bột (giáp biên giới Tây Ninh) cùng Đại đội 7, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341. Lúc này đang là mùa mưa, các chiến sĩ luôn phải dầm mình trong nước, đối mặt với muỗi, vắt, rắn rết, nhiễm trùng vết thương. Bên ngoài, địch ta chỉ cách nhau 50 – 100m, bắn phá, ném lựu đạn liên tục. Sau một tháng chiến đấu, đại đội lúc đấy 50 người chỉ còn 7 người sống sót nhưng vẫn không lùi bước. “Điều xót xa nhất là nhiều chiến sĩ hy sinh mà không thể đưa được thi thể ra” - ông Thắng ngậm ngùi.
Giải phóng thủ đô PhnômPênh, xóa nạn diệt chủng tháng 1/1979, ông Nguyễn Văn Thắng tiếp tục ở lại 2 năm thực hiện nhiệm vụ quốc tế, rồi về xây dựng sư đoàn tại tỉnh Nghệ An. Năm 1988, ông về hưu.
Ông Thắng tại một buổi gặp mặt những người đồng đội Sư đoàn 341
Trở về cuộc sống đời thường với những vất vả, lo toan, ông vẫn luôn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó, tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thắng là người đứng ra khâu nối các cựu chiến binh, những người đồng đội cũ, và là Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 341 khu vực miền Trung. Từ những nguồn kinh phí được hỗ trợ, tài trợ, ông tổ chức nhiều cuộc gặp mặt đồng đội, thăm lại chiến trường xưa, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà những cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn.
Thời gian qua, ông và những người đồng đội của mình đã huy động nguồn lực xây dựng 9 ngôi nhà tình nghĩa cho các cựu chiến binh tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Ông luôn là tấm gương sáng, con người mẫu mực trong công việc cũng như trong cuộc sống để anh em, bạn bè, con cháu noi theo.