Công bố di tích quốc gia Bia chủ quyền Trường Sa năm 1956

Sáng 17-7, tại thành phố Nha Trang, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh đã trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia cho hai di tích lịch sử tại tỉnh Khánh Hòa.

Các cựu chiến binh Tàu không số ở Khánh Hòa chụp ảnh lưu niệm sau buổi lễ - Ảnh: Duy Thanh
Các cựu chiến binh Tàu không số ở Khánh Hòa chụp ảnh lưu niệm sau buổi lễ - Ảnh: Duy Thanh
Bộ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh trao bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm Tàu không số C235 (Đường Hồ Chí Minh trên biển) cho lãnh đạo thị xã Ninh Hòa - Ảnh: Duy Thanh
Bộ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh trao bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm Tàu không số C235 (Đường Hồ Chí Minh trên biển) cho lãnh đạo thị xã Ninh Hòa - Ảnh: Duy Thanh
Bộ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh trao bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa cho đại diện Bộ Tư lệnh Vùng 4 hải quân và UBND huyện Trường Sa
Bộ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh trao bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa cho đại diện Bộ Tư lệnh Vùng 4 hải quân và UBND huyện Trường Sa

Đó là Địa điểm lưu niệm tàu C235 (Đường Hồ Chí Minh trên biển) và Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa cho thị xã Ninh Hòa và huyện Trường Sa.

Di tích Địa điểm lưu niệm tàu C235 (Đường Hồ Chí Minh trên biển) tại Hòn Hèo (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa) gắn liền với sự kiện năm 1968, tại vùng biển địa phương này, tàu không số C235 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chở vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Nam Trung bộ đánh Mỹ - ngụy đã anh dũng chiến đấu với bảy tàu chiến và hai liên đoàn biệt động của địch, sau đó hủy tàu để không rơi vào tay địch. Trong trận chiến đấu sinh tử này, có 14 chiến sĩ trên tàu C235 hi sinh, trong đó có thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh.

Di tích Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết (xã Sinh Tồn) được Việt Nam Cộng hòa xây dựng năm 1956. Trên hai bia chủ quyền ghi rõ: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22-8-1956 dưới sự hướng dẫn của hải quân Việt Nam”. Di tích này đã được quân và dân huyện đảo Trường Sa bảo quản, giữ gìn và được tỉnh Khánh Hòa xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2011.

Tại lễ trao bằng xếp hạng cho hai di tích trên, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu rằng sự chiến đấu và hi sinh của cán bộ, chiến sĩ tàu C235 đã trở thành huyền thoại, thể hiện lý tưởng cách mạng cao đẹp của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy, sẵn sàng hi sinh cho cách mạng. Tấm gương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của các anh mãi còn sáng soi cho thế hệ sau học tập, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc.

Còn hai tấm bia chủ quyền được xây dựng trên đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết năm 1956 thực sự là những bằng chứng lịch sử quan trọng vì ở đó đã khắc ghi cụ thể việc quản lý liên tục và toàn diện của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, “là những bằng chứng xác thực giúp chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở lịch sử để tiếp tục theo bước cha ông trong cuộc đấu tranh bảo vệ non sông, biển cả thiêng liêng của Tổ quốc”.

Ông Nguyễn Viết Thuân - chủ tịch UBND huyện Trường Sa - nói rằng Bia chủ quyền xã đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết xã Sinh Tồn xây dựng năm 1956 được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia là niềm vinh dự, tự hào cho cán bộ, chiến sĩ, quân và dân huyện Trường Sa; có giá trị to lớn trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo Tuoitre

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast