"Bác ơi!", nỗi niềm và lời giục giã...

Bác ơi!

Bác ơi!

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa

Chiều nay con chạy về thăm Bác

Ướt lạnh vườn rau mấy gốc dừa!

Con lại lần theo lối sỏi quen

Đứng bên thang gác ngước nhìn lên

Chuông ơi chuông nhỏ còn reo nữa?

Phòng lặng rèm buông tắt ánh đèn!

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!

Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời

Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội

Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!

Trái bưởi kia vàng ngọt với ai

Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài!

Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm

Quanh mặt hồ in mây trắng bay…

Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi

Năm canh bớt nặng nỗi thương đời

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

Bác chẳng buồn đâu Bác chỉ đau

Nỗi đau dân nước nỗi năm châu

Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ

Cho hôm nay và cho mai sau…

Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa mỗi nhành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ lụa tặng già.

Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác nỗi mong cha

Bác nghe từng bước trên tiền tuyến

Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa.

Bác vui như ánh buổi bình minh

Vui mỗi mầm non, trái chín cành

Vui tiếng ca chung hòa bốn biển

Nâng niu tất cả chỉ quên mình.

Bác để tình thương cho chúng con

Một đời thanh bạch chẳng vàng son

Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều

Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu

Ra đi, Bác dặn: “Còn non nước…”

Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều.

Bác đã lên đường theo tổ tiên

Mác - Lê-nin, thế giới người hiền

Ánh hào quang đỏ thêm sông núi

Dắt chúng con cùng nhau tiến lên

Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn

Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.

6/9/1969

Tố Hữu

Bài thơ Bác ơi! là nén hương lòng của tác giả thành kính dâng lên Người mà người đọc, người nghe cảm thấy như là của chính mình.

Vào lúc 9h47’ ngày 2/9/1969, trái tim Bác Hồ kính yêu đã ngừng đập. Tin Bác mất làm cho cả nước bàng hoàng và 4 ngày sau đó, với sự thương tiếc vô hạn vị Cha già kính yêu của dân tộc, nhà thơ Tố Hữu đã dồn nén cảm xúc của mình: Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người!

Hai câu này đã trở thành chủ điểm của bài thơ, ca ngợi lòng nhân ái mênh mông của Bác, sự hy sinh suốt đời cho nhân dân, cho dân tộc, cho thế giới hòa bình. Đọc bài thơ Bác ơi!, câu, chữ nào cũng làm người đọc xúc động, ứa nước mắt. Xúc động nhưng không bi quan, chán nản mà giúp chúng ta biến đau thương, nhớ tiếc thành hành động cách mạng.

Sự thương nhớ lên tới đỉnh điểm làm cho không gian nén lại, vũ trụ cũng quay cuồng: Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa.

Bác Hồ như một ông tiên luôn gần gũi với con người và thiên nhiên. Từ sự dung dị của đời thường đến phong cách vĩ đại của người cộng sản. Bác mất vào lúc cả nước đang dốc lòng, dốc sức giải phóng miền Nam, xây dựng miền Bắc tiến lên CNXH, tiến tới thống nhất đất nước, vì thế, khát vọng của những đứa con thành đồng Tổ quốc là khát vọng hòa bình: Miền Nam đang thắng mơ ngày hội/ Rước Bác vào thăm thấy Bác cười.

Bài thơ Bác ơi! một lần nữa làm cho người đọc cảm thấy đột ngột khi ý thơ đã đồng hành với lời Di chúc của Người: “Tôi có ý định đến ngày đó tôi sẽ đi khắp 2 miền Nam - Bắc”.

Trước lúc ra đi, Người vẫn tin “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước… nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn” nhưng Bác ra đi vẫn chưa đành với Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu. Bài thơ có sức truyền cảm lớn, không chỉ bởi hình ảnh, màu sắc của câu chữ mà cái lớn nhất là khắc họa sâu đậm trong trái tim con người từ những hình ảnh “đôi dép cao su” đến tình yêu thương vô bờ: Sữa để em thơ, lụa tặng già.

Quê ngoại Bác Hồ. Ảnh: Quang Vinh
Quê ngoại Bác Hồ. Ảnh: Quang Vinh

Sự giản dị của Người được nói bằng thơ, có sức mạnh giáo dục lớn đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Bác ơi!, một tiếng gọi thiêng liêng không bao giờ tắt. “Bác ơi!”, một lời giục giã chúng ta suốt đời học tập và phấn đấu theo phong cách đạo đức vĩ đại của Người.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast