Ảnh hưởng giặm – vè trong một số bài thơ Xứ Nghệ hiện đại

(Baohatinh.vn) - Sự ảnh hưởng của giặm – vè đã phần nào xác định phong cách các tác giả và tạo nên sắc điệu riêng của thơ ca Nghệ Tĩnh trong nền thơ Việt Nam, góp phần khẳng định các yếu tố làm nên bản sắc dân tộc cũng như tính hiện đại trong thơ nói riêng và văn chương nói chung...

Yếu tố tính truyện trong giặm - vè và tơ Xứ Nghệ

Tác nhân đầu tiên của sự ảnh hưởng giữa giặm, vè và thơ Xứ Nghệ là mối quan hệ giữa các tác giả với quê hương... Các nhà thơ Nghệ Tĩnh lớn lên đã được tắm trong không khí giặm, vè. Trong sản xuất cũng như trong đấu tranh, lúc sinh hoạt cũng như khi hội hè, đâu đâu cũng được nghe “bẻ vè”, “kể giặm”. Cái dạng thức nghệ thuật này đã tạo một tiền đề cho sự lĩnh hội và sáng tạo của các hồn thơ, rồi nhà thơ trước ảnh hưởng nhà thơ sau, dần tạo thành một truyền thống, một dáng vẻ riêng của vùng thơ núi Hồng sông, Lam.

Vả lại, trên phương diện hoàn cảnh sống, với những điều kiện tự nhiên và xã hội, thẩm mỹ và tâm lý cộng đồng, trong bối cảnh Xứ Nghệ quá khứ cũng như hiện đại tác động vào các tác giả dân gian xưa và tác giả viết hiện nay nên sản sinh những đặc điểm văn hóa, trong đó có thơ ca với những yếu tố tương đồng cũng là điều tất yếu.

Ảnh hưởng giặm – vè trong một số bài thơ Xứ Nghệ hiện đại ảnh 1

Xuất phát từ lao động sản xuất và được sân khấu hóa không gian diễn xướng, các làn điệu dân ca ví, giặm luôn gắn với con người Xứ Nghệ. Ảnh tư liệu

Nhà thơ Trần Hữu Thung đã có lần tâm sự: Đối với anh, giặm, vè là khí hậu, là phong thổ, vật thổ của quê hương. Nó thấm đượm vào anh từ lúc nào chẳng rõ... Anh thích sự cô đọng, sự chắc khỏe của giặm, vè và sự ngắn gọn trong cách thể hiện. Nhà thơ Thạch Quỳ xem giặm, vè là “con đẻ của gió Lào và Hồng Lĩnh”, là “cái vẻ, riêng của cô gái Nghệ Tĩnh trên các phố phường”. Nhà nghiên cứu văn hóa Thanh Minh cho rằng, giặm, vè là “ngôn ngữ của người trèo động, người ngược ngàn”, khác với “quan họ - ngôn ngữ của người đi giữa đồng bằng, người xuôi sông”… Nhiều nhà phê bình, nghiên cứu đã nhắc đến cái vẻ riêng “mộc mạc, giản dị, mang đậm phong vị dân ca” (1), cái “âm hưởng giặm vè”(2) trong thơ của các tác giả Nghệ Tĩnh.

Đọc các bài thơ tiêu biểu của Nghệ Tĩnh như Thăm lúa - Trần Hữu Thung, Đêm nay Bác không ngủ, Chiều Đảo Khoỏng - Minh Huệ, Gửi bạn người Nghệ Tĩnh - Huy Cận, Mẹ - Nguyễn Lê, Ánh lửa, Người đưa thư kể chuyện - Xuân Hoài, Con chim tà vặt - Thạch Quỳ, Thần Sấm ngã - Thanh Bình... chúng ta thấy các bài thơ này được xây dựng với những tứ thơ đậm đặc “yếu tố tự sự - tính truyện” mà Xuân Diệu đã từng đề cập đến khi bàn về thơ. Bài thơ có thể kể lại được vì cơ sở bài thơ là cái “tình”, nhưng nòng cốt lại là cái “sự”. Tứ thơ được xây dựng và triển khai xung quanh cái “sự” này, yếu tố kể chuyện trở thành nhân tố chủ yếu.

Thăm lúa là câu chuyện người vợ chiến sĩ ở nhà, nhớ chồng, quyết tâm sản xuất làm ăn, thi đua với chồng. Đêm nay Bác không ngủ kể chuyện anh chiến sĩ ba lần thức dậy trong đêm thấy Bác không ngủ mà đi đắp chăn cho từng chiến sĩ. Mẹ kể chuyện người mẹ có con trong buổi học bị bom Mỹ giết hại. Người đưa thư kể chuyện là câu chuyện kể lại của người cán bộ bưu điện sau ngày miền Nam giải phóng. Ánh lửa kể lại câu chuyện bà mẹ thức vá áo cho các chiến sĩ trên đường hành quân nghỉ lại. Con chim tà vặt kể về những kỷ niệm của tác giả và con chim quê hương. Thần Sấm ngã kể chuyện dân quân Hà Tĩnh bắn rơi máy bay Mỹ…

Đi sâu vào từng bài thơ, chúng ta thấy trên cái sườn chính là chuyện, các tác giả triển khai tứ thơ chủ đạo bằng nhiều tình tiết, nhiều sự việc: người vợ tiễn chồng đến nơi tập trung; Bác ba lần đắp chăn cho chiến sĩ; người con làm toán, quét sân; bà mẹ khâu áo trong đêm; con chim bay theo người; chiếc máy bay “Thần sấm” Mỹ bị bắn cháy... Chuyện và việc là những yếu tố đậm đặc trong các bài thơ, tác giả ít phát biểu, suy nghĩ, bộc lộ trực tiếp tình cảm của mình, tứ thơ triển khai theo các tuyến sự việc, qua các sự việc đó, chủ đề tư tưởng bài thơ gián tiếp được bộc lộ.

Hướng vận động chính của bài thơ là “kể chuyện”, bởi vậy, cách sử dụng các thủ pháp nghệ thuật khác như: chọn chi tiết, xây dựng hình ảnh, sử dụng ngôn ngữ cũng có những nét riêng để tạo một sự tương thích với hướng vận động chính của tứ thơ.

Các bài giặm cổ ít chú ý biện pháp tu từ hình ảnh như ta thường gặp trong ca dao, tục ngữ mà chủ yếu xây dựng các chi tiết để khắc họa câu chuyện kể. Cách chọn các chi tiết “đắt” nhằm gây ấn tượng bên trong, vào cảm xúc, vào nhận thức. Trong bài thơ Ánh lửa, khi nói đến tấm lòng của bà mẹ trong đêm có các chiến sĩ hành quân vào nghỉ trọ qua hình ảnh mẹ ngồi hong áo cho các con, tác giả đưa ra một chi tiết: Ngồi nhẩm tên từng đứa/ Mẹ mong đêm nay dài (Xuân Hoài). Hay những chi tiết như: Sợ cháu mình giật thột/Bác nhón chân nhẹ nhàng (Đêm nay Bác không ngủ), hay Sắp đến chỗ người đông, anh bảo em ngoái lại (Thăm lúa) thật giàu sức biểu hiện. Nó khắc họa khá tinh tế cái phẩm chất thẩm mỹ của nhân vật trữ tình mà không cần bất cứ một sự bổ trợ hình ảnh có tính chất tu từ nào khác.

Ảnh hưởng về thể tài và ngôn ngữ

Trên bình diện thể tài, các bài giặm và thơ năm chữ có một âm hưởng riêng. Trước hết, tuy là thể thơ năm chữ (ngũ ngôn) nhưng những bài ngũ ngôn của thể giặm và thơ năm chữ Xứ Nghệ có cái khác với các bài ngũ ngôn thông thường cũng như ngũ ngôn Đường luật Trung Hoa. Đa phần các câu thơ trong bài giặm và các bài thơ năm chữ của các tác giả kể trên tiết tấu thường là nhịp 3/2, khác các bài ngũ ngôn thông thường và ngũ ngôn Đường luật nhịp 2/3. Ta có thể tiếp cận đặc điểm này qua các so sánh sau:

Hát giặm cổ (nhịp 3-2):

Nhút Thanh Chương/cũng ngọt. Kể chẳng mấy/đồng tiền,

Xơ mít chất/đầy hiên. Băm một khi/ tám nôống,

Băm một lần/tám nôống.

(Giặm: Nhút Thanh Chương)

Thơ năm chữ Xứ Nghệ (nhịp 3-2):

Anh bước chân/ra đi. Là ngày đầu/phòng ngự

Bước qua kỳ/cầm cự. Anh có gửi/lời về

Cầm thư anh/mân mê. Bụng em giừ/ phấp phới...

(Thăm lúa - Trần Hữu Thung)

Thơ năm chữ thông thường (nhịp 2-3):

Đêm nay/ hành quân xa, Trông sao/ chợt nhớ nhà

Bỗng thấy/ mình bé lại, Ngôi sao gần/ sao xa.

(Ngôi sao nhỏ - Trần Quốc Anh)

Nhịp 3/2 làm cho bước đi của câu thơ khoan thai, trầm tĩnh, chịu được cái sự dài hơi của câu chuyện; còn nhịp 2/3 có vẻ đột ngột, thích hợp cao trào cảm xúc.

Xét về mặt ngôn ngữ, nhiều bài thơ Xứ Nghệ thường sử dụng cách láy lại mà hát giặm thường có, láy từng cặp câu để liên kết cảm xúc các phần của bài thơ. Câu đầu đoạn dưới hay láy lại câu cuối đoạn trên. Các tác giả sử dụng nghệ thuật láy lại một cách tùy biến: láy các câu giữa khổ với nhau, láy cả câu, láy một số từ, láy cả ý lẫn lời. Âm điệu của đoạn thơ, bởi vậy, trở nên phong phú hơn. Đây là một nét đặc biệt mang rõ âm hưởng hát giặm. “Giặm” tiếng Nghệ Tĩnh có nghĩa là thêm vào, láy lại cũng tức là thêm vào. Ví dụ:

Cuốc kêu lâu cuốc rũ

Ve hát mãi ve sầu

Mẹ nghĩ trước nghĩ sau

Rưng rưng hàng nước mắt

Tay gạt hàng nước mắt…

(Hát giặm cổ)

Trong thơ hiện đại Xứ Nghệ, bài Gửi bạn người Xứ Nghệ của Huy Cận có nhiều câu láy lại làm cái chất Nghệ hiện lên rất rõ:

Ai ơi, cà Xứ Nghệ/Càng mặn lại càng giòn

Nước chè xanh Xứ Nghệ/Càng chát lại càng ngon

Khoai lang vàng Xứ Nghệ/Càng nhai kỹ càng bùi

Cam Xã Đoài Xứ Nghệ/Càng chín lại càng tươi

Ông đồ xa Xứ Nghệ/Càng dạy chữ càng nhiều

Tính tình người Xứ Nghệ/Càng biết lại càng yêu

Ai đi vô nơi đây/Xin dừng chân Xứ Nghệ

Ai đi ra nơi này/Xin dừng chân Xứ Nghệ.

Ta thấy phảng phất đâu đây cái âm điệu của làng quê Xứ Nghệ với bao mộc mạc, buồn vui một thuở.

Để tạo được một hiệu ứng thẩm mỹ giàu sức cộng hưởng với quần chúng, xét trên phương diện “chất mật ngôn ngữ” (theo cách nói của M. Gorky), các tác giả đã sử dụng khá nhuần nhuyễn lời ăn tiếng nói của nhân dân Nghệ Tĩnh, trong đó có cái lối ví von, vần vè mộc mạc của các câu chuyện “trạng” miền Trung cùng với nhiều vốn từ địa phương. Hãy nghe tác giả nói về sự dữ dằn của chiếc tàu bay Mỹ:

Khi (tui) chưa đánh thằng Mỹ

Nghe đồn ngược đồn xuôi

Thần sấm Mỹ già đời

Bay rách nón, rách tơi

Bay gãy chọng (giường), bể nồi

Dừ (giờ) đánh thằng Mỹ rồi

Tui nghĩ cũng nực cười

Thần sấm Mỹ già đời

Trôốc (đầu) thì nậy (lớn) hơn đuôi

Chui đằng mô cũng đạn

Lủi đằng nào cũng đạn…

(Thần Sấm ngã - Thanh Bình)

Ý nghĩa hiện đại

Trong một cuộc tọa đàm về Thơ do Tòa soạn Báo Văn Nghệ tổ chức, sinh thời nhà thơ Phạm Tiến Duật có nói rằng: “Thơ năm chữ nhiều người làm, nhưng các tác giả Nghệ Tĩnh đã đưa đến cho thể thơ này một sức hấp dẫn riêng. Hình như nó có một “nội lực” nào đấy. Sự khỏe khoắn, chân chất trong tình cảm, sự mộc mạc giản dị trong ngôn ngữ, cùng những âm hưởng khác của giặm, vè mà các nhà thơ Nghệ Tĩnh hiện đại tiếp thu được của quá khứ, theo chúng tôi nghĩ, chắc có góp phần tạo nên “nội lực” đó”.

Trong những năm gần đây, người đọc chú ý nhiều đến những tìm tòi, đổi mới thơ về thi pháp. "Tân hình thức” là một khuynh hướng được nhiều tác giả lưu tâm với các yếu tố như tính truyện, kỹ thuật lặp lại, tính đời thường, khai thác ngôn ngữ sắc thái địa phương… Tìm hiểu những yếu tố tương đồng giữa vè, giặm và thơ ca Xứ Nghệ, ta thấy một số yếu tố của thi pháp tân hình thức kể trên quả thật đã xuất hiện từ lâu trong nghệ thuật dân gian vè, giặm mà thơ ca Xô Viết Nghệ Tĩnh trước đây cũng như dòng thơ Xứ Nghệ hiện đại đã sử dụng. Giặm, vè cũng như lục bát là những thể loại dân gian dễ sử dụng nhưng khó hay! Như trên đã nói, nhà thơ nào sử dụng linh hoạt sẽ có những thành công, tạo được những tác động thẩm mỹ đến người đọc, còn không, chỉ là sự bắt chước vụng về, tầm thường hóa thơ ca.

Trên đây chúng tôi thử nêu mấy nhận xét về sự ảnh hưởng của các yếu tố giặm, vè trong thơ ca Nghệ Tĩnh hiện đại. Sự ảnh hưởng này góp phần xác định phong cách các tác giả và sự đóng góp của cái gọi là sắc điệu riêng của thơ ca Nghệ Tĩnh trong nền thơ Việt Nam, góp phần khẳng định các yếu tố làm nên bản sắc dân tộc cũng như tính hiện đại trong thơ nói riêng và văn chương nói chung.

________

(1) (2) - Xem bài của Phong Lê. Các nhà thơ Việt Nam - NXB Văn học - Hà Nội, 1983 (Phần viết về Trần Hữu Thung) và bài của Nguyễn Văn Long - Từ điển Văn học (tập 2), mục Trần Hữu Thung - NXB Khoa học xã hội Hà Nội- 1981, trang 426.

(3) Vũ Ngọc Phan - Tục ngữ, Ca dao, dân ca Việt Nam (ln lần thứ 7), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội - 1976, trang 427.

* Những câu thơ trích dẫn trong bài viết lấy từ “Tuyển tập thơ Việt Nam 75 - 85”, “Thơ Nghệ Tĩnh 65 - 75”, Tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh (từ số 1 đến số 30).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast