Ước nguyện của những người trong tổ máy gạt Uông Xuân Lý

Hướng tới kỷ niệm 45 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2013), chúng tôi đã có chuyến hành trình thăm lại một số gia đình cựu công nhân trong tổ lái máy ủi Uông Xuân Lý đã được Báo Hà Tĩnh phản ánh cách đây 5 năm (số 5870, ngày 21/7/2008)...

Cả 3 nhân chứng trong bài viết của đồng nghiệp chúng tôi giờ đã kẻ mất, người còn. Ông Tiết, ông Thành đã ở ngoài tuổi “thất thập cổ lai hy” đang phải vất vả với cuộc sống mưu sinh. Riêng ông Giao mang theo thương tật đã về với tiên tổ từ năm ngoái.

Bà Phạm Thị Hồng (vợ ông Giao) lật tìm kỷ vật của chồng.
Bà Phạm Thị Hồng (vợ ông Giao) lật tìm kỷ vật của chồng.

Ra đi khi nguyện ước chưa thành

Trong cái nắng trưa hè oi bức, chúng tôi tìm đến nhà riêng của ông bà Nguyễn Chính Giao. Ngôi nhà đơn sơ mộc mạc, nép mình trong một hẻm nhỏ đường Nguyễn Công Trứ thuộc phường Tân Giang, Thành phố Hà Tĩnh. Bà Phạm Thị Hồng (vợ ông Giao) năm nay đã bước sang tuổi 73 lọm khọm bê ấm nước ra mời khách, nói với chúng tôi: “Các chú thông cảm, nhà bụi bặm lắm vì từ ngày ông nhà tui ra đi, căn nhà nhỏ này tôi chỉ làm nơi thờ cúng ông, còn tôi phải chuyển sang ở cùng con trai cho đỡ trống trải.”

Ông Giao sinh năm 1933, vào ngành Giao thông từ năm 16 tuổi. Sau những năm tháng bám đường thông xe, phục vụ chiến trường với rất nhiều công trình khắp địa bàn Hà Tĩnh sang tận nước bạn Lào, năm 1967, sau khi học xong lớp lái máy gạt, ông Giao được biên chế vào tổ máy của Uông Xuân Lý.

Hơn một năm trực tiếp hoạt động tại khu vực Ngã ba Đồng Lộc, tổ máy gạt thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều bất trắc, hiểm nguy nhưng các ông vẫn không hề chùn bước, luôn bám sát nhiệm vụ, đảm bảo thông đường cho cho những đoàn xe ra chiến trường.

Ông Giao bị thương trong một lần đi nhận tiếp phẩm. Khi đi ngang qua cống số 10 gần với cầu Tùng Cóc, bất ngờ ông bị máy bay đến ném bom và bị vùi trong đất. Mảnh bom cắt cụt mất của ông một ngón tay. Sau khi điều trị ra viện, ông tiếp tục trở lại đơn vị công tác.

Những tấm Huân Chương mờ dần theo năm tháng

Những tấm Huân Chương mờ dần theo năm tháng

Hoàn thành sứ mệnh lịch sử với Ngã ba Đồng Lộc, tổ lái máy gạt huyền thoại và những chiếc máy gạt thân yêu lại tiếp tục lăn bánh khắp mọi nẻo đường, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh. Năm 1980, ông Giao được về nghỉ hưởng chế độ mất sức nhưng chỉ được hưởng nửa thời gian trong số 21 năm, 6 tháng ông đã phục vụ. Từ đó ông phải vất vả mưu sinh với cái nghề kéo xe. Do không giữ được hồ sơ, giấy tờ nên ông đành chấp nhận mất quyền lợi đáng ra ông phải được hưởng như bao thương binh khác. Năm 2012 Phường Tân Giang đã huy động nguồn lực xây dựng tặng vợ chồng ông một ngôi nhà tình nghĩa, bây giờ bà Hồng dùng làm nơi thờ tự ông.

Lau giọt nước mắt trên gò má hao gầy, bà Hồng chia sẻ: “Do bị sức ép bom, thương tật tái phát, ông nhà tôi luôn đau ốm liên miên. Bệnh tim, phổi của ông ngày càng nặng thêm theo tuổi tác, vô phương cứu chữa. Khi còn sống, ông đã nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng xin xem xét cho làm thủ tục giám định sức khoẻ để được cấp một tấm thẻ thương binh khỏi hổ thẹn với công lao, đóng góp của mình. Tuy nhiên, điều mong ước của ông đến nay vẫn còn dang dở vì hồ sơ giấy tờ bị thất lạc hết”.

Mong ước của người còn sống

Câu chuyện về một thời khốc liệt nơi Ngã ba Đồng Lộc vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức đầy xúc cảm của ông Đặng Xuân Tiết

Câu chuyện về một thời khốc liệt nơi Ngã ba Đồng Lộc vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức đầy xúc cảm của ông Đặng Xuân Tiết

Tạm biệt bà Hồng, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình xuôi về xóm Thanh Mỹ (xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà) để gặp lại gia đình ông Đặng Xuân Tiết. Ông Tiết sinh năm 1940, mồ côi cả cha mẹ từ nhỏ.

Năm 17 tuổi, ông tình nguyện tham gia vào ngành giao thông và sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo lái máy cấp tốc, ông cùng các đồng nghiệp được biên chế vào tổ máy gạt của Uông Xuân Lý, tham gia phục vụ chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc cho đến khi đất nước hoà bình. Năm nay đã bước sang tuổi 74, nhưng ông Tiết vẫn còn đam mê với công việc vườn tược. Đặc biệt, câu chuyện về một thời trai trẻ nơi Ngã ba Đồng Lộc vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức đầy xúc cảm của ông.

“Trong một lần tui và ông Thành đang điều khiển máy làm nhiệm vụ san ủi mặt đường tại chân cầu Tùng Cóc để đón đoàn cán bộ Bộ Quốc phòng đi thị sát chiến trường thì một quả bom sót lại phát nổ, biến chiếc máy gạt thành đống sắt vụn, 2 chiến sĩ quân đội hy sinh; riêng tui và ông Thành bị sát thương nhiều chỗ phải đi cấp cứu. Ông Thành bị thương ở phần đầu và cả vùng lưng, còn tôi bị vỡ quai hàm hiện vết sẹo vẫn còn nguyên, đến nay mỗi khi trời trở gió thường bị ốm đau vật vã. Gia đình vợ con đến hết cực, đã nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng xin làm thủ tục giám định thương tật nhưng vì mất hết giấy tờ nên ở mô họ cũng lắc đầu” - ông Tiết chia sẻ.

Ông Tiết cần mẫn mưu sinh trên mảnh vườn của gia đình.

Ông Tiết cần mẫn mưu sinh trên mảnh vườn của gia đình.

Đến thăm nhà ông Thành ở thôn Đồng Thanh Lâm (xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ), hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là ông già vóc dáng gầy gò đang dắt trâu đi ăn bên mép ruộng gần nhà. Thấy có khách, ông vội buộc dây thừng vào gốc cây, cẩn thận múc một gàu nước dội sạch chân rồi mới vào nhà tiếp khách.

Ông Võ Xuân Thành sinh năm 1947. Cùng chung cảnh ngộ mồ côi như ông Tiết, tuổi thơ ông cũng lay lắt đói khổ cơ hàn. Cha mẹ mất sớm, mấy anh em đùm bọc nhau, "giật gấu vá vai", rau cháo qua ngày.

Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương ở quai hàm lại hành hạ ông Thành.

Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương ở quai hàm lại hành hạ ông Thành.

Năm 1962, theo tiếng gọi của tổ quốc, ông tham gia ngành Giao thông vận tải, lăn lộn khắp đó đây để mở đường phục vụ kháng chiến. Ông Thành cũng là thành viên của tổ lái máy gạt Uông Xuân Lý đã một thời cùng đồng đội nếm mật, nằm gai dưới mưa bom bão đạn để bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc cho những chuyến xe qua.

Ông còn nhớ, hồi đó, tổ máy Uông Xuân Lý có 9 người và 4 máy, ông và ông Tiết được phân một máy. Dù mưa bom bão đạn, đêm cũng như ngày, hai ông gắn kết bên nhau như hình với bóng, người này điều khiển máy thì người kia dò đường. “Đã ba lần, tui và ông Tiết phải đối mặt với cải chết. Trong đó, cái lần chết hụt ở cầu Tùng Cóc vào cuối năm 1969 là đáng nhớ nhất” - ông Thành nhớ lại.

Sau lần bị thương ở cầu Tùng Cóc, hai ông được đưa đi điều trị tại Binh trạm Vĩnh Lộc gần 2 tháng. Ra viện trở về đơn vị, hai ông được bố trí làm việc nhẹ tại bộ phận hậu cần. Sau một thời gian dài, sức khoẻ có phần bình phục, hai ông tiếp tục được trở lại cầm vô-lăng điều khiển máy làm đừờng giao thông. Đến năm 1983 cả ông Thành và ông Tiết được về nghỉ hưu theo chế độ.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Thành trăn trở: “Những người còn lại trong tổ lái máy chúng tôi ngày nào, nay đều đã ở cải tuổi cận kề miệng lỗ. Chúng tôi chỉ có một ước nguyện nhỏ nhoi là được Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết chế độ thương tật để khỏi thiệt thòi”.

Chia tay các ông, những người thợ lái máy gạt anh hùng đã không sợ hy sinh gian khổ, không tiếc máu xương, ngày đêm bám sát mặt trận Ngã ba Đồng Lộc, góp sức cùng cả nước đánh thắng đế quốc xâm lược, lòng tôi gợn lên bao trăn trở. Đến nay, ngay cả hồ sơ gốc lưu ở Sở GTVT, nơi các ông gắn bó cả cuộc đời vẫn không có tên ai trong tổ lái máy Uông Xuân Lý. Những gì chúng tôi biết được đều bắt đầu từ Anh hùng Uông Xuân Lý (Tổ trưởng). Mặc dù đã được đồng đội chiến đấu cùng thời, chính quyền địa phương và nguyên Giám đốc sở GTVT Hà Tĩnh Nguyễn Đình Hiến (người trực tiếp chỉ đạo điều hành nhiệm vụ các lực lượng của ngành hồi đó) xác nhận đầy đủ nhưng các ông vẫn chưa được các cơ quan chức năng công nhận, giải quyết chế độ thương tật do thiếu giấy chứng thương.

Mặc dù đã nỗ lực sản xuất, chăn nuôi nhưng do tuổi cao, sức yếu nên đời sống vật chất, tinh thần của vợ chồng ông Thành vẫn hết sức khó khăn.
Mặc dù đã nỗ lực sản xuất, chăn nuôi nhưng do tuổi cao, sức yếu nên đời sống vật chất, tinh thần của vợ chồng ông Thành vẫn hết sức khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc sở Lao động TB&XH Lê Tiến Dũng cho biết: “Trên địa bàn tỉnh ta hiện đang có rất nhiều trường hợp thuộc diện đối tượng chính sách đề nghị làm thủ tục hồ sơ giám định thương tật và các chế độ liên quan.T uy nhiên từ năm 2006 lại nay, thực hiện theo Nghị định 34 của Chính phủ, Thông tư 05 của Bộ LĐ-TB&XH về giải quyết chính sách tồn đọng quy định phải có giấy gốc chứng thương. Hiện nay, tỉnh đang chờ văn bản chỉ đạo của Bộ để giải quyết chế độ thương tật cho một số trường hợp đã bị mất hết giấy tờ gốc nhưng cũng chỉ hạn chế đối với những trường hợp đặc biệt.”

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn trước Quốc hội: “Đối với những trường hợp những người có công bị thất lạc hồ sơ, không có đủ điều kiện giấy chứng thương nếu có người làm chứng, được chính quyền địa phương xác nhận thì các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm thụ lý, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ xem xét, và họ vẫn sẽ được giải quyết theo chế độ chính sách ”.

Vợ chồng ông Thành với chồng hồ sơ thương tật "được" các cơ quan chức năng trả lại.
Vợ chồng ông Thành với chồng hồ sơ thương tật "được" các cơ quan chức năng trả lại.

Lời kết

Qua chuyến hành trình thăm lại những nhân chứng lịch sử, chúng tôi vô cùng trân trọng công lao đóng góp của những người thợ lái máy một thời oanh liệt nơi "túi bom" Ngã ba Đồng Lộc và càng chạnh lòng trước cuộc sống chật vật giữa đời thường của họ. Có thể khẳng định, họ là những người có công với Tổ quốc, rất cần sự quan tâm đền đáp. Thiết nghĩ, mặc dù một số giấy tờ liên quan đã bị thất lạc, nhưng việc làm, hành động và cả máu xương của họ đã cống hiến cho Tổ quốc là sự thật không thể chối bỏ.

Ước nguyện của họ thật nhỏ nhoi nhưng hoàn toàn chính đáng. Và trong lúc chờ đợi một chính sách từ Đảng và Nhà nước, với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, mong rằng các tổ chức và cá nhân hãy có những nghĩa cử chung tay góp sức để chăm lo cho cuộc sống của những người đã không tiếc máu xương, vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam!

Đọc thêm

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống.
Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 cũng quy định 3 trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng bị tạm dừng hưởng chế độ như luật hiện hành nhưng có một số điều chỉnh.
5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.