Đặc sắc Chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời”

(Baohatinh.vn) - Nằm trong Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du diễn ra vào tối 5/12, Chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” đã mang đến cho người xem những sắc màu, không gian và cảm xúc lắng đọng...

>> Long trọng kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du

Chương trình do Bộ VHTT&DL và tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo nội dung, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở VHTT&DL Hà Tĩnh chỉ đạo thực hiện, NSND Nguyễn Minh Thông – NSƯT Lê Khánh Toàn viết kịch bản văn học, NSND Trần Bình viết kịch bản sân khấu và tổng đạo diễn.

Đặc sắc Chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” ảnh 1

Kịch bản nghệ thuật gồm 5 chương, huy động 650 diễn viên, nghệ nhân tham gia diễn xuất trong thời lượng gần 1 tiếng đồng hồ.

Trên nền sân khấu hiện đại, thể hiện vẻ đẹp hữu tình, quyến rũ của mảnh đất Hà Tĩnh với điểm nhấn là non Hồng vời vợi và dòng Lam trong xanh, đội ngũ diễn viên, nghệ nhân đã tái hiện lại không gian văn hóa của vùng địa linh nhân kiệt Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và xứ sở Kinh Bắc văn vật; hành trạng của Nguyễn Du qua các thời kỳ; chuyển tải các trước tác của Nguyễn Du bằng các làn điệu dân ca đặc sắc đã trở thành di sản văn hóa thế giới.

Đặc sắc Chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” ảnh 2

Mở đầu chương trình là chủ đề “Vùng đất địa linh nhân kiệt - Áo gấm về làng” tái hiện toàn cảnh mảnh đất Hà Tĩnh với núi Hồng, sông Lam và hình ảnh chim phượng hoàng tung cánh, những anh hùng hào kiệt qua các thời kỳ. Gắn với sự thành đạt về khoa bảng và quan lộ là truyền thống hiếu học, tôn vinh những con người có công với dân, với nước. Áo gấm về làng đã tái hiện cảnh trăm họ háo hức đón rước các vị hiển đạt, trong đó có hình ảnh tại làng quê Tiên Điền (Nghi Xuân).

Đặc sắc Chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” ảnh 3

Tiếp nối hình ảnh về quê cha, chương 2 của chương trình nghệ thuật đã chuyển hóa những hình ảnh đặc trưng về miền quê mẹ Kinh Bắc. Kinh Bắc, vành nôi của văn hóa quan họ, là vùng văn vật ngàn đời hiện lên trên sân khấu nghệ thuật với những con sông, mái đình, cây đa, các liền anh, liền chị hát đối, đưa đón nhau lên thuyền, xuống thuyền… Cảnh sinh động ấy xuất hiện cùng với lời ca mượt mà, đằm thắm thể hiện bằng làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh làm xao động lòng người.

Đặc sắc Chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” ảnh 4

“Tiếng thương như tiếng mẹ ru…” là chủ đề của chương 3, tái hiện các tác phẩm của Nguyễn Du qua các hình thức văn học nghệ thuật, sinh hoạt văn hóa dân gian từ đọc văn tế, ngâm thơ Kiều, cải lương diễn Kiều, tuồng diễn Kiều, ca trù....

Toát lên trên tất cả các hình thức ấy là sự khẳng định những sáng tác quan trọng của Nguyễn Du đã trở thành tinh hoa nghệ thuật thi ca Việt Nam, thể hiện phần nào minh triết Việt, tác động đến các lĩnh vực của đời sống tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng Việt Nam.

Đặc sắc Chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” ảnh 5

Chủ đề của chương 4 “Nguyễn Du viết Kiều - đất nước hóa thành Văn” đã chọn nàng Kiều làm nhân vật trung tâm. Từ đó, 6 cảnh trong hợp xướng đã tái hiện các giai đoạn quan trọng trong cuộc đời Kiều, từ gia biến, đến sự hi sinh, vào lầu xanh và đoàn tụ.

Cùng với các sự biến đó, cảnh thực và đồ họa đã tái hiện không gian văn hóa thời xưa với thiên nhiên, khung cảnh, nhà cửa, xe cộ… làm tất cả phải thổn thức về sự thật: có một thời cha ông như thế.

Đặc sắc Chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” ảnh 6

Như lời ca khải hoàn, chương 5 được đặt tiêu đề “Khúc vui xin lại so dây cùng người” đã khép lại đêm diễn với nhiều ấn tượng mạnh mẽ trong lòng quý khách và nhân dân. Bằng lời dẫn trầm ấm và hào sảng, NSND Quốc Hưng đã làm khán giả xúc động trong giây phút từ biệt: “Tố Như từng viết: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

250 năm đã trôi qua, đất nước yêu dấu của chúng ta đã phải đối mặt với bao thăng trầm, thử thách. Và hôm nay, vượt lên tất cả, con dân nước Việt đang chung tay góp sức xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc. Bởi vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào, chia sẻ cảm xúc với nhà thơ Tố Hữu trong bài "Kính gửi cụ Nguyễn Du": “Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng lời nghìn thu/ Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày/ Hỡi người xưa của ta nay/ Khúc vui xin lại so dây cùng Người!”

Thêm một số hình ảnh đặc sắc trong chương trình:

Đặc sắc Chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” ảnh 23

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast