Vaccine Abdala của Cuba hiệu quả như thế nào?

Vaccine Covid-19 Abdala do Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) tại Cuba phát triển, hiệu quả 91,2% trong thử nghiệm giai đoạn cuối.

Trong suốt đại dịch, Cuba không nhập khẩu vaccine Covid-19, tập trung nghiên cứu vaccine nội địa. Đây cũng là quốc gia đang phát triển hiếm hoi làm được điều này.

Vaccine Abdala của Cuba hiệu quả như thế nào?

Nhân viên y tế Cuba tiêm vaccine Covid-19 cho một bé gái ở thủ đô Havana, ngày 24/8. Ảnh: AFP

Hôm 20/9, Bí thư thứ nhất đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Miguel Diaz Canel, cho biết nước này sẵn sàng cung cấp và chuyển giao công nghệ vaccine cho Việt Nam. Hôm 17/9, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine Abdala của Cuba cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống Covid-19. Đây là vaccine thứ 8 được Việt Nam cấp phép khẩn cấp, sau AstraZeneca, SputnikV, Johnson & Johnson, Moderna, Pfizer, Sinopharm và Hayat-Vax.

Công nghệ điều chế

Abdala là vaccine tiểu đơn vị, bao gồm các mảnh (protein) vô hại của nCoV thay vì toàn bộ mầm bệnh. Sau khi được tiêm chủng, cơ thể nhận ra các protein ngoại lai, từ đó tạo kháng thể và tế bào bạch huyết để tự bảo vệ (lympho T). Những tế bào này ghi nhớ và chống lại virus trong tương lai. Đây là công nghệ truyền thống, thường được sử dụng cho hầu hết các loại vaccine ở trẻ em như ho gà, uốn ván, bạch hầu và viêm màng não mô cầu.

Ưu điểm lớn nhất của vaccine tiểu đơn vị là độ an toàn . Các loại vaccine cũ hơn, làm từ virus sống hoặc giảm độc lực có một số rủi ro, bù lại bởi khả năng miễn dịch mạnh mẽ và cơ chế một liều tiện lợi. Tuy nhiên, khi mầm bệnh trở nên ít phổ biến, các rủi ro dễ vượt qua lợi ích. Bên cạnh đó, vaccine sống có thể thay đổi về mặt di truyền trong một số trường hợp, khiến virus hoạt động trở lại, gây hại cho cơ thể.

Vaccine tiểu đơn vị loại bỏ được cả hai mối nguy này. Thay vì toàn bộ mầm bệnh, nó chỉ chứa các mảnh cụ thể của virus để kích thích miễn dịch. Đây là phương pháp chủng ngừa cực an toàn, có thể sử dụng cho hầu hết người dân, bất kể tình trạng sức khỏe.

Abdala bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C , thay vì đòi hỏi tủ đông sâu như các vaccine mRNA khác. Ưu thế này giải quyết nỗi lo về hậu cần ở những khu vực điều kiện chưa cho phép.

Dù vậy, vaccine tiểu đơn vị ít khả năng tạo miễn dịch lâu dài. Cách giải quyết là tiêm nhắc lại trong khoảng thời gian quy định để chống lại bệnh tật.

Hiệu quả của vaccine Abdala

Theo dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng, Abdala là một trong những loại vaccine hiệu quả nhất thế giới, ngang với Pfizer/BioNTech (hiệu quả 95%), Moderna (hiệu quả 94,1%), Sputnik V (hiệu quả 91,6%).

Nghiên cứu vaccine được tiến hành tại miền Đông Cuba. Thử nghiệm giai đoạn đầu và hai diễn ra ở thành phố lớn thứ hai đất nước, Santiago de Cuba. Đến giai đoạn ba, các nhà khoa học chuyển sang thủ phủ của tỉnh Granma và Guantánamo.

Thử nghiệm có 48.000 người tham gia, triển khai theo phương pháp mù đôi có nhóm đối chứng, tức là cả tình nguyện viên lẫn y bác sĩ không biết mình tiêm/nhận vaccine hay giả dược. Đây được gọi là “tiêu chuẩn vàng” trong nghiên cứu khoa học. Vaccine Abdala được tiêm ba liều, cách nhau mỗi 14 ngày.

Giai đoạn đầu nghiên cứu diễn ra khi đột biến cơ bản là D614G chiếm ưu thế ở Cuba. Đến giai đoạn ba, kịch bản dịch tễ học thay đổi hoàn toàn vì các biến thể mới xuất hiện.

“Ngay từ khi thực hiện thử nghiệm giai đoạn ba, đặc biệt vào thời điểm thu thập thông tin xác định hiệu quả, chúng tôi biết rằng tại khu vực phía Đông và Havana, các biến thể mới, chẳng hạn Alpha và Beta dễ lây lan, đã bắt đầu lưu hành”, tiến sĩ Marta Ayala, Tổng giám đốc CIGB, giải thích hồi tháng 6.

Với bối cảnh đó, bà cho rằng “xác suất cao vaccine có thể bảo vệ người dùng khỏi biến thể lưu hành”. Theo nghiên cứu, phản ứng miễn dịch sau tiêm rất tốt, có thể trung hòa virus.

Nhận định từ chuyên gia

Chuyên gia có cái nhìn lạc quan về hiệu quả của vaccine Cuba. Jose Moya, làm việc tại Tổ chức Bác sĩ Không biên giới ở Guatemala, Mozambique và Nigeria, đại diện Tổ chức Y tế Liên Mỹ (một phần của WHO) tin tưởng vào các số liệu liên quan đến Abdala.

“CIGB có 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu vaccine. Tôi tin vào kết quả đã được công bố. Đây là nghiên cứu nghiêm túc, với sự tham gia của các nhà khoa học và tổ chức khoa học”, ông nói.

Theo ông, bằng chứng là 80% các loại vaccine của Cuba được sản xuất trong nước. Ông không ngạc nhiên về hiệu quả cao của Abdala, cho rằng đây chỉ là hệ quả hợp lý của một hệ thống y tế hoạt động tốt và ổn định trong nhiều thập kỷ.

Từ giữa năm nay, Cuba khởi động chiến dịch tiêm chủng hàng loạt bằng vaccine “cây nhà lá vườn” là Soberana 1-2 và Abdala. Đến nay, hàng nghìn nhân viên y tế và các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương đã được chủng ngừa. Cuba cũng trở thành nước đầu tiên tiêm vaccine cho trẻ từ hai tuổi. Đến nay, khoảng 69% dân số nước này đã tiêm ít nhất một liều vaccine.

Hôm 15/9, Cuba cho biết sẽ đề xuất Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt ba loại vaccine Covid-19, trong đó có vaccine Abdala.

Iran và Venezuela đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng Abdala, một số quốc gia như Bolivia, Mexico và Argentina bày tỏ mong muốn mua hoặc sản xuất vaccine này.

Theo VnExpress

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Chủ đề Hỏi đáp về dịch COVID-19

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.