Mark Twain bất tử nhờ những câu nói huyên thiên

"Tôi đã sống thử cuộc đời này…và thế là đủ" – Mark Twain, nhà văn trào phúng khôi hài bậc nhất của nước Mỹ hiện đại – viết trước khi ông qua đời. Hơn 100 năm sau, bí ẩn cuộc đời ông vẫn mang đến những điều thú vị bất ngờ qua những tập tự truyện được biên soạn cầu kỳ.

Nhà văn Mark Twain
Nhà văn Mark Twain

Khi Mark Twain mở miệng, những điều kỳ lạ tuôn trào. Ông nói những lời dối trá, đùa cợt, huyên thiên đôi khi tục tĩu và không ăn nhập gì với nhau. Ông lè nhè – kiểu lối nói chậm rãi, mẹ ông giải thích như vậy – và điều đó khiến cho những câu nói của ông dài và loằng ngoằng. Một phóng viên từng miêu tả chất giọng đó giống như "một lưỡi cưa đang nghiền nát từ bên trong của một thi thể". Nhiều người khác thì cho rằng có lẽ ông đang xỉn.

Ông thích trò chuyện: với bạn bè, các phóng viên, với đám đông người ngưỡng mộ ông đã lấp đầy khán phòng để được lắng nghe ông. Ông sẽ nói những lời chúc rượu hoa mỹ hoặc dí dỏm sau bữa tối sẽ trở thành tiêu đề hấp dẫn trên mặt báo ngày hôm sau. Ông có thể trò chuyện cả đêm, thậm chí còn "sung" hơn nếu xì gà đầy trong bao và rượu Whisky luôn đầy cốc. Ông luôn ngập tràn ý tưởng cho những chủ đề lớn nhỏ và ồn ào với những cuốn sách hay thương vụ sắp thực hiện nào đó. Ông thường gặp khó khăn với giấc ngủ, và thậm chí còn phải uống đến tê liệt thần kinh. Nhưng ông chưa bao giờ gặp rắc rối với việc nói.

Ông còn tiếp tục nói cho đến cuối đời. Trong những năm tháng cuối cùng, khi ông bắt đầu viết tự truyện về cuộc đời mình, Twain đã quyết định làm điều đó chủ yếu bằng cách đọc chép. Ông ngồi trên giường, đầu dựa vào gối, nghe nhạc và hồi tưởng lại trong nhiều giờ liền, trong khi người tốc ký cho ông "tốc ký" lại mọi thứ. Khi tất cả hoàn thành, ông đã có trong tay 5000 trang tài liệu đánh máy.

Kết quả là tập Tự truyện của Mark Twain đã trở thành con quái vật đã ám ảnh các học giả về Twain suốt một trăm năm. Kích thước khó nhằn và cấu trúc tự do của cuốn sách đã khiến cho nhiều nhà nghiên cứu bối rối và tức giận. Họ đã đi vào trong kho lưu trữ, hy vọng tìm được một cuốn hồi ký đã hoàn thiện nhưng lại tìm được hàng mét tài liệu của những của suy tưởng, xen kẽ với thư và nhiều bài báo riêng lẻ được cắt ra. Twain đã nhấn mạnh rằng cuốn hồi ký sắc màu rực rỡ của ông sẽ không được công bố cho tới một thế kỷ sau khi ông qua đời, để ông có thể thoải mái bày tỏ suy nghĩ về tất cả mọi người và tất cả mọi điều. Nhưng cuối cùng ông cũng không thể tránh được trích đoạn xuất bản trên tờ đánh giá sách Bắc Mỹ trước khi nhắm mắt vào năm 1910. Và trong nhiều thập kỷ sau đó, ngày càng có nhiều nội dung bị rò rỉ nhờ công sức của các nhà biên tập, sau khi bơi trong những tập bản thảo của Twain để tìm ra những trích đoạn mà họ cho rằng đáng để xuất bản.

Tuy nhiên không có phiên bản hoàn thiện nào xuất hiện cho tới tận năm 2010, đúng một trăm năm sau ngày mất của Twain, khi nhà xuất bản Đại học California cho phát hành cuốn đầu tiên trong bộ sách ba tập về ông. Cuốn sách không nhắm đến đối tượng độc giả đại chúng khi bao gồm gần 200 trang chú thích thuật ngữ, một bài giới thiệu học thuật, và một bộ sưu tập lớn những nỗ lực chuẩn bị cho cuốn tự truyện của Twain. Mặc dù vậy, Tự truyện của Mark Twain: Tập 1 vẫn bán được hơn nửa triệu bản. Twain hẳn sẽ tự hào. Trên tư cách một cựu chiến binh đào ngũ, ông đã tạo ra một cuộc đảo chính hoàn hảo từ cõi chết.

Dẫu đã có màn ra mắt thành công, cuốn sách vẫn có không ít lời nhận xét thù địch lạ lùng. Trên trang bìa của tờ New York Times Book Review, Garrison Keillor gọi cuốn sách là "một mớ hổ lốn vải vụn" và một "cuộc tranh luận không hồi kết để các nhà văn có cơ hội đốt giấy". Adam Gopnik đánh giá đó là một tác phẩm "rời rạc và phần lớn là khó hiểu đến buồn tẻ" trên tờ The New Yorker. Và, trên tờ Washington Post, Jonathan Yardley đã viết rằng ông cảm thấy "bị mắc kẹt trong một căn phòng khóa" với "một lão già thích ba hoa, yêu giọng nói của mình và không hề tỏ chút dấu hiệu nào là sẽ dừng lại". Dễ thấy Twain thích như vậy, bị các nhà phê bình chê bai và độc giả đại chúng yêu mến là điều thường thấy đối với ông. Ở thời của ông, công chúng đã nhận ra tài năng sáng chói của ông rất lâu trước khi các nhà phê bình nhìn thấy điều đó. Trong khi vẫn được một vài học giả tán thành, ông thích thách thức và kích động sự khiêu khích bất cứ khi nào có thể.

Giờ đây với cuốn tự truyện thứ hai đã được phát hành, chưa chắc những người không có thiện cảm với cuốn đầu tiên đã hồi tâm chuyển ý. Cuốn sách bắt đầu đúng từ đoạn bỏ dở của cuốn thứ nhất, bao gồm những ghi chép kể từ tháng 4/1906 đến tháng 2/1907. Cách viết của cuốn này cũng vẫn y như cuốn trước: Twain cho ghi chép lại bất cứ điều gì dòng suy nghĩ của ông chảy đến và chỉ dừng lại cho đến khi ông phát ngán. Trong những cuốn truyện khác, ông đã sớm tuyên bố "theo đuổi một hướng đi đã được sắp đặt, không trệch hướng là một vấn đề khó khăn và cần sự kiên nhẫn". Và trong suy nghĩ của ông, có một sự tương phản hình ảnh của "một chuyến tham quan đầy hứng thú. Tự bản thân câu truyện sẽ biết chuyển hướng bất cứ nơi đâu có một rạp xiếc, hay một niềm hứng khởi tươi mới về bất kỳ điều gì, và hiếm khi chờ đợi cho đến khi tàn cuộc, mà luôn sẵn sàng để tiếp tục lên đường ngay khi xuất hiện một lời mời gọi khác".

Kỹ thuật này đã gắn liền với danh tiếng của Twain ngay từ khi ông bắt đầu nghiệp cầm bút. Ông đã "viết như ông nghĩ, như bất cứ ai, không có thứ tự, không để mắt đến chuyện cái nào nên đứng trước, cái nào nên xếp sau" – người bạn thân kiêm nhà phê bình vĩ đại nhất của Twain, William Dean Howells nhận xét. Lối viết kiểu dòng chảy của ý thức đến với ông một phần bởi tình yêu dành cho ngôn ngữ nói. Ông đã trưởng thành nhờ được nghe kể những câu chuyện mang nhiều ý nghĩa nhân văn và chuyện về nô lệ, điều đó ảnh hưởng đến sở thích đưa những câu tiếng lóng của ngôn ngữ nói vào trong văn của Twain.

Kết quả nhận được là những câu văn mà như nhà soạn nhạc Howell nhận định thì là "không mạch lạc triền miên", cho phép Twain nhận ra tiềm năng văn học phong phú trong thứ ngôn ngữ bản xứ của nước Mỹ. Ông đã giúp tạo ra một dòng văn học từ cuộc sống thường nhật, và tạo ra nghệ thuật từ những chất liệu lâu được coi là quá tầm thường hoặc quá thô thiển trở nên được chấp nhận một cách nghiêm túc bởi những người trông coi của cái gọi là văn hóa nghiêm túc. Trong tự truyện của ông, chính những dòng chảy lan man ấy đã giải phóng văn xuôi của ông khỏi bất kỳ sự giả dối, âm mưu hay cấu trúc nào và đạt đến khuôn mẫu tinh khiết nhất. Điều đó không phải lúc nào cũng giúp ông mê hoặc độc giả của mình, nhưng đã biến Twain trở thành một nhà văn cách mạng.

Nếu bạn tự đầu hàng bởi thanh âm trong giọng nói của ông, những niềm vui mà Twain mang đến được chứng minh là khó mà cưỡng lại được. Tính tường thuật trong văn xuôi của ông có thể lỏng lẻo, nhưng ít nhất cũng không bao giờ lạc ra khỏi chủ đề chính mà ông hướng đến. "Cuốn tự truyện này của tôi giống như một tấm gương, và tôi lúc nào cũng nhìn thấy chính mình trong đó" – ông tuyên bố. Chủ yếu là, ông thích những gì ông thấy. Cho đến khi ông bắt đầu ra sách tự truyện của riêng mình, ông đã là một người nổi tiếng tầm cỡ thế giới và không ngần ngại thừa nhận sự thích thú đối với những thành công của bản thân. Ông không cố gắng che giấu sự hài lòng mà ông cảm thấy khi một vài lá thư cũ của ông được bán tại cuộc đấu giá, được trả cao hơn cả thư của Theodore Roosevelt hay Abraham Lincoln. Các nhà báo săn đón ông để phỏng vấn, người ta nhận ra ông trên đường phố. Khi ông đồng ý tham gia một cuộc đàm thoại tại Barnard, một "sinh vật nhồi bông" lại gần ông và thủ thỉ bên tai: "Ông nghĩ thế nào khi trở thành hoa khôi của New York ?". "Điều đó quá chính xác, và quá hài lòng đến nỗi khiến tôi phải đỏ mặt vì ngượng ngùng, và có thể sẽ không thể trả lời" – ông viết.

Tính tự cao tự đại của Twain, và những làn sóng mỉa mai nhằm làm dịu bớt tính khí ấy, khiến cho cuốn tự truyện của ông đặc biệt mang tính thời sự. Sự tự yêu bản thân đến mức mỉa mai dù nhiều hay ít giờ đây đã trở nên thông dụng, nhưng Twain thì đi trước thời đại của ông. Ông là một trong những nhân vật nổi tiếng đầu tiên của nước Mỹ hiện đại, một biểu tượng của thời đại tiên phong mà phương tiện truyền thông đại chúng nổi lên trong những thập kỷ sau cuộc nội chiến. Ông khôn ngoan trong việc chau chuốt hình ảnh khi xuất hiện trước công chúng – thực hiện phỏng vấn, chụp ảnh cho tạp chí – để trở thành gương mặt được yêu mến của văn hóa đương đại. Ông đã tìm ra cách để trở nên tham vọng và tự mãn mà không làm mất đi tính hài hước, và nhờ thế giả mạo thành một nhân vật mà người ta luôn nghĩ đó là ông. Nhân vật này vẫn xuất hiện thường xuyên trong các trang sách, và gợi nhắc đến người kể truyện trong những tác phẩm phi tiểu thuyết của Twain như The Innocents Abroad, Roughing ItĐời sống trên dòng sông Mississippi. Vào thời điểm ông bắt đầu ra tự truyện, ở tuổi thất thập cổ lai hy, Twain đã hoàn thiện nghệ thuật tự trình bày. Ông xem xét cẩn thận những gì ông muốn tiết lộ. "Tôi đã nghĩ đến một ngàn năm trăm hay hai ngàn sự cố trong cuộc đời từng khiến tôi xấu hổ, nhưng không cái nào trong số chúng đồng ý cho phép tôi phơi bày lên mặt giấy" – ông thừa nhận.

Sự trì hoãn công bố trong một thế kỷ cũng không khiến Twain hé răng thêm một lời thú tội đặc biệt nào và cũng không khiến ông trở thành trung tâm của cuộc tranh cãi nào. Chính các nhà quảng bá cho cuốn sách đã cố tình rêu rao quan điểm đó khi trích dẫn từ các bản sao khác của tập truyện thứ hai rằng lời lẽ của Twain "quá khiêu khích để có thể công bố vào thời của ông". Và không có nghi ngờ rằng Twain đã đả động đến những điều nhất định mà ông có lẽ đã không nên nói khi vẫn còn tại thế, bao gồm lần ông gọi Chúa Giê-su là kẻ gian lận, thế giới bên kia một sự giả dối, Thiên Chúa một gã điên tàn bạo, và Kitô giáo là "xấu xa, đẫm máu, tàn nhẫn, vơ vét tiền của và ăn thịt người". Sự chán ghét của Twain dành cho tôn giáo đã luôn là một bí mật mở đối với những người biết ông. Chủ nghĩa vô thần trong tập sách cũng sẽ không khiến cho những ai đã quen thuộc với con người và tác phẩm của ông phải sửng sốt.

Mặc dù vậy, lệnh cấm trăm năm ấy dường như ít có tác dụng nhằm bảo vệ danh tiếng của Twain, mà chủ yếu là để tránh đụng chạm đến cảm xúc của những nhân vật bị ông tấn công trong cuốn sách. Danh sách ấy rất dài. Ông đã hồi tưởng lại tất cả những lần bị khinh thường trong quá khứ, cũng như một dòng chảy không ngớt những lời đả kích dành cho những ai khiến ông cảm thấy bị xúc phạm hoặc lừa dối. Nhưng mặt khác ông cũng muốn đảm bảo rằng các nạn nhân – cả vợ và con của họ – qua đời trước khi ông buộc phải chia tách họ một cách tàn nhẫn. Ông cảm thấy một sự hận thù đặc biệt đối với các nhà xuất bản, đặc biệt là với Charles L. Webster – cháu trai rể – người nhận được nhiều sự công kích nhất khi tác phẩm của Twain được mạo hiểm xuất bản. "Một trong những kẻ đốn mạt nhất mà tôi từng gặp. Những lần anh ta có cơ hội để trở thành một con lừa và thất bại trong việc thu được chút lợi ích từ việc đó là quá ít đến nỗi mà, trong một chế độ quân chủ, người ta hẳn sẽ đặt tên anh ta cho một vật trang trí" – ông viết. Một mục tiêu lớn khác của Twain là Bret Harte, ông bạn cũ đã tận hưởng quãng thời gian ngắn ngủi vô cùng thành công trong văn chương trước khi chứng kiến toàn bộ sự nghiệp tiêu tùng. Twain đã bóc tách từng sai sót của Harte đầy chi tiết và dữ dội, từ sự lựa chọn của ông đối với những chiếc cà vạt đến thất bại to lớn của ông trên tư cách một nhà văn, một người chồng và một người cha.

Cơn thịnh nộ của Twain không có dấu hiệu thuyên giảm. Ông tuôn ra một tràng dài để hạ gục đối thủ của mình trong khi chỉ cần một hay hai câu đã có thể làm điều ấy. Cuối cùng, tự bản thân cơn tức giận đã làm tiêu tan chính nó, và ông chuyển sang chủ đề khác. May mắn thay, tình yêu có lẽ là điều duy nhất mạnh liệt hệt như vậy trong con người Twain, và ông trìu mến nói về những người bạn và gia đình – đặc biệt là người vợ yêu quý, Livy. Bà đã qua đời vào năm 1904. Câu chuyện về cái chết của bà mang đến cho tập sách những đoạn viết rúng động nhất, như Twain hai năm sau đã nhớ lại và mô tả rằng đó là "thảm họa trong đời tôi".

Livy đã luôn phải chịu đựng đau đớn vì sức khỏe kém còn Twain thì luôn vượt nhiều quãng đường dài để chăm sóc cho bà. Năm 1902, ở tuổi năm mươi sáu, bà được chẩn đoán bị bệnh tim và phải trải qua hai năm tiếp theo trên giường bệnh, trong khi chồng bà cùng các con và y tá quây quần săn sóc. Các bác sĩ cho rằng bất kỳ sự phấn khích nào cũng có thể khiến cho tình trạng của bà tồi tệ hơn. Họ tìm mọi cách hạn chế thời gian mà Twain có thể dành cho bà – đôi khi ít nhất có thể chỉ là hai phút mỗi ngày. Ngăn cách bởi một bức tường, ông và Livy đã trò chuyện với nhau hầu hết thông qua những lá thư, giống như những ngày đầu họ tán tỉnh nhau. Ông sẽ viết những lời nhắn rồi nhét qua khe cửa nhà bà trong khi bà đáp lại những dòng chữ nắn nót bằng bút chì – "đầu tiên khá dài, nhưng khi nhiều tháng trôi qua kéo theo sức khỏe ngày càng yếu dần, bà đã viết những lời nhắn yêu thương gửi trong những con chữ run rẩy trên một mảnh giấy vụn nhỏ". vào tối ngày 5/6/1904, Twain đã ở cạnh giường ngủ của bà, mô tả về căn biệt thự ở Tuscan ông sắp mua với hy vọng sẽ khiến việc dưỡng bệnh của bà được dễ chịu hơn. "Tôi đã đợi quá thời hạn trả lời mười lăm phút – một sự vượt quá không chấp nhận được". Khi trở lại phòng của bà một vài giờ sau đó, để nói chúc ngủ ngon, bà đã ngừng thở.

Twain đã không bao giờ tha thứ được cho bản thân. Ông có xu hướng bắt đầu tuyên bố ảm đạm về "loài người chết tiệt", và bi quan về toàn thể vũ trụ. Những năm tháng sau đó ông cảm nhận về cuộc sống sau khi chết, điều dường như đã giúp ông dễ dàng hơn trong quá trình thực hiện cuốn tự truyện của bản thân như một người đã đi vào thiên cổ. Ông chôn vùi tiếng nói của mình trong một đống lớn tài liệu, để một thế kỷ sau đó, người ta vẫn có thể nghe thấy tiếng nói của ông – hình thức duy nhất về thế giới bên kia khiến ông quan tâm. Vào thời điểm ông qua đời, trong một cơn đau tim vào năm 1910, ông đã có được những điều cả thế giới mơ ước, và không có mong muốn điều gì khác. "Tôi đã sống thử cuộc đời này" – ông viết, "và thế là đủ".

Mộc Miên (theo the NewYorker)

Nguồn: Tạp chí VNQĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast