“Chúng tôi đã đạt thỏa thuận với hai công ty hàng đầu của Mỹ về việc hợp tác sản xuất đạn pháo 155 mm tại Ukraine”, Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine Oleksandr Kamyshin ngày 7/12 cho biết trên truyền hình, song không đề cập tên hai công ty.
Thỏa thuận được tiết lộ sau khi giới chức Ukraine và Mỹ ký tuyên bố về dự định đẩy nhanh tốc độ hợp tác sản xuất vũ khí và trao đổi dữ liệu, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Kiev về hệ thống phòng không, đạn dược và bảo dưỡng khí tài. Tuyên bố được ký tại hội nghị quốc phòng song phương diễn ra ngày 6-7/12 ở Washington, với sự tham gia của hàng trăm đại diện chính phủ và doanh nghiệp vũ khí của hai nước.
Ông Kamyshin cho biết Ukraine chưa từng chế tạo đạn pháo 155 mm và sẽ phải mất “tối thiểu hai năm, tối đa ba năm” trước khi dây chuyền sản xuất đi vào hoạt động. Quan chức này cũng cho rằng Kiev cần được chuyển giao công nghệ từ phương Tây để có thể sản xuất đạn pháo.
Vỏ đạn pháo 155 mm tại một nhà máy ở bang Pennsylvania, Mỹ hồi tháng 2. Ảnh: Reuters
Mỹ và đồng minh ước tính đã chuyển hơn 2 triệu quả đạn pháo 155 mm cho Ukraine kể từ khi chiến sự bùng phát hồi tháng 2/2022, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của Kiev.
Theo truyền thông Ukraine, tư lệnh quân đội Valery Zaluzhny hồi tháng 11 nói với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin rằng Kiev cần 17 triệu viên đạn pháo để phục vụ cho chiến sự, điều khiến ông Austin “sửng sốt” vì Washington “không thể gom được số đạn như vậy trên phạm vi toàn cầu”. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hồi tháng 7 thừa nhận kho dự trữ của Washington đang thiếu đạn pháo 155 mm và có thể mất nhiều năm để bổ sung đến mức chấp nhận được.
Chính phủ Mỹ cũng đang gặp khó trong nỗ lực chuyển giao thêm khí tài, đạn dược cho Ukraine, trong bối cảnh quốc hội nước này chưa nhất trí về gói viện trợ mới cho Kiev. Thượng viện Mỹ ngày 6/12 chặn dự luật ngân sách do Tổng thống Joe Biden đề xuất, trong đó có gói viện trợ quân sự - kinh tế trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine, do phe Cộng hòa yêu cầu bổ sung điều khoản về tăng cường kiểm soát biên giới ở phía nam.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev không muốn phụ thuộc vào viện trợ quân sự từ phương Tây và nước này cần phải tăng cường năng lực sản xuất vũ khí nội địa. “Không có gì khiến Nga sợ hơn là việc Ukraine có thể tự chủ về quân sự”, ông Zelensky nói hôm 30/11.
Ukraine triển khai pháo phòng không tự hành Gepard gần tỉnh Zhytomyr ngày 5/9. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, ngành công nghiệp vũ khí Ukraine bị đánh giá là đang trì trệ do nhiều thập kỷ chìm trong vấn nạn tham nhũng, quan liêu và thiếu đầu tư. Để tăng cường năng lực sản xuất trong thời gian ngắn, Kiev đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác với phương Tây để mở dây chuyền chế tạo vũ khí ở trong nước.
Tập đoàn quốc phòng Đức Rheinmetall hồi tháng 10 thông báo thành lập liên doanh với Ukraine để sửa chữa, bảo dưỡng khí tài do phương Tây cung cấp cho Kiev. Tập đoàn này cũng dự tính khánh thành nhà máy sản xuất tăng thiết giáp tại Ukraine vào đầu năm sau.