Tiến sỹ Nguyễn Văn Trình - tấm gương sáng của vị quan thanh liêm

(Baohatinh.vn) - Làng Kiệt Thạch, tổng Đậu Liêu, huyện Thiên Lộc xưa, nay thuộc xã Thanh Lộc (Can Lộc) là vùng quê có nhiều người đỗ đạt cao trong các triều đại. Vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, làng có 2 anh em ruột đỗ đại khoa là Nguyễn Văn Trình đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898) và Nguyễn Quýnh đỗ Phó bảng khoa Canh Tuất (1910).

Đền thờ Tiến sỹ, Thượng thư Nguyễn Văn Trình ở xã Thanh Lộc (Can Lộc) được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Đền thờ Tiến sỹ, Thượng thư Nguyễn Văn Trình ở xã Thanh Lộc (Can Lộc) được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Nguyễn Văn Trình sinh năm Nhâm Thìn (1872) trong một gia đình khoa bảng. Thân sinh là ông Nguyễn Liên, đỗ Cử nhân năm 1848, từng trải qua các chức Tế tửu Quốc Tử Giám, Phủ doãn Phủ Thừa Thiên, Đốc học tỉnh Quảng Nam.

Nguyễn Văn Trình là người có tư chất thông minh, lại chăm chỉ nên học hành rất tiến bộ, 8 tuổi, ông đã biết ứng đối trôi chảy. Có giai thoại kể lại rằng, một hôm, thầy giáo tức cảnh ra đề “Bà Hơn bán gạo kém”, trong lúc các bạn học đang loay hoay tìm vế đối, ông đã đọc ngay “Ông Tỉnh uống rượu say”, vế đối thật chỉnh, ai cũng khen.

Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi ra chiếu Cần vương, ông Nguyễn Liên ứng nghĩa đứng đầu quân thứ Can Lộc, đã vận động trai tráng và nhân dân đánh giặc. Anh ruột Nguyễn Văn Trình là Nguyễn Lương Cận, mới đậu Cử nhân đã tham gia nghĩa quân và được phong làm “Bang biện Quân vụ”. Trong trận tấn công thành Hà Tĩnh, Nguyễn Lương Cận hy sinh. Gia đình phải trốn tránh sự truy lùng của giặc nên Nguyễn Văn Trình cũng bị gián đoạn việc học hành.

Vào những năm cuối thế kỷ XIX, việc học hành của Nguyễn Văn Trình mới được tiếp tục. Ông đỗ Tú tài năm 1894 tại Nghệ An và đỗ Cử nhân năm 1897 tại Huế. Một năm sau (1898), ông đỗ Tiến sĩ. Sau khi đỗ, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình được bổ Tri phủ Hưng Nguyên, sau là Anh Sơn. Thực dân Pháp và Nam triều tưởng dùng uy tín và tài năng của ông để phục vụ công cuộc bảo hộ của chúng, nhưng chúng đã nhầm. Tri phủ Nguyễn Văn Trình đã luôn bênh vực quyền lợi cho dân, chống lại sự hà khắc của chúng.

Chán cảnh làm quan nô lệ, ông cáo về quê, nhưng với uy tín và tài năng, triều đình Huế không thể không dùng. Vì vậy, ông được gọi về Huế làm Đốc học Phủ Thừa Thiên, Tế tửu Quốc Tử Giám, chuyên lo việc giáo dục. Tại Kinh đô, do danh vọng và uy tín lớn, ông được bổ chức Tả Thị lang Bộ Hình, chuyên nghiên cứu và xét xử các vụ án lớn. Đến lúc thực dân Pháp và Nam triều giao ông xử vua Duy Tân khởi nghĩa chống Pháp, ông đã từ chối thẳng thừng và bị đổi vào Phú Yên làm Bố chánh. Tại đây, Bố chánh Nguyễn Văn Trình đã bảo vệ nhân dân trong phong trào xin sưu chống thuế (1908) nên lại bị thực dân Pháp khép vào tội thông đồng với dân, bị buộc thôi việc và giáng chức. Nhưng triều đình Huế vẫn nể trọng tài đức của ông, đưa ông về Quốc sử quán trong ban Toản tu. Thời gian này, ông đã viết một số sách về lịch sử, văn hóa như: “Nam Quốc vĩ nhân”, “Hồng Lam thắng cảnh”, “Tục ngữ dân ca”… Năm 1928, sau 30 năm trên con đường hoạn lộ gập ghềnh, thăng giáng nhiều lần, ông xin nghỉ hưu và được triều đình Huế thăng hàm Lễ bộ Thượng thư trí sĩ.

Về quê, Tiến sĩ Thượng thư Nguyễn Văn Trình với uy tín và đức độ của mình đã tích cực chấn chỉnh việc làng xã, bài trừ tệ nhũng lãm, vận động các nhà hảo tâm chuộc lại công điền cho người nghèo cày cấy, khuếch trương việc học hành. Đặc biệt, ông đã vận động nhân dân làm đường liên hương nối quốc lộ 1A qua làng Kiệt Thạch đến chợ Vi, nên con đường này, nhân dân địa phương đã gọi là đường cụ Thượng. Sau đó, ông tiếp tục vận động xây dựng trường học cho tổng Đậu Liêu và xây dựng Văn chỉ huyện Can Lộc khắc tên các vị đỗ đại khoa.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông đã sôi nổi tham gia các cuộc biểu tình, mít tinh quần chúng, tham gia Hội Phụ lão kháng chiến, sáng tác thơ ca, hò vè ủng hộ kháng chiến… Năm 1946, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình được cử làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh và là Ủy viên Khu hội Liên khu IV. Ở cương vị mới, ông đã tích cực vận động nhân dân xây dựng hậu phương vững mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân kháng chiến chống Pháp. Cuối năm 1948, do tuổi cao, sức yếu, ông bị cảm bệnh, sức khỏe yếu dần và mất năm 1949, hưởng thọ 77 tuổi.

Cuộc đời và sự nghiệp của Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình là tấm gương sáng về nhiều mặt, khổ học lập thân, thanh cần trung thực, một ông quan thanh liêm, luôn gần gũi và bênh vực quyền lợi nhân dân lao động và rất tận trung với nước, tận hiếu với quê hương.

Ngoài ra, ông còn là một nhà thơ với hàng trăm bài, phần nhiều là thơ Nôm và là dịch giả có tiếng với bài Đăng Lam thành sơn hoài cổ (của Đặng Nguyên Cẩn), là bài phỏng dịch hay nhất, được nhiều người truyền tụng.

Sau khi ông mất, gia đình, dòng họ và nhân dân địa phương đã xây dựng đền thờ ông tại quê hương. Đền thờ có quy mô nhỏ, xây bằng gạch 1 gian, 2 hồi. Mặt trước có câu đối chữ Hán, nội dung:

“Thi lễ nếp nhà, nghìn thu tồn tại

Hiếu trung đạo học, muôn thuở nối truyền”

Trong đền hiện còn tấm biển chữ Hán khắc bằng đá cẩm thạch đề 4 chữ “Cao Sơn ngưỡng chí”, thể hiện sự ngưỡng vọng của thế hệ sau đối với ông.

Từ những công lao đóng góp của Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình cho quê hương, đất nước, năm 2005, đền thờ Nguyễn Văn Trình đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và 10 năm sau (2015), Bộ VH-TT&DL đã nâng cấp xếp hạng đền thờ Nguyễn Văn Trình là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast