Khảo cổ học dưới nước - những kết quả bước đầu

(Baohatinh.vn) - Khảo cổ học dưới nước là lĩnh vực mới của ngành khảo cổ học Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Từ năm 2013 trở về trước, khảo cổ học dưới nước Hà Tĩnh chỉ là những sự phát hiện ngẫu nhiên của các ngư dân đi biển.

Những phát hiện này phần lớn các cơ quan quản lý nhà nước và chuyên môn có liên quan không hề hay biết. Một phần nhỏ được các cơ quan phối hợp chặt chẽ xử lý theo Luật Di sản văn hóa và các nghị định hướng dẫn thi hành. Hiện nay, nhiều hiện vật đã được đưa về Bảo tàng tỉnh bảo quản và phát huy tác dụng.

Bảo tàng tỉnh hiện lưu giữ bộ sưu tập bảo vật quốc gia gồm 3 khẩu súng thần công mệnh danh “Bảo quốc an dân đại tướng quân” niên đại năm Minh Mệnh thứ 2 (1821); bộ sưu tập bát đĩa được ngư dân xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) trục vớt tại biển Đông; bộ sưu tập gốm Lý - Trần; bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn phát hiện tại biển Kỳ Anh.

Khảo cổ học dưới nước - những kết quả bước đầu ảnh 1
Súng thần công ''Bảo quốc an dân đại tướng quân" được phát hiện tại vùng biển Hà Tĩnh. Ảnh: Trâm Phan

Nhằm bảo vệ và phát huy di sản văn hóa không chỉ ở đất liền mà còn ở dưới nước, từ năm 2013 đến nay, với sự trợ giúp của các cơ quan chuyên ngành T.Ư, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành nhiều đợt khảo sát trên vùng biển Hà Tĩnh, đặc biệt đã định vị tọa độ địa điểm của những tàu cổ bị đắm và có những kết quả bước đầu. Tháng 11/2013, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiến hành khảo sát thực địa và bước đầu tìm thấy tọa độ tàu đắm cách đây 2 thế kỷ dưới thời nhà Nguyễn.

Từ 12 - 22/4/2014, Sở VH-TT&DL và Bảo tàng Hà Tĩnh tiếp tục phối hợp với Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Viện Khảo cổ học dưới nước Hàn Quốc tiến hành điều tra, khảo sát, thám sát và nghiên cứu những chiến thuyền nhà Nguyễn bị đắm tại các cửa biển Hà Tĩnh, làm sáng tỏ một số vấn đề về ngành hàng hải, hải quân, kỹ thuật đóng tàu thuyền, nghệ thuật quân sự của Việt Nam trong lịch sử để phục vụ chiến lược biển của nước ta hiện nay.

Đáng chú ý, ngoài phương pháp khảo sát thực địa truyền thống, đoàn công tác sử dụng thiết bị định vị, ảnh chụp vệ tinh và trực tiếp lặn thăm dò xác định, tìm thấy tọa độ của con tàu đắm cổ cách Cửa Sót 40 km về hướng Đông bắc mà năm 2003, đội thợ lặn xã Cẩm Lĩnh đã trục vớt được 3 bảo vật quốc gia - khẩu thần công bằng đồng hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Tĩnh. Được sự trợ giúp của các chuyên gia Hàn Quốc và đội thợ lặn xã Cẩm Lĩnh, công tác thăm dò đang được tiến hành tại đây và phát hiện một hiện vật nặng khoảng 800 kg, hình tròn, đường kính 1,2m, hình dáng giống như chiếc phao bơi, chất liệu bằng sợi đay quấn quanh kết hợp với các sợi dây kim loại bằng sắt, qua thời gian ở dưới nước mặn đã bị ô xy hóa kết dính lại với nhau tạo thành một khối có độ cứng cao.

Theo các chuyên gia khảo cổ thì đây là bộ phận của một con tàu cổ bị đắm cách nay hàng trăm năm, được cố định xung quanh mạn tàu. Hiện nay còn có 2 vật thể tương tự nằm tại tọa độ con tàu đắm mà đợt khảo sát lần này chưa thể trục vớt được do không có thiết bị đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học dưới nước Hàn Quốc còn tìm thấy phần còn lại của chiếc đàu đắm, đó là một mảnh đồng bị ô xy hóa và dính nhiều vỏ hàu, dùng để nẹp trên thân tàu có độ dài 40 cm, rộng 10 cm, dày 2 cm. Phía trên bề mặt được đục nhiều lỗ tròn để gắn đinh.

Để khảo cổ học dưới nước Hà Tĩnh đạt được thành tựu trong thời gian tới, cần tiến hành khảo sát khảo cổ tại các cửa biển Hà Tĩnh như Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu, góp phần làm rõ quan hệ thương mại, bang giao của Việt Nam với các nước khu vực và trên thế giới dưới thời phong kiến; phối hợp với các cơ quan và cá nhân liên quan tiếp tục tiến hành trục vớt phần còn lại của con tàu đắm cách Cửa Sót 22 hải lý về hướng Đông bắc, qua đó làm sáng tỏ thêm lịch sử kỹ thuật đóng tàu, ngành hàng hải Việt Nam dưới thời phong kiến nhà Nguyễn; phối hợp với các chuyên gia Bảo tàng T.Ư bảo quản định kỳ các hiện vật liên quan đến biển và văn hóa biển, ưu tiên bảo quản các hiện vật dễ bị xâm hại bởi tác nhân môi trường và con người gây ra, đặc biệt là 3 bảo vật quốc gia súng thần công.

(Bảo tàng Hà Tĩnh)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast