Những ban trưa thương nhớ

(Baohatinh.vn) - Những ban trưa mùa đông quạnh quẽ thế này tôi thường không ngủ. Trong không gian mơ màng của lớp sương vừa tan, một tiếng gà gáy khan từ góc vườn nào đó lại gọi về bao nhiêu thương nhớ. Tôi đồ rằng, những ngày thơ ấu sẽ không trở về rõ rệt đến thế trong những thời khắc khác…

Tản văn

Minh họa từ internet
Minh họa từ internet

Tôi nhớ buổi trưa mùa thu năm 1984, dì cả bế tôi đứng trên bờ dường cánh đồng trước ngõ nhà nội khi cả xóm đưa ông tôi ra nghĩa địa. Thật kỳ lạ cho trí nhớ của đứa bé 3 tuổi. Nhiều năm trôi qua và cả sau này nữa tôi sẽ không bao giờ trả lời được câu hỏi vì sao một đứa bé 3 tuổi lại có thể nhớ hình ảnh ấy sâu đến thế.

Nhiều lần tôi đem điều băn khoăn ấy hỏi cha tôi, thay vì trả lời, người chỉ rưng rưng nước mắt. Có lẽ, những nỗi đau mất mát người thân, tự nó có những mối ràng buộc không căn cứ nào lý giải được…

Tôi nhớ những trưa mùa đông heo heo gió, bà nội tôi ngồi bổ cau bên hàng hiên dưới chiếc rèm kè cũ kỹ. Vọng vào từ ngoài ngõ là tiếng hàng tre kẽo kẹt như võng đưa và tiếng gà trưa trên những cây rơm tao tác cả xóm nghèo. Từ nội tỏa ra hơi ấm của trầu thơm. Đôi tay bà gầy guộc với những đường gân xanh hiện rõ dưới lớp da mỏng điểm nhiều vết đồi mồi đen thẫm. Trên mái tóc trắng như cước là chiếc khăn nhung đen vấn quanh đầu.

Tôi thường ngồi trên chạc 3 cây lòng đỏ ngắm dáng bà nghiêng nghiêng bên nong cau vừa bổ. Thi thoảng bà ngước nhìn tôi nói dăm ba câu rồi nở cụ cười hạt na đen nhánh. Lúc đó đứa trẻ vô tâm là tôi chỉ thấy trong lòng dâng lên nỗi sung sướng vì bà nội mình đẹp như một bà tiên.

Sau này, trong những trưa quạnh quẽ ở tuổi trưởng thành, khi khung cảnh đó hiện về tôi mới thấy được nỗi cô đơn trong dáng ngồi của nội. Tôi ở với bà khi bà đã đi qua một quãng đời đầy mệt nhọc mà tôi không hề biết. Tôi ở với bà khi ông đã bỏ bà về thế giới khác, khi cả 6 người con đều theo công việc đi xa. Một bà, một cháu cứ thủng thẳng, cứ rổn rảng, cứ lặng lẽ từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối với bếp lửa, bầy gà, với vườn rau, bụi chuối, với buồng cau, đám hoa bưởi rụng và nỗi thương nhớ âm thầm…

Thói quen không ngủ trưa ấy bà vẫn giữ khi bỏ quê lên sống cùng gia đình tôi. Nhiều trưa tỉnh giấc, tôi ra ngồi với nội bên bậc thềm và nhìn xa xăm sang dãy Thiên Nhẫn mù sương trước mặt. Hẳn là nội nhớ bến sông quê. Nhớ thời con gái chưa kịp chín đã bị gả chồng. Nhớ người chồng ngang tuổi hiền lành, tốt bụng nhưng không mang nhiều hạnh phúc cho bà… Có lẽ từ những nỗi niềm của mình mà nội luôn dặn tôi, nếu lấy chồng phải lấy người hơn mình ít nhất 5 tuổi. Suốt cả thời con gái của mình tôi cũng nghe theo lời nội dặn nhưng duyên phận cuộc đời không đưa tôi đến những cuộc gặp gỡ ấy…

Những trưa mùa đông tĩnh lặng, tĩnh lặng đến hóa đá cả mắt nhìn, tôi lại nhớ cha cồn cào. Người ta thường nói, con gái thường gắn bó với cha, có lẽ tôi cũng không là một ngoại lệ. Những trưa không ngủ, cha thường ra vườn táo cắt cắt, tỉa tỉa và khi trở vào thể nào tôi cũng có những quả táo ngon nhất vườn. Có những ban trưa, nghe tiếng lách cách của cưa đục, tôi nhìn ra mảnh sân đất lởm chởm rêu xanh và gặp dáng cha tôi miệt mài bên những thanh gỗ.

Cha không có tiền mua đồ chơi cho tôi nên người thường tự làm cho tôi cây thước kẻ, chiếc ghế gỗ và cả chiếc bàn học xinh xắn nữa. Tôi thường hạnh phúc và hãnh diện vì điều đó. Thường là trong nỗi nhớ ấy, tôi không sao tách mình ra khỏi đôi mắt ẩn quất nhiều nét u buồn của cha. Ngay cả khi vui nhất, nét u buồn ấy cũng không giấu đi được.

Trong rất nhiều ý nghĩ về đời sống, tôi thường tìm mối liên quan giữa nét u buồn trong đôi mắt cha với những khuyết hao của phận người. Rồi mắt tôi nhòa lệ. Tôi thương cha, thương tôi biết chừng nào. Cha ơi, ly rượu nồng nàn và ly rượu đắng đót ở đời biết bao giờ uống cạn?

Trưa đã qua từ bao giờ. Sâu trong không gian vẫn vọng lên xao xác một tiếng gà…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast