Người thơ trên sông thơ...

Năm 1942, nhân chuyến đi thuyền, Bác làm bài “Bán lộ tháp thuyền phó huyện Ung” (Giữa đường đáp thuyền đi huyện Ung - Nhật ký trong tù)...

Lần ấy Bác bị áp giải từ Đồng Chinh sang Nam Ninh. Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình…, trong một tư thế không mảy may thoải mái, nhưng tâm hồn Người vẫn thanh thoát hòa nhập với cuộc sống ấm áp, sinh động xung quanh: Làng xóm ven sông đông đúc thế/ Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh.

Đi thuyền trên sông Đáy

Dòng sông lặng ngắt như tờ

Sao đưa thuyền chạy thuyền chờ trăng theo

Bốn bề phong cảnh vắng teo

Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan.

Lòng riêng riêng những bàn hoàn

Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng.

Thuyền về trời đã rạng đông

Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi...

(Hồ Chí Minh - mùa thu 1949)

Mùa thu năm 1949, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp bước qua thời kỳ “cầm cự”, việc quân, việc nước bộn bề, có dịp đi thuyền trên sông Đáy, tức cảnh, Người viết một bài đoản thi không phải bằng tứ tuyệt mà bằng thể lục bát, lại viết bằng tiếng Việt. Hoàn cảnh khác, bút pháp khác, ý tứ cũng khác, nhưng vẫn có một cái gì rất chung ngầm toát lên qua 2 bài thơ. Phải chăng đó là phong thái ung dung tự tại, lòng lo lắng đến thời cuộc và niềm tin sâu xa vào tương lai.

Bốn câu thơ đầu của bài Đi thuyền trên sông Đáy thuần tả cảnh đi thuyền trên sông đêm:

Dòng sông lặng ngắt như tờ

Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo

Bốn bề phong cảnh vắng teo

Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan.

Trong thơ Bác, bút pháp tả cảnh rất đa dạng, có khi tả thực, có khi lại tượng trưng, có khi lấy cảnh làm khung cho con người hoạt động, có khi cảnh lại là phương tiện để con người bộc lộ tâm tình, bày tỏ những chiêm nghiệm, suy tư của mình. Thơ tả cảnh của Người bởi vậy vừa dồi dào màu sắc, đường nét, vừa chan chứa tình cảm, vừa thâm thúy bởi những ngụ ý triết học.

4 câu thơ tả cảnh một dòng sông lặng ngắt, một phong cảnh vắng teo, con thuyền bơi trên sông nghe rõ tiếng mái chèo cót két. Cảnh vắng teo, lặng ngắt nhưng không buồn bã, hiu quạnh theo cái lô-gíc miêu tả thông thường. Vì trong cái vẻ tưởng như vắng lặng của khung cảnh đó lại có 3 nhân vật đang hoạt động một cách sôi nổi: Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo. Sao, thuyền, trăng đều được nhân hóa. Cả ba đang tham gia một cuộc đuổi bắt, đua chạy vui vẻ, nhịp nhàng. Sao, trăng thuộc về thiên nhiên, thuyền thuộc về con người. Một sự hài hòa kỳ diệu! Con người không được miêu tả trực tiếp, chỉ với tiếng mái chèo cót két, với cảnh thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo, nhưng chỉ vậy, cái khung cảnh tưởng lạnh lẽo đã ấm áp, sống động hẳn lên!

Minh họa từ internet
Minh họa từ internet

“Đi thuyền trên sông trăng” là một thi tứ quen thuộc trong thơ ca Á Đông. Nhưng mô típ này xuất hiện trong thơ Bác lại khác ở cái sự miêu tả chân thật về cảnh sắc, đường nét và cái tấm tình nồng ấm được biểu hiện của chủ thể mà ta đã từng gặp: Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền. (Rằm tháng giêng - 1948).

Sau những câu thơ tả cảnh, tác giả chuyển sang bộc bạch tâm sự riêng:

Lòng riêng riêng những bàn hoàn

Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng

Cái riêng mà choán hết cõi lòng, chi phối mãnh liệt sự lo lắng của tác giả lại là một cái rất chung đó là việc “khôi phục giang san Tiên Rồng”. Cách nói cũng gây ấn tượng vì cái âm hưởng trang nghiêm của nó. Hình ảnh Tiên - Rồng cổ kính gợi xúc cảm lớn lao về cội nguồn, tổ tiên, một trường liên tưởng đưa người đọc đến với những cảm thức sâu kín, tiềm tàng thường đi về trong thơ Bác. Cảm thức về non sông gấm vóc, về nguồn cội, về lịch sử cha ông: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

Đây là một cảm hứng thường xuyên ở Bác, đặc biệt nó trào dâng mạnh mẽ những lúc Người hòa nhịp với thiên nhiên, tạo vật như trong đêm đi thuyền trên sông Đáy.

Thuyền về trời đã rạng đông

Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi

Từ tả tình, Bác chuyển sang tả cảnh. Một bức tranh rạng đông đầy hứa hẹn với gam màu hồng chủ đạo. Nó là một ẩn dụ về tương lai cách mạng. Đằng sau hình ảnh giản dị, quen thuộc này là một bản lĩnh vững vàng, một lòng tin sắt son vào tiền đồ cách mạng của một con người nắm được qui luật lịch sử.

Với ngôn ngữ vừa cổ kính vừa giản dị, nhưng cũng rất mới mẻ, tự nhiên, Đi thuyền trên sông Đáy đã góp phần thể hiện rõ phong cách thơ trữ tình tiếng Việt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast