Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Ngày 15/5, tại TP. Vinh (Nghệ An), Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại (trường hợp dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh)”.

Dự hội thảo có đoàn chuyên gia UNESCO, đại diện Bộ VHTT&DL, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, các học giả trong và ngoài nước, các nghệ nhân thuộc 28 huyện trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hồ Đức Phớc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện cùng tham dự.

Các học giả trình bày tham luận tại hội thảo
Các học giả trình bày tham luận tại hội thảo

Hội thảo đã nhận được 80 tham luận của các học giả trong nước và thế giới, các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân trong nước. Nội dung tham luận được trình bày tập trung vào một số vấn đề lý thuyết, phương pháp tiếp cận dân ca; nghiên cứu nghệ thuật và tính đa dạng của dân ca; sự biến đổi và sức sống của dân ca; bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca.

Một số tham luận trình bày nổi bật tại hội thảo như: Suy nghĩ về nghiên cứu âm nhạc dân gian và ứng dụng phương pháp luận phương Tây để phân tích dân ca ví, giặm của tỉnh Nghệ Tĩnh trên quan điểm âm nhạc và âm thanh của GS.TS Trần Quang Hải (Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia, Cộng hòa Pháp); Tiếp cận ví, giặm Nghệ Tĩnh từ phương pháp phân tích âm nhạc của PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Nhạc viện TP.HCM); Sự biến đổi và sức sống của dân ca nói chung, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh nói riêng trong xã hội đương đại của Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam); Hợp tác trong lĩnh vực ca hát trong quá trình hợp tác ví, giặm và mô hình bảo tồn của UNESCO của TS. Ludo Jasbs Marc Maria (Đại học Tự do Brussel, Bỉ)…

Đại biểu trao đổi bên lề hội thảo
Đại biểu trao đổi bên lề hội thảo

Hội thảo được các học giả, chuyên gia trong và ngoài nước ghi nhận và đánh giá cao. Những vấn đề trình bày tại hội thảo sẽ là cơ sở để Nghệ An và Hà Tĩnh tiếp tục hoàn thiện và đưa ra các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo thống kê năm 2013, Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn còn 260 làng có thực hành dân ca ví, giặm; 75 nhóm dân ca ví, giặm đang hoạt động với trên 1.500 thành viên. Với những giá trị văn hóa và nghệ thuật độc đáo, năm 2012, dân ca ví, giặm xứ Nghệ đã được Bộ VHTT&DL đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và hiện nay đang được Bộ VHTT&DL thừa ủy quyền của Chính phủ xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2014.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast