Diễn xướng trò Kiều tỏa sáng các giá trị văn hóa, nghệ thuật

(Baohatinh.vn) - Có thể nói, chưa bao giờ ở Hà Tĩnh, không gian diễn xướng của loại hình nghệ thuật dân gian trò Kiều lại được tái hiện trên sân khấu nhiều như khoảng thời gian này. Không chỉ ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) mà khắp nơi, bất kỳ chương trình nghệ thuật quần chúng nào cũng hướng về lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du bằng các vở diễn dựa trên nội dung của Truyện Kiều.

Chị Trần Thị Cảnh – Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Nghi Xuân cho biết: “Chỉ qua hoạt động này đã cho thấy sức sống bền sâu của trò Kiều trong đời sống văn hóa của người dân Nghi Xuân. Thông qua việc tập luyện, biểu diễn và thưởng thức các trích đoạn trò Kiều, học sinh được tiếp nhận nhiều bài học giá trị để vận dụng vào cuộc sống: đó là đạo hiếu, tình yêu, khát vọng tự do... Mặc dù còn có những tiết mục chưa thật đúng với loại hình nghệ thuật trò Kiều trong cách hát, lối diễn, trang phục, nhưng bên cạnh đó, cũng có những tiết mục xuất sắc. Chúng tôi cũng đã lựa chọn được 4 tiết mục đặc sắc nhất, trong đó, có 2 tiết mục trò Kiều vào vòng chung khảo sẽ diễn ra trong khuôn khổ tuần văn hóa Nguyễn Du sắp tới”.

Diễn xướng trò Kiều tỏa sáng các giá trị văn hóa, nghệ thuật ảnh 1

Tiết mục trò Kiều “Gia đình viên ngoại” do học sinh Trường THPT Nguyễn Du biểu diễn

Sự sôi động không chỉ diễn ra trên miền đất hát Nghi Xuân, không khí ấy còn lan tỏa khắp các trường học trên toàn tỉnh. Trò Kiều là loại hình nghệ thuật được chuyển tác từ Truyện Kiều, bao gồm hát, diễn xuất và làm trò, trong đó, lời ca được pha trộn giữa ca Huế, tuồng, chèo, ngâm, lẩy Kiều bằng ca trù, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Trò Kiều vốn không phải được khai sinh ở Hà Tĩnh mà loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này được xác định là sản phẩm nghệ thuật của những cư dân Đàng Ngoài (Bắc Nghệ An và Nam Thanh Hóa). Trước đó, từ khoảng giữa thế kỷ XIX, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được chuyển thể và diễn xướng ở cả 3 miền đất nước với nhiều thể loại như tuồng, đờn ca tài tử, chèo…

Tuy vậy, kịch bản của các vở diễn đều được xây dựng dựa trên cốt Truyện Kiều và hầu như không thay đổi nội dung cũng như nhân vật. Và, trong tất cả các hình thức diễn xướng đó, trò Kiều vẫn là không gian diễn xướng có sức sống bền sâu nhất, được công chúng hưởng ứng nhiều nhất.

Diễn xướng trò Kiều tỏa sáng các giá trị văn hóa, nghệ thuật ảnh 2

Trích đoạn “Kim Kiều gặp gỡ” của học sinh Trung tâm Hướng nghiệp Dạy nghề & Giáo dục thường xuyên Nghi Xuân.

Trò Kiều xuất hiện ở Hà Tĩnh từ khá sớm tại các huyện Đức Thọ, Kỳ Anh và phải tới khoảng năm 1920 mới về quê hương tác giả Truyện Kiều. Dường như, bởi căn nguyên là quê hương của tác giả Truyện Kiều nên hình thức diễn xướng này phát triển rất mạnh mẽ ở Nghi Xuân. Khoảng năm 1957, huyện Nghi Xuân có 6 xã có đội hát diễn trò Kim Vân Kiều là Tiên Điền, Xuân Liên, Xuân Thành, Cổ Đạm, Xuân Mỹ, Xuân Lĩnh...

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Ban cho biết: “Khác với các hoạt động văn nghệ khác, lúc bấy giờ, hễ trống trò Kiều nổi lên là dân làng lại kéo nhau đến xem bất kể ngày đêm, bất kể tập hay diễn. Nhiều người mê Trò Kiều đến nỗi thuộc nằm lòng lời thoại của các vai diễn. Đó cũng chính là yếu tố thuận lợi cho công tác sưu tầm của chúng tôi nhằm khôi phục các đội trò Kiều Tiên Điền và Xuân Liên hồi năm 2000”.

Diễn xướng trò Kiều tỏa sáng các giá trị văn hóa, nghệ thuật ảnh 3

Cảnh trong trích doạn “Trong cơn gia biến” (chuyển thể dân ca Nghệ Tĩnh) của Trường THCS Xuân An. Ảnh: Minh Huệ

Trò Kiều tuy không sinh ra ở Nghi Xuân nhưng lại được hậu thế của Nguyễn Du nuôi dưỡng bền bỉ đến tận ngày nay. Diễn và xem trò Kiều, lưu giữ trò Kiều là một cách để người dân Nghi Xuân thể hiện lòng tôn kính, niềm tự hào đối với Đại thi hào Nguyễn Du.

Cùng với việc phối hợp tổ chức các hoạt động của tỉnh, huyện Nghi Xuân còn tổ chức 8 hoạt động nghệ thuật chính, trong đó, có chương trình trò Kiều do 2 CLB trò Kiều Tiên Điền và Xuân Liên biểu diễn dự kiến vào nửa cuối tháng 11/2015. Các chương trình này hứa hẹn sẽ cống hiến cho khán giả những tiết mục diễn xướng dưới các loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc, nhất là trò Kiều.

Diễn xướng trò Kiều tỏa sáng các giá trị văn hóa, nghệ thuật ảnh 4

Khán giả hào hứng với các tiết mục trò Kiều trên sân khấu.

Em Nguyễn Thị Minh Ngọc – học sinh Trường THPT Nghi Xuân cho biết: “Cuộc thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều thông qua hình thức sân khấu trong các trường học do UBND huyện Nghi Xuân tổ chức đã mang tới cho em và các bạn cơ hội được hiểu sâu sắc hơn về Nguyễn Du và Truyện Kiều, đồng thời, cũng được tiếp cận gần hơn với hình thức diễn xướng dân gian trò Kiều. Em tin chắc rằng, qua cuộc thi này, thế hệ trẻ trên quê hương Nguyễn Du càng yêu mến hơn nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của cha ông, để Truyện Kiều càng tỏa sáng các giá trị văn hóa, nghệ thuật”.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast