Cha tôi là lính biển

(Baohatinh.vn) - Người ta thường thấy một ông lão đi về phía biển. Ngày nào cũng vậy, vẫn tấm áo bộ đội bạc màu đã sờn rách vai, ông lão ấy cứ cặm cụi, nhặt nhạnh thứ gì đó bên bờ biển mà ít ai quan tâm đến.

Rồi ông mang về nhà một bao tải đầy những rác. Có khi là những chai lọ có thể bán nhôm nhựa lấy vài đồng bạc lẻ nhưng có khi chỉ là nửa vỏ dừa, ít nhành củi khô... Với đôi chân tật nguyền và một cánh tay đã khuyết, ông vẫn đi như một chiến binh thực thụ với ánh mắt luôn hướng về khơi xa...

Ảnh minh họa (tuoitre.com.vn)
Ảnh minh họa (tuoitre.com.vn)

Đó là cha tôi!

Sau 2 cuộc chiến lịch sử mà đến nay người ta vẫn còn nhắc đến như những thiên hùng ca bảo vệ Tổ quốc, cha trở về với đôi chân không còn bình thường và đôi tay không lành lặn. Ông vẫn tự hào về một thời oai hùng được cùng đồng đội kiên cường bám biển mặc cho muôn vàn khó khăn và hiểm nguy luôn rình rập. Khi chúng tôi, những đứa bé miệng còn hôi sữa biết tụ tập chơi trận giả với làng bên thì ông luôn là người đứng sau hậu thuẫn vững chắc để cuộc “chiến đấu” giành thắng lợi. Sau “trận chiến”, bọn trẻ trở về với “đời thường” thì ông vẫn luôn đứng sau và chỉ lối về cách hành xử, đi đứng làm sao cho giống với dáng vóc bộ đội Cụ Hồ. Đôi lúc bọn trẻ con trong làng phát ngán lên vì những động tác cổ hủ mà ông áp đặt cho bọn nó, nhưng vì được “tín nhiệm” làm cố vấn nên chúng vẫn phải làm theo. Còn chúng tôi, những người con của ông thì vẫn luôn tự hào về người thương binh ấy.

Thời gian trôi qua, mái tóc hoa râm đã chuyển qua màu bạc và những di chứng do chiến tranh để lại lấy đi sự minh mẫn nơi ông. Từng là lính hải quân, gần nửa cuộc đời gắn bó với biển, đến bây giờ, có khi không nhớ nổi tên từng đứa con nhưng những số hiệu tàu và những tên đồng đội ông chưa bao giờ quên. Những lúc nhớ thuyền, nhớ biển và nhớ đồng đội, người cha già lẩm cẩm bước về phía biển, đi dọc theo những triền cát và nhặt nhạnh những mảnh rác. Có những buổi trưa, gió biển thổi vào làm mát cả rừng dương, ông tập hợp bọn trẻ con trong xóm cùng chơi trận giả. Có những khi ông đi đâu hẳn một buổi trời, bỏ rơi bọn nhỏ với rừng dương và biển, khiến mọi người tá hỏa đi tìm.

Chiều tới, đứa nhỏ làng bên dẫn tôi ra khu nghĩa trang đặc biệt của xã – nơi có những ngôi mộ gió, ở đó, ông trầm tư và lẩm bẩm điều gì như đang trò chuyện. Những trai làng chài một lần giong buồm ra khơi với khí thế mạnh mẽ của người đàn ông làng biển rồi ra đi mãi mãi trong sự nhớ mong khắc khoải của người thân. Dân biển quê tôi lập nên những ngôi mộ gió để các anh có chốn đi về. Cha vẫn thường đến đây khi còn minh mẫn. Giờ chắc ông tới theo sự mách bảo của trái tim người lính biển. Ông đến để tâm sự và nhắc lại chiến công hiển hách của mình và các đồng đội, để lắng nghe tiếng sóng biển ngày đêm rì rào gọi tên những linh hồn lạc.

Ánh mặt trời xế chiều soi xuống đầu tóc bạc phơ của người lính già khi giã từ những ngôi mộ gió. Ông trở về nhưng vẫn không quên quay người lại, nghiêm trang giơ bàn tay còn lại chào như người lính trẻ tạm biệt những ngư dân đã mãi ở lại với vùng biển quê hương. Không ai bảo ai, chúng tôi cũng cúi chào…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast