Chiều 27/9, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải – Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn – Phó Trưởng Ban Thường trực BCH chủ trì cuộc họp của BCH PCTT&TKCN tỉnh về công tác triển khai ứng phó bão số 4 và mưa lũ có thể xảy ra do ảnh hưởng hoàn lưu bão. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các sở, ban, ngành và thành viên BCH PCTT&TKCN tỉnh. |
BCH PCTT&TKCN tỉnh họp triển khai công tác ứng phó bão số 4 và mưa lũ có thể xảy ra do ảnh hưởng hoàn lưu bão.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lúc 16 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão số 4 ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc, 110,6 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 252 km, cách Quảng Nam khoảng 234 km, cách Quảng Ngãi khoảng 205 km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166 km/giờ), giật cấp 16. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20-25 km/giờ.
Hướng di chuyển và vùng ảnh hưởng của bão số 4.
Do ảnh hưởng của bão số 4, khu vực vùng biển Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 3-4m, biển động mạnh. Vùng ven biển Hà Tĩnh từ tối nay (27/9) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8.
Từ đêm nay (27/9) đến ngày 30/9, khu vực Hà Tĩnh có mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 150 - 250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt.
Chánh Văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh Trần Đức Thịnh thông tin về công tác ứng phó bão số 4 trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của BCH PCTT&TKCN tỉnh, lượng mưa 9 tháng năm 2022 tại các trạm thủy văn đạt từ 52 - 92% so với lượng mưa trung bình nhiều năm. Lượng mưa còn lại trong năm 2022 dự kiến còn khoảng 800 mm đến 1.000 mm.
Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh Trần Đức Bá: Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4 kết hợp với không khí lạnh và nhiễu động gió đông trên cao nên khu vực Hà Tĩnh có mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 150 - 250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt.
Trước tình hình mưa lớn thời gian qua, hồ chứa nhỏ trên địa bàn tỉnh cơ bản đã tích đầy nước, một số hồ tràn tự do đã chảy tràn. Mực nước một số hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh như hồ Ngàn Trươi 39,843/52m (dung tích 352/775,7 triệu m3), hồ Kẻ Gỗ 25,53/32,5m (dung tích 170/345 triệu m3); hồ Sông Rác 20,55/23,2m (dung tích 84/124,5 triệu m3).
Tàu thuyền tránh trú bão ở khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hôi - Xuân Phổ (Nghi Xuân).
Qua rà soát của các địa phương, trường hợp có mưa lớn diện rộng thì có 834 hộ/2.966 dân trên địa bàn 2 huyện Hương Sơn và Hương Khê nằm trong vùng nguy cơ xảy ra lũ quét và 468 hộ/5.221 dân trên địa bàn 9 huyện, thị xã có nguy cơ bị sạt lở đất.
Để đảm bảo an toàn, tất cả các hộ này đều đã có danh sách cụ thể, số điện thoại, phương án di dời.
Đại tá Bùi Hồng Thanh - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh: Ngay khi nắm thông tin về hướng di chuyển, vùng ảnh hưởng của bão số 4, BĐBP tỉnh đã thông báo cho bà con ngư dân di chuyển vào nơi tránh trú an toàn và quán triệt tới các đơn vị nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi trong thời gian này.
Đến nay, toàn tỉnh có 3.675 tàu thuyền/14.939 lao động đã vào bờ tránh trú bão tại các âu tránh trú bão ở trong và ngoài tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh: Theo dự báo, trước ảnh hưởng bão số 4, vùng biển Hà Tĩnh, nhất là khu vực phía Nam của tỉnh sẽ có mưa to, gió lớn nên hiện nay, các doanh nghiệp, đơn vị ở TX Kỳ Anh, nhất là trong KKT Vũng Áng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho công nhân, cơ sở hạ tầng và tàu thuyền.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn - Phó Trưởng Ban Thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh: Qua kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 và mưa lũ có thể xảy ra do ảnh hưởng hoàn lưu bão, BCH ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động triển khai biện pháp ứng phó của các địa phương. Tuy vậy, dự báo tình hình thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, yêu cầu các đơn vị, địa phương phải tập trung cao nhất ứng phó, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.
Để chủ động ứng phó với bão số 4 và mưa lớn có thể xảy ra do ảnh hưởng hoàn lưu bão gây ra, vào sáng 27/9, UBND tỉnh đã tổ chức 4 đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác ứng phó tại các địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kết luận cuộc họp.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải – Trưởng BCH PCTT&TKCN tỉnh cho hay: Bão số 4 dù không đổ bộ trực tiếp vào tỉnh ta nhưng dự đoán hoàn lưu bão kết hợp không khí lạnh sẽ gây mưa rất lớn trên diện rộng. Vì vậy, để chủ động ứng phó với mưa, lũ có thể xảy ra, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, địa phương từ cấp tỉnh tới huyện, xã phải theo dõi sát tình hình diễn biến thời tiết, tuyệt đối không được chủ quan, phải sẵn sàng mọi phương án, kế hoạch ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho Nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kiểm tra phương tiện ứng phó mưa bão tại Hải đội Biên phòng 2 (BĐBP tỉnh).
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ trì, phối hợp với BQL các cảng cá Hà Tĩnh nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi, tổ chức hướng dẫn đảm bảo an toàn tại các khu neo đậu.
Các đơn vị, địa phương cần tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng để có biện pháp ứng phó kịp thời; tổ chức thường trực để vận hành các công trình tiêu thoát, giảm ngập úng đối với diện tích lúa mùa, hoa màu, cây vụ đông, ngập úng tại các điểm dân cư nông thôn, đô thị.
Đơn vị quản lý vận hành các hồ đập phải tổ chức thường trực theo dõi diễn biến mưa lũ để có phương án điều tiết nước hợp lý, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, đặc biệt nhận định về mưa lũ kịp thời, thông tin tới các đơn vị, địa phương nắm bắt và để BCH PCTT&TKCN tỉnh có cơ sở tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Các lực lượng vũ trang: Quân sự tỉnh, BĐBP tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện thường trực 100% quân số để kịp thời ứng cứu khi có lệnh điều động.