Những cuốn tiểu thuyết ăn khách dựa trên câu chuyện có thật

Chính nhờ những câu chuyện ly kỳ, thú vị xoay quanh các nhân vật này đã tạo cảm hứng cho nhiều nhà văn sáng tác nên những cuốn sách làm say mê hàng triệu độc giả trên thế giới.

Nhà tiểu họa - Jessie Burton

nhung cuon tieu thuyet an khach dua tren cau chuyen co that

Nhà tiểu họa được xây dựng từ ngôi nhà búp bê nổi tiếng của Petronella Oortman tại thành phố Amsterdam vào thế kỷ 17.

Nhà tiểu họa kể về cô gái trẻ Petronella (Nella) Oortman từ khi bắt đầu cuộc sống làm vợ thương gia giàu có Johannes Brandt đã luôn cảm thấy xa cách với gia đình chồng.

Cuộc sống của cô chỉ thay đổi khi Johannes tặng cho cô một ngôi nhà thu nhỏ, và nhiệm vụ của cô là phải trang trí cho ngôi nhà đó thông qua một nhà tiểu họa trên phố. Chính món quà này đã giúp cô nhìn sâu hơn vào thế giới và xã hội của giới thượng lưu tại Amsterdam, cũng như những nguy hiểm đang treo lơ lửng trên đầu họ.

Nhà tiểu họa được lấy cảm hứng từ Petronella Oortman, một góa phụ giàu có cưới một thương gia bán lụa Johannes Brandt ở thành phố Amsterdam vào khoảng những năm cuối thể kỷ 17.

Oortman có một ngôi nhà búp bê vô cùng nổi tiếng mà nhiều du khách đến thăm dinh thự của bà chỉ để ngắm các chi tiết tinh xảo trong ngôi nhà đó. Sau khi Oortman chết, ngôi nhà được truyền lại cho con gái, và giờ nó được trưng bày tại Viện bảo tàng Rijksmuseum tại Amsterdam, Hà Lan.

Tác giả Jessie Burton là diễn viên và tác giả người Anh. Cô đã theo đuổi nghề diễn trong suốt 9 năm trước khi bắt tay vào viết cuốn sách đầu tay Nhà tiểu họa trong một lần tham quan Viện bảo tàng Rijksmuseum.

Để hoàn thành cuốn sách, Burton đã phải nghiên cứu hết tất cả lịch sử, ẩm thực, nghệ thuật, bản đồ, và các bức họa thời hoàng kim của Amsterdam vào thế kỷ 17.

Xuất bản lần đầu vào năm 2014, Nhà tiểu họa đã gây được tiếng vang lớn khi liên tiếp giành được danh hiệu Cuốn sách của năm do Waterstones và báo The Observer bình chọn. Tính đến năm 2016, cuốn sách đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và bán được hơn 1 triệu bản trên khắp các nước trên thế giới.

Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai - Tracy Chevalier

nhung cuon tieu thuyet an khach dua tren cau chuyen co that

Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai được lấy cảm hứng từ một bức tranh nổi tiếng ở thế kỷ 17.

Cũng lấy bối cảnh thế kỷ 17 tại Hà Lan, Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai kể về cô gái 16 tuổi Griet làm hầu gái tại gia đình họa sĩ Johannes Vermeer. Tại đây, cô trở nên hứng thú với các bức họa của Vermeer và dần dần bí mật làm những việc vặt cho người họa sĩ. Nhận ra vẻ đẹp của Griet, Vermeer đã nhờ cô làm mẫu để vẽ tranh cùng đôi khuyên tai ngọc của vợ ông.

Cuốn sách được lấy cảm hứng từ bức tranh sơn dầu Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai của họa sĩ người Hà Lan Johannes Vermeer. Ông là cây bút chuyên vẽ về cuộc sống của giới trung lưu trong xã hội thế kỷ 17. Bức tranh hiện được trưng bày tại bảo tàng Mauritshuis ở Den Haag, Hà Lan.

Tracy Chevalier là nhà văn người Mỹ gốc Anh, con gái của nhiếp ảnh gia tờ The Washington Post trong suốt hơn 30 năm. Năm 9 tuổi, cô được mua cho một tấm hình có bức họa Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai của Johannes Vermeer và đã treo nó trong phòng cho đến khi 16 tuổi. Chính nhờ ánh nhìn ám ảnh của người thiếu nữ trong bức tranh đã thôi thúc Chevalier viết nên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này.

Dù đã viết 8 cuốn tiểu thuyết nhưng cho đến nay Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai viết năm 1999 vẫn là tác phẩm nổi tiếng nhất của Tracy Chevalier. Tính đến năm 2014, cuốn sách đã được dịch hơn 38 thứ tiếng và bán được hơn 5 triệu bản trên toàn thế giới. Năm 2003, bộ phim Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai được chuyển thể từ cuốn sách với sự tham gia của Scarlett Johansson và Colin Firth đã nhận được 3 đề cử Oscar và 2 giải Quả cầu vàng.

Những thành phố vô hình - Italo Calvino

nhung cuon tieu thuyet an khach dua tren cau chuyen co that

Những thành phố vô hình được sáng tác dựa trên cuốn du ký của Marco Polo vào những năm 1276-1291 băng qua châu Á và gặp gỡ Hốt Tất Liệt.

Những thành phố vô hình là lời kể lại của một nhà thám hiểm Marco Polo cho Hốt Tất Liệt về chuyến hành trình của mình qua những thành phố hay đô thị mà ông đã đi qua. Bằng sự tưởng tượng của tâm hồn, những thành phố hiện ra qua lời kể của Polo khi thì u tối, khi lại tươi sáng nhưng tất cả đều đẹp đẽ và mê đắm.

Tác phẩm của Italo Calvino được lấy cảm hứng từ cuốn du ký The Travels of Marco Polo khi ông băng qua châu Á vào những năm 1276-1291 và đã gặp vị tướng Mông Cổ Hốt Tất Liệt lừng danh.

Cuốn sách được viết bằng tiếng Pháp cổ được ghi chép bởi Rustichello da Pisa qua lời kể của chính Marco Polo khi hai người bị giam chung tại Genoa. Nhiều câu hỏi đặt ra rằng liệu Polo có thực sự đi đến châu Á không, hay tất cả chỉ đơn thuần là trí tưởng tượng của ông.

Italo Calvino là nhà văn, nhà báo người Ý nổi tiếng với bộ ba Tử tước chẻ đôi - Nam tước trên cây - Hiệp sĩ không hiện hữu. Hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng khác của ông là Những thành phố vô hình và Nếu một đêm đông có người lữ khách. Được ngưỡng mộ tại nhiều quốc gia trên thế giới, Italo Calvino là nhà văn Ý có sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất vào thời điểm ông qua đời năm 1985.

Được xuất bản lần đầu tại Ý vào năm 1972, nhưng phải đến khi được dịch sang tiếng Anh Những thành phố vô hình mới nhận được sự chú ý từ phía độc giả và các nhà phê bình. Cuốn sách nhận được đề cử giải Nebula cho Tiểu thuyết xuất sắc nhất năm 1976. Cùng năm đó, Italo Calvino cũng được trao Giải quốc gia Áo cho Văn học châu Âu.

11/22/63 - Stephen King

nhung cuon tieu thuyet an khach dua tren cau chuyen co that

11/22/63 viết về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy nổi tiếng vào ngày 22/11/1963 tại Dallas.

11/22/63 là cuốn tiểu thuyết Stephen King viết về một người du hành thời gian quay ngược trở lại thời điểm Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát vào ngày 22/11/1963 và cố ngăn chặn tội ác đó.

Nhưng những nỗ lực của ông lại khiến lịch sử thế giới thay đổi theo hướng tồi tệ hơn, nên ông ta liên tục quay lại quá khứ để ngăn chặn hành động của chính mình.

Sự kiện Tổng thống Kennedy bị ám sát vào ngày 22/11/1963 tại Dallas đã khiến cả thế giới kinh động. Trong chuyến diễu hành từ sân bay về trung tâm thành phố, khi đang ngồi trên xe với phu nhân Jackie, ông đã bị một viên đạn bắn xuyên đầu và qua đời gần như ngay tại chỗ.

Sau sự kiện này, hàng loạt các tác phẩm tự truyện, nghiên cứu và tiểu thuyết lấy cảm hứng về vụ ám sát đã ra đời, và Stephen King cũng không nằm ngoài xu thế ấy.

Stephen King đã lên ý tưởng viết tác phẩm ngay từ năm 1971, 8 năm sau sự kiện tại Dallas, trước cả khi ông xuất bản cuốn sách đầu tay Carrie vào năm 1974.

Tuy nhiên ông cảm thấy thể loại lịch sử hư cấu này đòi hỏi nhiều công sức nghiên cứu hơn những gì ông có thể sẵn sàng bỏ thời gian vào thời điểm ấy. Phải mãi đến năm 2011, 40 năm sau đó, King mới có thể hoàn thành cuốn 11/22/63.

Cuốn sách đánh dấu tiểu thuyết thứ 60 của Stephen King, ngay khi vừa ra mắt đã nhanh chóng đứng đầu trong danh sách các sách bán chạy nhất của tờ The New York Times. 11/22/63 cũng chiến thắng một số giải thưởng lớn như Los Angeles Times Book Prize, International Thriller Writer Award, đồng thời được đề cử cho giải British Fantasy và Locus Award cho tiểu thuyết xuất sắc nhất.

Alias Grace - Margaret Atwood

nhung cuon tieu thuyet an khach dua tren cau chuyen co that

Alias Grace kể lại câu chuyện của Grace s trong vụ án giết người vào năm 1843 tại Canada.

Alias Grace xoay quanh cô gái trẻ Grace Marks bị kết án kẻ đồng phạm trong tội ác giết hại ông chủ Thomas Kinnear và một người hầu trong gia đình Nancy Montgomery.

Cuốn sách được kể lại bằng lời kể của bác sĩ Simon Jordan, người trong quá trình điều tra vụ án đã dần trở nên hiểu hơn về người phụ nữ đang bị kết án trước mắt ông.

Cuốn sách của Margaret Atwood được viết dựa trên vụ ám sát Thomas Kinnear và người giúp việc Nancy Montgomery tại Canada vào năm 1843. Hai người hầu còn lại là Grace Marks and James McDermott bị buộc tội hung thủ thực hiện tội ác này. Trong khi McDermott bị treo cổ còn Grace Marks bị kết án tù chung thân.

Margaret Atwood là nhà văn người Canada, đã 5 lần được đề cử và chiến thắng giải Man Booker. Bà lần đầu tiên biết được câu chuyện của Grace Marks trong tác phẩm Life in the Clearings của Susanna Moodie.

Năm 1974, Atwood cũng từng viết biên kịch cho một bộ phim truyền hình mang tên The Servant Girl về cuộc đời của Grace dựa trên những nghiên cứu của Moodie. Tuy nhiên, trong cuốn Alias Grace, bà lại thay đổi cách nhìn về người phụ nữ này thông qua một nhân vật hư cấu là bác sĩ Jordan.

Alias Grace được xuất bản lần đầu vào năm 1996, đã giành được giải thưởng Giller Prize của Canada và được đề cử giải Man Booker trong cùng năm đó. Cuốn sách được chuyển thể thành bộ phim truyền hình sẽ chiếu trên đài CBC Television của Canada và Netflix trên toàn thế giới vào cuối năm 2017.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast