Những món ăn được làm từ bột khoai tây trong cuộc thi nấu ăn đang diễn ra ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: AFP)
Từ món samsaek gaepitok (bánh gạo ba màu) đến yak kwa (bánh quy lúa mì nướng mật ong) hay bí xanh nhồi nhịt, bí quyết để giành được sự chú ý của những người “cầm cân nảy mực” chính là tập trung vào từng chi tiết.
40 món ăn khác nhau được khoảng 300 đầu bếp thực hiện tại cuộc thi kéo dài 3 ngày ở Bình Nhưỡng. Người giành chiến thắng sẽ nhận được một bộ sách dạy nấu ăn, các dụng cụ nấu ăn, bằng chứng nhận và kỷ niệm chương.
Những người đến xem chủ yếu là phụ nữ. Một số vị khách dùng điện thoại quay cảnh các thí sinh chế biến món ăn để học hỏi kinh nghiệm nấu nướng và trang trí.
“Lý do khiến nền ẩm thực Triều Tiên tuyệt vời vì nó đặc trưng bởi hương vị tươi ngon và rõ ràng, không mang đến những cảm nhận lẫn lộn”, Han Jong Guk – một đầu bếp bánh ngọt và là thành viên ban giám khảo nói với AFP.
“Ví dụ như, nếu đó là món cá nó phải có hương vị cá, hoặc nếu là gà thì phải có vị gà. Đây chính là đặc trưng chính của món ăn Triều Tiên”, ông nói thêm.
Cuộc thi nấu ăn thu hút khoảng 300 đầu bếp tham gia tranh tài. (Ảnh: AFP)
Tuy nhiên, có một sự thật cần phải nhìn nhận rằng quốc gia nằm ở nửa phía Bắc của bán đảo Triều Tiên từ lâu đã phải chật vật đối phó với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra vào hai ngày 27 và 28/2 tới đây ở thủ đô Hà Nội của Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra viễn cảnh quốc gia bị cô lập trở thành cường quốc kinh tế nếu có thể đạt được thỏa thuận về vũ khí hạt nhân.
Cụ thể, Tổng thống Trump ngày 8/2 (giờ địa phương) viết trên mạng xã hội Twitter rằng: “Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un sẽ trở thành cường quốc kinh tế vĩ đại. Ông ấy có thể làm nhiều người ngạc nhiên nhưng tôi thì không, tôi hiểu rõ khả năng của Kim Jong-un. Triều Tiên sẽ trở thành một loại tên lửa khác - tên lửa kinh tế!”.
Lịch sử Triều Tiên đã phải chứng kiến “Cuộc hành quân gian khổ” (Arduous March) - thời kỳ khủng hoảng kinh tế bao phủ Triều Tiên vào những năm 1990, khiến hàng trăm nghìn người chết đói. Tuy nhiên, đến hiện tại, sản lượng nông nghiệp của quốc gia này vẫn thấp hơn mức trung bình toàn cầu và nhiều người dân vẫn bị suy dinh dưỡng.
Tài liệu “Nhu cầu và Ưu tiên năm 2019” của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) vừa công bố tuần này cho biết tình trạng kinh niên về mất an ninh lương thực và suy sinh dưỡng ở Triều Tiên là rất nghiêm trọng.
“Mỗi năm, sản xuất thực phẩm trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, bởi chỉ cung cấp được xấp xỉ 1 triệu tấn”, FAO nói về Triều Tiên trong tài liệu.
Cùng với đó là tình trạng thiếu đất canh tác. Khu vực phía Bắc Triều Tiên chủ yếu là vùng núi, phải hứng chịu thiên tai thường xuyên. Liên Hợp Quốc cũng cho rằng thiếu phân bón và kỹ thuật nông nghiệp hiện đại là hai trong số những yếu tố gây khó cho vấn đề.
Và giải pháp của ông Kim Jong-un chính là khoai tây.
Không giống như những cánh đồng lúa ngập nước, khoai tây không cần phải trồng trên những vùng đất bằng phẳng và Bình Nhưỡng đang muốn thúc đẩy loại nông sản này thành lương thực chính.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhiều lần đến thị sát một nhà máy sản xuất bột khoai tây. Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), ông Kim từng nói rằng người Triều Tiên nên được nhắc tới về “lợi thế và sự hiệu quả” khi sản xuất loại nông sản này, “phương pháp sản xuất các loại thực phẩm khác nhau từ bột khoai tây nên được tuyên truyền rộng rãi”.
Và cuộc thi nấu ăn đang diễn ra ở Bình Nhưỡng cũng là một phần trong chiến lược tuyên truyền của Triều Tiên.
Bên trong một căn phòng, những chiếc bàn được bày kín những món ăn được làm từ bột khoai tây - đó là pizza, bánh bao, mì, thậm chí là cả bánh chocolate.
Một món ăn được trang trí đẹp mắt tại cuộc thi. (Ảnh: AFP)
“Tất nhiên, gạo là lương thực chính của chúng tôi, nhưng bánh mì và bột khoai tây cũng có thể”, ông Kim Kum Hun thuộc Hiệp hội đầu bếp Triều Tiên - người tổ chức cuộc thi, nói với AFP.
Tại Triều Tiên, khoai tây cho năng suất 20 tấn/ha, trong khi lúa chỉ dưới 10 tấn/ha, ông Kim Kum Hun cho biết thêm.
Việc chế biến khoai tây dạng củ sang dạng bột cũng mang đến lợi ích cho cả người nông dân và đơn vị chế biến khi nhiều việc làm hơn được mang đến cho thị trường lao động.
Bình Nhưỡng từ lâu đã phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt bởi các chương trình tên lửa, hạt nhân. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn luôn tự hào về khả năng tự cung tự cấp của mình.
“Nhiều người ngạc nhiên khi chứng kiến một cuộc thi hấu ăn được tổ chức ở đây đó là bởi vì họ không hiểu rõ người dân chúng tôi”, ông Kim Kum Hun nói. “Ngay cả khi chúng tôi bị áp đặt các lệnh trừng phạt hoặc không được hỗ trợ gạo, cuộc sống của chúng tôi vẫn không bị ảnh hưởng. Chúng tôi có thể sống bằng sức mạnh của sự tự lực”, ông nói thêm.