Nỗi riêng Thị Mầu

Bọn chúng đã biết chuyện, cứ thậm thụt chỉ trỏ. Nhất là mấy đứa trong lớp vẫn hay leo lẻo cái mồm, chụm chuyện khoái chí:

“Nó cứ khinh khỉnh, bất cần.”
“Hay nó mặc cảm?”
“Dám qua những chuyện như thế thì chắc không phải vừa.”
“Chuyện ấy nó ra sao chúng mày nhỉ?”

Cả bọn cười phá lên.

“Này, người ta bảo có những ngày đến bốn năm ca toàn học sinh trung học phá thai”.
“Đứa nào trong bọn biết “thứ ấy” thì khai ra đi”.
Bọn chúng lại cười giòn giã, sung sướng.

Đôi khi Mơ cũng thấy nhục không ngẩng đầu cất mặt lên được. Nhưng Mơ vẫn cứ câng đanh cái mặt lên, không thèm sợ, mà nghĩ: “Như thế thì đã sao. Nó không dễ ghê tởm như vậy đâu. Cứ vào cuộc rồi sẽ biết nó cũng rất tuyệt. Biết đâu bọn mày lại chẳng tiếc khi được biết bí mật này muộn màng. Đấy, không ít người coi đó là điều không có gì ghê gớm, hệ trọng, mà thấy nó như cái lẽ đương nhiên. Vì ai mà rồi chẳng thế!”

Nên Mơ lại thấy thèm được yêu. Tuổi mười tám như cánh đồng mầu mỡ. Làm sao nó không đội lên sự sống khi bắt gặp những cơn mưa thấm thít, làm cho những thớ đất dậy mùi.
Chuyện như một quả bom nổ đã cày xới, lật tung nhiều thứ, làm cho Mơ nghĩ thế này, lại nghĩ thế kia. Trái ngược và lộn xộn. Rồi tất cả cũng dần chai đi.

Người yêu Mơ đang ở xa lại đánh đường về. Mơ lại run rẩy trước những lời yêu thương ngọt ngào. Anh ấy bảo là thèm yêu, nhớ đến mê mụ, cháy khát, không làm sao mà chịu nổi. Nhưng mẹ biết, và cấm bước chân ra khỏi nhà. Mơ lại thấy khó học. Lên giường ngủ cho quên. Nhưng tấm thân nóng hổi. Mắt nhắm nghiền, lại giương lên nhìn vào khoảng đêm mờ mịt. Đầu nhưng nhức. Đã lỡ yêu. Lỡ lạc vào đó rồi giờ làm sao mà dứt ra? Con người ta cần được yêu, đã đến lúc yêu. Sao lại có thể đừng được. Nó thật tự nhiên, và kỳ diệu như thế.

Người ta ví bờ môi, ngực, thân thể tuổi này như trăng mười sáu. Và da thịt cứ như do trăng và lửa tạo nên. Mơ cũng thấy như vậy. Người con trai đã cho Mơ những cảm giác kỳ diệu đến mức không cần ăn, không cần ngủ và thấy mọi thứ thật đáng yêu. Được nhìn, được nghe anh ấy nói thì u ám cũng tan hết, tất thảy mọi thứ đều như đang trổ hoa. Anh khẽ chạm vào da thịt đã run rẩy. Khi anh ôm, nghe tim anh dồn dập rộn ràng, lại thấy đôi môi, ngực, thân thể rộn rực, chết lịm.

Cái bữa đó anh đã ôm hôn rất khác lạ. Nó báo hiệu cái gì đó dữ dội hơn tiếp theo. Một điều gì đó bí mật rất ghê gớm cuốn lấy Mơ không cưỡng được. Cái là lạ đưa vào người. Cảm giác là lạ cứ ồ ạt kéo đến. Chưa bao giờ mê muội như vậy. Bí mật là thế! Đến giờ thì chẳng bí mật nữa mà nó cứ mê mụ, dụ dỗ.

Nhưng giá như không xảy ra cái chuyện đau đớn ấy. Cái hôm vào viện. Những người áo trắng rợn, cau có, khinh rẻ, gắt gỏng: “Tuổi? Có kinh lần cuối ngày nào? Khiếp! Đã ba tháng, sướng chưa con!?” Mẹ tủi nhục gạt nước mắt. Còn đứa con gái hư hỏng thì co rúm, rùng rợn, chưa chi đã thấy toàn thân ê buốt, lịm đi khi bước vào căn phòng lặnh trắng. Những âm thanh loẻng xoẻng. Mùi mè ngột thở. Thế rồi. Chao ôi là đau. Buốt lên tận óc. Đen ngòm, sâu hoắm. Rồn rột. Rên la. Trắng, đỏ, đen... múa lượn hoa mắt, tăm tối.

Lúc đó sợ quá, đã thề là sẽ quên, sẽ căm ghét. Nhưng bây giờ Mơ cứ như kẻ trong đêm hoang trên đồng khô trụi, hổn hển, âm ỉ thèm cái bóng dáng ấm nóng để nương dựa, để yên ổn, trấn tĩnh. Lại thèm khát. Nếu cố gắng lìa bỏ, cắt đứt chỉ là giả, giả hết. Chỉ là thử xem, là để ngẩng mặt với mọi người rằng mình không đến nổi quá hư hỏng, mê muội ư? Cần gì phải như thế cho khổ mình. Càng đêm càng khô nóng. Thèm được mát dịu, được mạnh mẽ. Mở cửa ra để đón nhận mọi cái của tự nhiên. Những bước chân vụng trộm lần trong đêm tối. Ai cũng thế cả thôi.

“Mơ!”

Tiếng mẹ sắt đanh chặn đứng bước vụng trộm, hấp tấp. Cánh đồng đang nóng rẫy. Gió thoảng. Tiếng sấm xa xa. Tất cả lại phải chìm sau cánh cửa đóng chặt.
Mai Mơ sẽ bỏ buổi học để gặp anh ấy. Bỏ học một vài buổi chẳng sao. Dù sao thì học cũng chỉ đến thế mà thôi. Còn khối đứa không hơn gì.

***

Hết học, Mơ đi chợ với mẹ tập mua bán. Mẹ từng bảo: “Góp lấy tiền, khi nào khá khá thì đi học kiếm cái nghề. Chứ thế này, rồi chồng con, sợ lại khổ. Ngày xưa bố mày cũng yêu thương này nọ lắm. Lấy nhau, sinh đứa đầu không nuôi được, mẹ buồn đau, xơ xác, bố mày đi làm ăn xa, mãi mới sinh mày, nhưng bố mày ngày càng biền biệt. Tủi cực lắm. Tình yêu thì đẹp. Trẻ thì dại, chỉ ước nên vợ nên chồng, được sống với nhau mãi, thế thì không gì hơn. Nhưng con người ta cứ được sống trong tình yêu thì nói làm gì...”

Đúng là bố không mấy khi về. Bây giờ thì Mơ biết con người ta cần cái gì. Người yêu Mơ đi xuất khẩu lao động chắc không chịu được khi thiếu cái thứ “quan trọng ấy” nên đã yêu, đã cưới người khác. Mà Mơ cũng thế, cũng khô cháy như cánh đồng hạn, từng ngày thèm nhớ những cơn mưa lại thấm thít vào từng thớ đất, để rạo rực sinh sôi. Còn mẹ, mẹ như mảnh đất chỉ trơ lại đá sỏi.

Bọn đàn ông, con trai thường thích nói chuyện về Mơ. Chuyện phá thai hồi còn đi học. Chuyện người yêu Mơ đi Hàn Quốc đã lấy vợ rồi. Chuyện Mơ có máu Thị Mầu. Mơ cứ như là cái giống dại, nở ngan ngát, ngây ngất, dày vò, làm khổ mấy cái thằng đàn ông tràn dương lực, chỉ muốn săn vồ cho thoả cơn căng cứng. Cái tiếng “Mơ Thị Mầu” làm cho bọn đàn ông, con trai bu lấy, khổ sở để được ngủ với “Thị Mầu”.

Ngủ thì ngủ. Có gì đáng để sợ đâu. Nhưng không phải anh nào cũng được biết ngủ với Thị Mầu nó ra làm sao đâu! Cái tấm thân con gái hừng hừng, nần nẫn, gợi tình như thế dễ mấy ai mà có được. Nó có giá lắm chứ đâu phải của siu hôi. Chỉ kẻ nào mạnh, kẻ nào dám yêu lăn lóc ra thì mới được biết hết vàng ngọc nó ra làm sao cái khi ấy.

Nhưng rồi kẻ mạnh, kẻ dám yêu lăn lóc, dữ dội, hết mình cứ kiếm lỗ lặn hết. Chơi thì chẳng tiếc gì, nhưng lấy làm vợ thì không! Rồi thì cũng có vài đám không nhịn được, hon hót rằng chán vợ, bỏ vợ để cưới Mơ. Họ thèm nếm chút “Thị Mầu” thôi, nên Mơ cứ chỏng chơ ra mãi.
Nhưng thế mà Mơ lấy chồng. Người ta nói với nhau chồng Mơ là một gã đàn ông thô đần. Đần! Thô! Thế cũng được. Còn hơn loại đàn ông làm ra vẻ “sạch sẽ” chê này khinh nọ, nhưng lại thèm thuồng, len lén săn rình gái bằng mọi cách. Xong thì quẹt mỏ, phủi mồm lủi mất.

Mơ rời nhà mẹ về với Tiềm. Gã trai có một gian nhà tranh, một bầy gà vịt nơi cái đầm tít trong rừng. Ngày cưới đơn giản như thân phận của Tiềm. Nhớ lần đầu tiên Mơ vào đầm, Tiềm ngỡ ngàng, khờ khạo, rồi Mơ cầm tay Tiềm cho nó luồn vào bầu ngực căng nóng. Dần dần Tiềm không dứt ra được. Những bản giao tấu ban đầu còn dìu dặt, khẽ khàng, rồi dồn dập, ào ào thác lũ. Tiềm chỉ muốn Mơ luôn bên cạnh. Và thế là người gì tội nghiệp cũng vui lây, nghe Tiềm trình bày, làm vài mâm cơm, bán gà vịt mua sắm thêm dăm ba thứ cho gian nhà tranh nhỏ bé của Tiềm. Tiềm có vợ. Cứ như còn nằm mơ vậy.

Sự dữ dội, hoang dã của tự nhiên cuốn lấy Mơ ngày đêm. Người đàn bà rừng rực như lửa đã thiêu cháy những ngày giờ lặng lẽ, cũ mèm của gã trai nơi đầm sâu, gốc là một đứa bé mồ côi, ít chữ, được người gì nghèo khổ đùm bọc. Lớn lên, nghe gì, Tiềm vào đầm này dựng lều chăn vịt, nuôi gà. Bao nhiêu năm trời góp nhóp mua được cái xe đạp, thỉnh thoảng đi chợ bán gà, vịt, trứng. Trời xui Tiềm đến hàng của Mơ mua mắm muối... Một tháng đôi ba lần gặp nhau, Mơ thích gã trai hiền lành, khoẻ mạnh.

Mơ thì cho rằng Tiềm không “thô, đần” như người ta nói, mà do Tiềm chưa được biết nhiều. Đấy, cứ đi chợ mua bán là biết hơn, khôn ra. Nhất là khi được Mơ thích, Mơ cho biết những thứ kỳ diệu khác nữa thì Tiềm lại càng thêm thay đổi. Bây giờ đôi bàn tay Tiềm càng biết làm cho tất cả màu mỡ phì nhiêu, rộn rực sự sống. Lồng ngực, thân thể Tiềm biết làm cho tháng ngày êm ái, ngất ngây.

Tiềm xoa lưng vợ, nói:
“ Gặp em, tôi thấy… khác hẳn.”
Mơ biết, nhưng cứ vừa cười vừa hỏi:
“ Khác ra làm sao?”
“ Không nói ra được. Như… thế này này”.

Đó là da thịt lại tan hoà vào nhau, chìm trong những bản giao tấu dìu dặt, êm ái, ào ào dữ dội. Những man điệu tự nhiên tựa như giông gió vẫn vũ, cuốn mọi thứ trôi theo. Để ngày mai lại nhìn mọi thứ hừng hực, mê say, thèm sống, thích nhìn ngắm, thích đẹp. Thích ăn ngon, thích đêm xuống. Biết nói yêu. Hay nghĩ ngợi, thèm thuồng.

Thời gian trôi nhanh vì từng ngày mới mẻ. Mới về với nhau mùa đông trước, nay mùa đông đã lại về. Tiềm thấy cái gì đó của năm trước cứ như còn ở nguyên trong người. Đêm cưới, trong cái chăn mới bên vợ, cái thân thể ấm nóng, mùi thơm... làm cho Tiềm cứ tưởng như đang ở đâu đâu. Tiềm nằm yên, cố chờ đợi một chút để được nghe thấm thía từng thứ một, nhưng toàn thân nó căng cứng run lên rất khó chịu. Cái giường lạ. Tất cả trong nhà mình mà thấy cái gì cũng thật lạ. Vợ nằm yên quay mặt vào trong vách nứa, Tiềm không chịu được, không đợi để được nhấm nháp, thấm ngấm thêm mà cứ sùng sục thèm muốn.

Tiềm quay sang đắm đuối nhìn ngắm vợ đang mê man dõi mắt trong bếp lửa. Bất ngờ Tiềm bế xốc vợ lên giường. Hơi lửa làm cho cả hai ấm nóng. Tiềm thấy như đang là ngày của mùa đông năm ngoái. Mới mẻ, êm ái, và dữ dội.

***

Đến cuối mùa đông thứ tư thì ngôi nhà nhỏ bé của Tiềm vui lắm. Tưởng khó mà mãi rồi cũng được. Đã biết bao lần rồi thế mà bây giờ mới có con. Tiềm vui, suốt ngày cứ tủm tỉm, làm hùng hục, chỉ biết làm thật khoẻ để có thêm gà vịt rau gạo nuôi vợ con. Gần đến ngày sinh, vợ bảo phải ra bà ngoại ở, gần bệnh viện, và nhờ cậy bà. May là như thế, nếu không Tiềm biết ra sao mà xoay xở.

Mơ sinh. Tiềm suốt ngày không yên, cứ nhấm nha nhấm nhót khi trông nom làm lụng ở nhà, khi lại lót cót đạp xe ra luẩn quẩn đôi chút bên vợ con. Tiềm chỉ muốn đem hai mẹ con về đầm vịt. Việc gì Tiềm cũng làm được hết, theo như bà ngoại nói thì chẳng có gì là khó, nhưng vợ lại muốn ở với bà thêm ít lâu.

Chăm vợ con nên gà vịt vơi dần đi, Tiềm cũng gầy tọp, già ra. Nhưng vất vả, bận rộn còn dễ chịu hơn là nhiều đêm nhớ vợ không sao ngủ được. Thôi thì cha con mẹ cái dẫn nhau về đầm. Thế là Tiềm vui lắm. Tiềm chỉ cần có thế thôi. Ngày làm mấy cũng được, đêm nằm với vợ con, không trống trải, không sợ mất ngủ nữa.

Cha con nhà Tiềm ôm đùm, quấn quýt lấy nhau. Tiềm bày cho con tập đi, tập nói, gọi gà, gọi vịt, biết cây ngô, củ sắn... Còn thằng cu thì khiến cho Tiềm phải nghĩ ngợi nhiều. Làm chồng, làm cha đầu óc Tiềm vỡ lẽ ra biết bao nhiêu điều.

Được ít năm, đến tuổi đi học thì thằng cu phải ở với bà ngoại cho gần trường. Cha con ít khi được gần nhau, Tiềm nhớ lắm, chỉ muốn mang nó về. Mà sao vợ không đẻ tiếp? Con ở với bà, vợ cũng thường vắng theo nó luôn. Nhiều khi làm mệt phờ, còn thổi cơm, thui thủi ăn một mình. Tiềm đâm hay buồn bã. Đã thế vợ lại càng đẹp. Những hôm mưa gió rét mướt vợ ở với con ngoài bà ngoại, Tiềm nhớ, buồn, không ngủ được đến phát tức. Nhưng cứ nhìn thấy vợ thì lòng lại bâng khuâng quên hết.

Nghỉ hè mà thằng cu cũng không về đầm ở hẳn với Tiềm. Vợ về ít hôm lại ra với con, đem gà, vịt ra chợ bán. Tiềm nghe vợ nói góp tiền mua nhà gần trường, gần chợ, gần cửa hàng. Vợ còn nói muốn trở lại chợ để buôn bán. Thế cái nhà, cái đầm này thì sao? Tiềm phải lo cho gà vịt nữa. Tiềm cũng không muốn xa cái đầm. Nếu vậy thì phải xa vợ con ư?

Vợ mua nhà thật. Một ngôi nhà nhỏ gần trường học của thằng cu. Tiềm cũng không hiểu sao vợ lại mua được nhà nhanh thế, dễ thế? Thế là thỉnh thoảng một tuần đôi lần cha con vợ chồng mới gặp mặt nhau.

Rồi một đêm. Đang yên lành, mẹ con Mơ đã tắt đèn từ lâu, bỗng nhiên lại có tiếng đập cửa dồn dập, lộn xộn, rậm rịch lên một chốc. Tiềm không tin được là như thế. Mới vừa đây thôi, vợ vào đầm nấu đồ ăn uống rất ngon, vợ chồng lại bên nhau sung sướng. Thế mà đêm nay. Nếu như Tiềm không mất ngủ, không muốn ra với vợ thì Tiềm sẽ chẳng phải thế này. Tiềm thấy mình lú lẫn, uất hận, cuồng điên khi nghe được tiếng rên, tiếng hì hục bên trong như bao lần Tiềm bên vợ. Không thể chịu được, Tiềm đập cửa dồn dập. Mãi cửa mới mở. Đèn sáng lên, vợ còn xộc xệch, bối rối, không nói gì. Từ ngày nào Tiềm yêu vợ lắm. Bị một cú kinh hoàng khó hiểu thế này, sau mấy tiếng đấm cửa rầm rầm, tự nhiên Tiềm không biết phải làm gì nữa, cứ ngồi trơ như đá, rồi im lặng đứng dậy đi ra, thất thểu lê những bước rời rã về đầm cái mịt mờ của mình. Để xong cả đêm ấy Tiềm thành một người khác. Khác lắm. Không thiết tha một thứ gì. Không buồn ăn ngủ. Cô đơn, trống trơ, trống hoác. Như chết. Như kẻ mất vợ mất con. Cái ngày có vợ Tiềm như lột xác, Tiềm thay đổi, khác đi nhiều lắm. Trời ơi, vợ Tiềm đem đến cho Tiềm bao biến đổi. Tiềm sung sướng, thèm sống, rồi bây giờ chỉ thèm chết, không hiểu ra sao nữa.

Thấy vợ về đầm, bỗng lòng Tiềm lại mềm ra. Hình như Tiềm muốn khóc. Tại Tiềm thấy nhớ, tại thấy vợ buồn buồn, mà lại đẹp. Nếu vợ không về nhanh thì Tiềm cũng chết sầu, chết héo.
Nhưng vợ vẫn không chịu về đầm ở hẳn. Vợ nói những điều gì rất rối ren, không như bình thường, Tiềm không nghe ra hết, không hiểu hết, cứ mông lung. Lần này nhìn vợ đi, sao mà Tiềm buồn tê dại, đờ đẫn. Cây cỏ cũng buồn mênh mông. Gà vịt nhao lên.

Hai ba hôm sau Mơ về đầm. Gà vịt nhớn nháo, nhà cửa hoang trơ, tanh bành tro than. Gọi Tiềm mãi nhưng chỉ có điều gì đó rờn rợn càng dội lên trong lòng Mơ thôi. Cho đến khi đầm vịt nổi xác Tiềm thì nỗi hồ nghi, lo sợ, ân hận... hoá ra nỗi tê dại làm cho Mơ chết đau chết cứng.

Mơ về đầm hương khói cho chồng. Những gì của bao năm qua cứ hiện về vòng vèo theo khói hương cô quạnh, u buồn. Xung quanh hoang lạnh, cây cỏ cũng vi vút u ám như hồn người đã khuất theo bám. Mơ suốt ngày lầm rầm khấn vái, quỳ lạy, thành tâm dốc cạn bao nhiêu ẩn khuất, bao nhiêu nỗi lòng, nguyện cầu nó thấu đến cõi siêu linh, xua cô rợn, mong được giảm tội, được thông cảm cho kiếp người ăn ở khó vẹn toàn. Mơ trút những dòng nước mắt, những điều dấu kín. Vẫn thương Tiềm nhiều. Có lẽ vì thế mà Tiềm để cho Mơ được yên ổn giữa chốn hoang linh này.

Trời sắp ngả sang chiều. Hanh heo, lạnh giá. Đang thơ thẩn quanh nhà thì Mơ nghe tiếng bà mẹ:
“Thằng cu có vào đây với mẹ nó không?”
Thôi chết. Thế là có chuyện rồi. Mơ ngẩn người ra.
Hy vọng mong manh của người bà tiêu tan.
“Tan trường hồi lâu mà không thấy nó về. Tao cứ đoán là mẹ mày đón. Nhưng lại nghĩ có đón thì cũng phải nói với bà một câu chứ. Đã khổ chưa!”

Mơ cứ ngồi thẫn thờ, lặng im, buồn xa xăm. Mặc bà mẹ lo cuống cuồng:
“Ô hay, không lo đi tìm con, lại ngồi ngây ra đó. Đến là lạ. Hay là mày bị mất hồn rồi? Quả báo rồi con ơi. Đàn bà không chính chuyên thì chỉ có khổ thôi. Bây giờ thì thấy chưa!”

Nghe những lời ca cẩm, rên khóc Mơ gắt:
“Mẹ có thôi đi không! Muốn tôi cũng xuống đầm luôn hay sao?”
“Tao thương nó hiền lành, thế mà mày...”
“Mẹ muốn cho tôi chết lắm hay sao? Đã rầu nát ruột ra đây. Mẹ đừng có lo gì cho thằng bé nữa... chắc là cha nó...
“Cha nào? Cha nuôi của nó ấy à?...”
“Đã bảo mẹ đừng lo, cứ luẩn quẩn mãi, càng nói càng rầu ruột. Con sẽ đi đem thằng bé về.”

Thằng bé! Nó kháu lắm. Bao nhiêu năm qua bố nó, một tháng đôi bận từ xa đến để mà lo lắng, chăm chút, yêu chiều. Nó là vàng ngọc, là niềm sung sướng hạnh phúc to lớn, nhưng thầm lén, vụng trộm của người ta. Thầm lén đến mức bao năm rồi mà Mơ vẫn không được biết tung tích nguồn cội của cha nó. Càng ngày Mơ mới càng nhận ra người ta rất khéo léo, kín đáo sắp xếp ổn thoả, chu toàn mọi chuyện suốt bao năm qua. Từ ngày đầu săn đón, Mơ đã bị người ta làm cho choáng ngợp, mê muội. Làm sao mà không choáng ngợp mê muội trước một con người hễ bước một bước là sáng láng lên cả! Mà dại gì Mơ lại không dan díu, qua lại với người cao sang đến mức như vậy chứ! Bao năm qua người ta đã thật là tử tế!


Thế nhưng bây giờ người ta đã mang thằng bé đi đâu? Bây giờ thì Mơ không còn ngu dại như năm nào, đã không biết được đứa con là hạnh phúc, là báu vật không gì bằng của người đàn bà. Ngày trước non dại, Mơ đã ngu ngốc vứt trả đứa con đỏ hỏn trước cửa nhà kẻ lừa đảo, bạc tình, để rồi về sau càng ân hận, tiếc xót. Những đứa con! Mơ thèm được ôm chúng nó vào lòng để vuốt ve, thủ thỉ, để nương dựa, bấu víu. Sao người ta vô lương tâm? Sao mà khốn khổ thế này!
Hẳn là bây giờ họ đã đưa thằng bé đi đến nơi xa kín rồi. Người ta giàu sang, có thiếu gì cách để làm cho thằng bé được sung sướng.

Dù là đáy bể mò kim, dù là thế nào đi nữa, cũng phải đi tìm con bằng được.

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast