Cuộc đời cha trao cả ước mơ con...

(Baohatinh.vn) - Kỳ thi THPT quốc gia (cũng là kỳ thi lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng) năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt. Thí sinh căng thẳng, mệt mỏi đã đành, những ông bố, bà mẹ cũng vất vả không kém khi “đi thi” cùng con. Trong hoàn cảnh đó, những người con vượt qua tất cả những khó khăn thường nhật để thực hiện ước mơ; những người cha, người mẹ vững vàng trong mọi hoàn cảnh để “tiếp sức” cho con trở thành những hình ảnh vô cùng đẹp đẽ và cảm động.

Cuộc đời cha trao cả ước mơ con... ảnh 1

Lo lắng như phụ huynh chờ con thi. Ảnh: Tri thức và Phát triển

Đó là những người cha, người mẹ từng giờ từng phút kiên nhẫn đứng dưới cái nắng 40oC của miền Trung và miền Bắc chờ con. Là 2 cha con quê ở Bến Lức (Long An) khởi hành từ 2h30 sáng đến địa điểm thi ở TP hồ Chí Minh để kịp giờ. Là một người mẹ từ Nam Định khăn gói cùng con lên Hà Nội mang theo cặp lồng cơm trưa nhưng do ngồi giữa trời nắng đợi con nên thức ăn là những miếng dò bị ôi thiu lức nào không biết.

Đó còn là anh Lê Bá Tùng (Quảng Xương – Thanh Hóa) đưa con gái đi thi vẫn không quên mang theo bộ đồ nghề đánh giày nuôi sống cả gia đình trong suốt 23 năm trời.Nhưng có lẽ, cảm động nhất vẫn là hình ảnh em Lê Thị Thúy (Xuân Trường – Nam Định) ngày đi thi, tối vẫn lau nhà, rửa bát thuê để có thêm chi phí trong những ngày thi cử. Khó khăn như cứ chực chờ “bóp chết” ước mơ của Thúy khi gia đình em liên tục gặp biến cố nhưng dường như càng thêm động lực để em nỗ lực thực hiện bằng được ước mơ trở thành bác sỹ, trước hết là vì các anh trai của em bị bệnh đã mất sớm.

Cuộc đời cha trao cả ước mơ con! Đó có lẽ là tâm lý chung của tất cả những người làm cha làm mẹ. 12 năm đèn sách, bao ông bố bà mẹ chỉ mong con có tên trên bảng vàng để thực hiện ước mơ giảng đường đại học. Những gia đình có điều kiện thì đương nhiên, những ông bố bà mẹ là nông dân, người lao động nghèo thì ước mơ đó càng trở nên cháy bỏng. Hơn ai hết, họ thấm thía nỗi cơ cực của lao động tay chân, nên bao tâm huyết dồn lên những đứa con để mong một ngày con“bén bảng”, thay đổi cuộc đời. Và hành động của họ như đã nêu trên đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ đó. Tuy nhiên, hình ảnh những người bố, người mẹ và cả chính bản thân các em đang nỗ lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để thực hiện ước mơ giảng đường mong đổi thay cuộc sống đã để lại trong tôi nhiều suy ngẫm.

Lại nhớ, trong đợt UBND thành phố Hà Nội tổ chức tuyển dụng công chức mới đây, theo các phương tiện thông tin đại chúng thì có đến 30 “bằng đỏ” (5 thí sinh có bằng thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài và 25 thí sinh là thủ khoa, thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi nước ngoài) bị “bật cửa”. Đây chỉ là số ít trong hàng trăm ngàn sinh viên ra trường cầm tấm bằng cử nhân mà chưa có cơ hội được làm việc, được công hiến. Lại nghĩ, những người bố, người mẹ đang đội nắng chờ con trước cổng trường với bao đợi chờ, hy vọng mà thấy xót xa. Không bi quan nhưng khi bắt gặp những hình ảnh đó, tôi lại nhớ đến “cánh cửa” công chức chật hẹp mà hàng triệu cử nhân đang khát khao bước vào…

Truyền thống hiếu học của người Việt đã trở thành “thương hiệu”. Trong xã hội ngày nay, truyền thống đó càng đáng quý hơn bao giờ hết. Và hôm nay, cả triệu sỹ tử đang nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, vượt qua các kỳ thi với khát khao được cống hiến tri thức, sức trẻ để thay đổi cuộc sống, xây dựng đất nước, làm chủ tương lai.

Ước mơ thật đẹp đẽ, nỗ lực đáng khâm phục, nhưng điều đó càng đòi hỏi lãnh đạo các cấp ngành, các nhà quản lý nghiên cứu, có chiến lược đầu ra hợp lý cho sinh viên. Bởi, từ cuộc đời cha đến ước mơ con là một hành trình đầy gian nan, nhưng cao hơn tất cả là hành trình đó đang hướng đến một tương lai tốt đẹp không chỉ cho bản thân họ. Hành trình đó chỉ trọn vẹn đến đích khi có một chiến lược dài hơi được hoạch định từ chính những người nắm giữ vận mệnh đất nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast