Nghìn năm vọng tiếng anh hùng

(Baohatinh.vn) - Tháng Giêng, người dân Mai Phụ (Lộc Hà) lại nôn nao đón chờ lễ tế giỗ vua Mai Thúc Loan - vị anh hùng dân tộc, người con xuất chúng của làng Mai Lâm. Trong lơ thơ tơ nõn, trong lặng lẽ thành kính, câu chuyện lịch sử từ hơn nghìn năm trước lại được thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau với niềm tự hào sâu sắc...

Nếu như những năm trước, mong ước về một lễ tế giỗ vua Mai trang trọng hơn, xứng tầm hơn cứ đau đáu trong lòng người dân Mai Phụ - quê hương của Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan) thì tháng Giêng này, niềm mong ước đó đã thành hiện thực. Dự án tu bổ đền vua Mai và xây dựng quảng trường Mai Hắc Đế trên bờ biển Thạch Bằng được khởi công ngay sau lễ tế là một niềm vui lớn đối với toàn thể nhân dân huyện Lộc Hà.

Hai cây đa trước cổng đền Vua Mai đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Hai cây đa trước cổng đền Vua Mai đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Bà Trương Thanh Huyền - Bí thư Huyện ủy Lộc Hà cho biết: “Từ chủ trương của huyện, con em xa quê và bà con đã đóng góp hơn 105 tỷ đồng để triển khai dự án, trong đó, Vingroup là nhà tài trợ chính. Công trình đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân về một ngôi đền thờ vua Mai xứng tầm. Quảng trường Mai Hắc Đế bên bờ biển tạo khu vui chơi, giải trí cho nhân dân, đồng thời, giúp giáo dục truyền thống yêu nước, bồi đắp niềm tin, sức mạnh cho thế hệ trẻ trong công cuộc gìn giữ đất nước”.

Theo nhiều cứ liệu lịch sử và các truyền thuyết, thần tích, thần phả, Mai Thúc Loan được hoài thai trên mảnh đất Mai Lâm (Mai Phụ - Lộc Hà). Vì không chồng mà mang thai nên mẹ con ông phải lưu lạc lên vùng đất Ngọc Trừng (nay thuộc xã Nam Thái - huyện Nam Đàn - Nghệ An) sinh sống. Lên 10 tuổi, Mai Thúc Loan mồ côi mẹ nhưng lại may mắn được một người trong làng mang về nuôi dạy và gả con gái cho. Gắn bó với cuộc sống lao động từ nhỏ nên Mai Thúc Loan nổi tiếng khỏe mạnh và thông minh. Ông là đô vật có tiếng của vùng Sa Nam thời bấy giờ (Nam Đàn ngày nay).

Nhiều công trình sử học ghi lại, vào thế kỷ thứ VIII, nước ta bị nhà Đường cai trị, người dân ở các châu, hoan lầm than dưới sự bóc lột bằng chế độ thuế và cống nộp sản vật. Mai Thúc Loan được cho là đã từng trải qua nỗi cơ cực, nhục nhằn của một phu cống vải, hơn thế nữa, còn phải cùng đồng bào chịu cảnh sưu cao, thuế nặng dưới ách đô hộ nhà Đường. Đó chính là nguyên nhân khởi phát cuộc khởi nghĩa Hoan Châu về sau.

Người dân Mai Phụ làm bánh chưng giỗ vua Mai.

Người dân Mai Phụ làm bánh chưng giỗ vua Mai.

Mùa hạ năm Quý Sửu (713), cuộc khởi nghĩa Hoan Châu chính thức bùng nổ. Trước đó, Mai Thúc Loan kêu gọi những người dân phu gánh vải cống nộp cho nhà Đường nổi dậy khởi nghĩa. Hàng trăm người của các phường săn quanh vùng và sau đó, nhân tài khắp các châu Hoan, Diễn, Ái (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) cũng đến tụ tập dưới cờ nghĩa. Mai Thúc Loan còn cử người đi giao thiệp, liên kết với các nước Chăm Pa, Chân Lạp ở phía Tây và cả nước Kim Lân (Malaysia hiện nay) để củng cố lực lượng chống nhà Đường. Từ Vạn An, có một số quân của các nước thuộc bán đảo Đông Dương giúp sức, nghĩa quân tiến ra Bắc, tiến công phủ thành Tống Bình (Hà Nội). Trước khí thế ngút ngàn của nghĩa quân, bè lũ đô hộ Quang Sở Khách đã bỏ thành, tháo chạy về nước. Đất nước được giải phóng, Mai Thúc Loan xưng vua Mai Hắc Đế và xây thành Vạn An làm quốc đô...

Mặc dù những sự kiện đó không diễn ra trên quê hương Mai Phụ nhưng người dân nơi đây vẫn luôn biết ơn và tự hào về người anh hùng áo vải Mai Thúc Loan. Những lễ tế giỗ tuy được tổ chức bình dị nhưng ẩn chứa lòng thành kính của nhân dân trong vùng. Ông Nguyễn Xuân Bắc - Bí thư Đảng ủy xã Mai Phụ cho biết: “Khác với mọi năm, lễ giỗ vua Mai năm nay được tổ chức sớm hơn 1 ngày và có sự tham gia của toàn dân. Chúng tôi tổ chức thi gói bánh chưng dâng vua trong toàn xã. Người dân rất hào hứng với hoạt động này, sẽ có 2.200 chiếc bánh tham dự cuộc thi. Ban Tổ chức sẽ chấm điểm và người thắng cuộc nhận phần thưởng là lộc thờ cúng vua ở đền”. Tham gia cuộc thi gói bánh chưng và công tác chuẩn bị lễ tế giỗ vua Mai, anh Nguyễn Đức Định - người dân xóm Sơn Phú cho biết: “Không chỉ riêng tôi mà hầu hết người dân trong xã đều rất phấn khởi khi tham gia hoạt động này. Đây cũng là cách để thế hệ trẻ tiếp cận lịch sử một cách sinh động. Hy vọng, đây sẽ trở thành hoạt động tổ chức hàng năm trong các kỳ tế giỗ vua Mai sau này”.

Hơn 1.300 năm đã trôi qua nhưng dư âm cuộc khởi nghĩa Hoan Châu cùng khí phách anh hùng Mai Thúc Loan vẫn còn lan tỏa. Niềm tự hào đó đã biến thành sức mạnh để người dân Mai Phụ cống hiến nhiều hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với việc được đầu tư tôn tạo, 2 cây đa trước cổng được công nhận là cây di sản, đền vua Mai rồi đây sẽ đẹp đẽ hơn, dọc bờ biển Thạch Bằng sẽ có một quảng trường mang tên vị vua đen. Những công trình này sẽ trở thành địa chỉ văn hóa lịch sử góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast