Thứ cần phải đánh cắp

- Anh khai thật đi. Bằng cách nào anh lấy được những thứ này?

Nhà văn Mai Bửu Minh
Nhà văn Mai Bửu Minh

Tôi cúi đầu không dám nhìn thẳng vào đôi mắt nghiêm khắc của thiếu úy Cấy, đội trưởng đội cảnh sát hình sự của phòng công an huyện. Với tôi, việc ngồi thú tội trước bàn hỏi cung chẳng phải là một chuyện lạ. Mười mấy năm chính thức sống với cái nghề không vốn này, tôi có thừa kinh nghiệm biết nên làm gì để tự cứu mình. Nhưng bây giờ, tôi phải kể lại cách “làm ăn” của mình chuyến rồi, một vụ “làm ăn” có cái gì đó kỳ lạ làm bứt rứt lòng tôi…

***

- Cô ơi! Cho “em” vô nhà không?

- Í… Anh về! Thôi hổng cho vô đâu. Ai biểu, anh nói cuối tuần mới về nhà.

Tôi chết điếng cả người. Tim tôi như một hòn xúc xắc đang nhào lộn trong chén trên tay một người thầu cái canh bạc về khuya, nó cứ nhảy lung tung lên, mặc cho tôi cố bình tĩnh trấn an: “Mình đã làm cả trăm vố ngoài dự kiến, nguy hiểm hơn lần này nữa mà…”. Tôi cố mở to mắt, vểnh tai lên lắng nghe, dò xét từng phút một mọi tình huống xảy ra trong phòng. Lúc cần để thoát thân, tôi sẽ bất thần xô ngã người nào cản lối và chạy đi. Trời đêm nay không trăng, lại ít sao, thị trấn tuy nhỏ nhưng vẫn chằng chịt những con hẻm cong queo rất thuận lợi cho tôi hành nghề.

Đôi bàn chân trăng trắng trong cái quần đen thòng xuống thành giường đưa qua, đưa lại rà tìm đôi dép xỏ vào, di chuyển đến cánh cửa. Tiếng chốt cửa kéo lại, cánh cửa mở ra. Anh đèn nê-ông như bị nhốt lâu trong căn phòng ngột ngạt vội chạy ào ra cửa để tìm không khí thoáng và đã va vào một người đang đứng bên cạnh một chiếc xe đạp. Nhìn cái quần bảo hộ lao động màu xanh trước mắt, tôi biết ngay đó là anh chồng cô giáo.

Chiếc xe đạp được dựng vào bên cửa. Một thoáng im lặng trôi qua. Có lẽ họ đang hôn nhau. Cái giường tre ọp ẹp đã hạn chế tầm nhìn nên tôi chỉ thấy tới hai vạt áo của họ. Dù tính tôi rất tò mò, nhưng thật ra lúc này tôi chẳng còn bụng dạ nào để ý đến cảnh âu yếm của họ. Tôi chú ý đến chiếc xe đạp và dự tính một phương án bổ sung cho kế hoạch hành động đêm nay. Một chuyến làm ăn lẻ, không có tổ chức cho đồng bọn canh gác.

- Em và con có khỏe không? Anh cứ nhớ tới mà lo…

- Khỏe mà… Hôm nay con mình ngoan lắm, không hề nhõng nhẽo đòi về nữa, nhờ vậy em mới không bỏ lớp.

- Em ráng giữ gìn, anh ở xa chẳng tiếp được gì…Nhớ là đừng có thức đêm, đừng ăn uống tiện tặn quá… Ráng dạy hết tháng này thôi rồi xin nghỉ…

Cả hai bước vào phòng và ngồi lên giường làm loạt bụi rơi xuống, tôi buộc lòng phải nhắm mắt lại…

- Anh đi tắm đi, em mua trứng về chiên cho anh ăn…

- Thôi đi em! Tối rồi, nếu còn muối tiêu, bột ngọt em trộn cho anh một tí, chút anh ăn thêm chén cơm. Anh đã ăn chiều ở cơ quan rồi. Hôm nay anh Rạng bị bệnh, anh phải cày thêm ca… Hơn năm giờ ngồi trên máy cày bị dằn lắc, bụi mù…mệt quá chỉ thèm ngủ. Bạc đạn bánh lái dàn cày bị hư, anh tranh thủ về mua, mai trở vô nông trường lo cày tiếp, sắp mưa đến nơi rồi…

Tiếng thay quần áo, tiếng nắp thùng gỗ được mở ra, đóng lại, tiếng dép lê ra cửa… Người chồng đi tắm. Chợt có cái gì rớt xuống phát ra âm thanh lộp bộp, tôi căng mắt ra nhìn. Một bàn tay thon thon thòng xuống nhặt lấy cái bóp căng phồng và nhiều tờ giấy bạc rơi bên cạnh…Lúc sau, bàn tay ấy lại thòng xuống quơ tìm cái thau, kéo ra, rồi đẩy vào. Trong thau đã có thêm bộ đồ bảo hộ lao động nồng nặc mùi mồ hôi chu chua, mùi dầu mỡ lẫn bụi đất hăng hắc. Thật bực mình, chỗ nằm đã chật hẹp tối tăm, ẩm thấp…lại thêm cái mùi của bộ đồ quái ác đưa sát tận mặt, chắc tôi phải ngộp thở vì bị “ngộ độc mùi” quá. Thế vẫn chưa yên, lũ muỗi ác ôn cứ bám lấy thân thể tội nghiệp của tôi mà hút máu. Phen này chúng đã trúng mánh, tha hồ liên hoan một chầu thỏa thuê. Chẳng bù lần tôi ém gọn dưới gầm giường anh chàng trưởng phòng vật tư của huyện. Cảm giác mát lạnh dưới lưng bởi cái sàn lát gạch bông được che bởi cái giường hộp rộng rãi còn thơm mùi gỗ mới và mùi sơn vecni, chả có tí nào mùi dầu mỡ mặc dù anh ta làm nghề vật tư với bao kho xăng dầu. Đến lúc mở cửa đi ra, tôi mượn tạm cái cát sét đem đi “mãi” sống được một tuần thì sạch túi.

Ôi, bộ đồ bảo hộ lao động chẳng đáng làm giẻ lau nhà này gợi cho tôi nhớ lại thau đồ của vợ anh chàng phó chủ nhiệm Công ty xuất nhập khẩu của huyện. Sao đồ dơ mà nó thơm sực mùi nước hoa thượng hảo hạng. Nhớ lại mà thầm mong tổ sư tha thứ cho môn đệ chôm chỉa. Tuy trong thau đồ có lẫn đồ lót của phụ nữ vừa thay ra nhưng tôi vẫn thấy tiếc và không bỏ sót cái nào. Dù sao cũng là đồ xịn, có giá…

Người vợ nhẹ nàng nâng một mảnh ván dính bên tường và lấy một thanh gỗ nhỏ, dài chống vào…Ai dà,- đã là một cái bàn nhỏ, gọn gàng. Tiếng chén đũa khua nhè nhẹ, tiếng hát khe khẽ của người vợ với một bản tình ca của nhạc sĩ nào đó…

Anh chồng tắm xong đã vào ngồi ngay lên giường và ăn vội vàng chén cơm. Chốc chốc họ lại cười vang xen lẫn những câu chuyện vui về học trò do cô vợ kể. Tôi chợt nhớ lại mùi thịt khìa thơm phức, mùi thuốc ba số năm ở nhà ông chủ nhiệm công ty thương nghiệp huyện, tiếng bật nắp bia, tiếng đập nước đá, tiếng mỡ reo xèo xèo hòa với tiếng cười hể hả được tuôn ra theo những đường thanh quản chật hẹp ứ nhiều nọng mỡ. Những lời bàn tán chửi kẻ nào đó tranh giành xe Cup trong đợt phân phối giá nội bộ đợt rồi…Khốn nạn cho cái nghề của tôi, trong lần đó, tôi có xách một cái va li đựng đầy quần áo vải nhập cùng hơn nửa bao bột ngọt chớ có rớ tới chiếc xe Cup của ông hồi nào. Vậy mà, sau đó, ông tri hô mất trộm đủ thứ kể cả chiếc xe Cup… Mà quả thật, chẳng ai thấy ông ấy chạy chiếc xe Cup nữa, chỉ thấy ông lại cưỡi chiếc Honda 67 từ lâu dựng trong xó bếp. Nhưng, tôi đâu có lấy. Báo hại trong giới “anh chị” một phen mừng hụt cho tôi, họ tiếc, nếu không đã được tôi khao cho một chầu li bì rồi…

Gần hai tuần sau, có lệnh thu hồi những chiếc xe Cup đã phân phối giá nội bộ đó, tôi mới vở lẽ ra và thầm phục tay chủ nhiệm này, y đáng là SƯ TỔ của tôi…

Người vợ dọn dẹp xong vội ngả lưng xuống giường nằm bên chồng nhỏ giọng thì thào:

- Đêm nay anh về đây rồi ai dạy bổ túc cho anh em?

- Ban lãnh đạo đã bổ sung người thay anh đứng lớp từ đầu vụ cày… Cũng phải chia chữ cho anh em công nhân mà…

- Anh… Anh à. Anh mới lãnh lương phải không?

- Đâu có… À… tiền cơ quan ứng để mua bạc đạn… Bộ mình hết tiền rồi hả em?

-Còn ít thôi…Nhưng em…nhưng em muốn mua thêm vải để may đồ cho con. Ít hôm nghỉ dạy, em may, để khi sinh xong, lu bu chăm sóc con, không may được…Mà không có thì từ từ vậy .

Họ im lặng phút giây như đang moi óc tìm cách chạy tiền. Chà, làm như thiếu hụt dữ. Vợ là giáo viên cấp ba, chồng là kỹ sư, trưởng phó phòng gì đó ở nông trường mà không có tiền à? Tôi thừa biết sự giàu có của đa số “khách hàng” đặc biệt của mình là những cán bộ có chức, có quyền mà… Tiếng quạt giấy phành phạch, tiếng chiếc honda nào đó hụ ở góc đường, tiếng người chồng thì thầm:

- Ờ… để mai anh vô cơ quan ứng thêm hai tháng nữa, sau sẽ tính… Ai chà, con mau lớn thật… đạp ba nữa hả… muốn hất tay ba ra à… hư chưa, ba cưng mà… chiều mốt ba mang tiền về mà…

- Thôi, nếu anh ứng được, cuối tuần hãy về cũng không sao mà. Ba chục cây số chớ gần đâu mà cứ đạp xe đi đi về về cho mệt. Ờ, cho anh xem nè. Vải anh mua hôm trước, em đã cắt tã cho con rồi, mới nhìn tưởng vải nhập không hà…

Tiếng người vợ ngồi dậy mở nắp thùng gỗ. Cái giường lại rung rinh rớt bụi, tiếng cười sảng khoái của người chồng. Tiếng thùng gỗ đậy lại, tiếng cái gì đó đặt lên nắp thùng và tiếng động họ nằm xuống. Hai người cứ nói chuyện huyên thuyên chẳng chịu ngủ sớm cho tôi nhờ. Ờ, may mà bụng cô vợ đã to còn anh chồng thì lái máy cày suốt ngày đạp xe về đây ba chục cây số đã hết xí quách, nếu không họ “mần ăn” chắc tôi hết đầu thai(!). Chốc sau, người chồng bước xuống giường. Có tiếng diêm quẹt xì thuốc và bàn tay cầm hai cây nhanh quơ qua, quơ lại dưới gầm suýt chạm phải tôi, khiến tôi muốn đứng tim. Tôi thầm chuẩn bị tẩu thoát. Hai cây nhang đã được cắm vô ở chân giường

- Em nhớ đốt nhang muỗi mỗi khi soạn bài đừng để sốt rét. Anh ngủ trước nha…Ơ, cái này sao em để đây phải cất kỹ trong hộp, lỡ có ai thấy được…

- Em mới lấy ra xem thì anh về tới. Em cũng biết giữ gìn nó để mai này cho con mình mà…Chắc lớn lên, con mình sẽ vô cùng hạnh phúc đón nhận món quà này…

Người chồng giăng mùng và nằm xuống, người vợ có lẽ soạn bài gì đó vẫn còn ngồi bên bàn. Đến lúc này tôi mới hiểu công dụng của hai keo chao để dưới hai cái chân giường. Lúc nãy thấy chân nhang cặm trong keo chao không, tôi cứ thắc mắc không hiểu hai vợ chồng này theo cái đạo quỷ quái gì mà thờ cúng dưới gầm giường. Thì ra… Tôi chưa kịp suy nghĩ nhiều về tình yêu của người chồng khi chăm sóc vợ, thì chính hai cây nhang quái ác đó đã làm tôi khổ sở vì thứ khói có tẩm thuốc trị muỗi đó. Khói nhang cứ vấn vương dưới gầm giường làm tôi muốn gạt thở. Tôi nhẹ nhàng thò tay dụi tắt bớt một cây. Chút sau, khi tiếng ngáy đều đều của người chồng vang lên thì có tiếng sách gấp lại, chất lên kệ. Người vợ rón rén dẫn chiếc xe đạp vô phòng rồi gài cửa. Tôi cảm thấy đêm nay cái máy đèn của huyện quá siêng năng, hình như nó muốn thức khuya hơn mọi bữa để thách thức lòng kiên nhẫn của tôi. Rồi đến lúc đèn cũng tắt. Căn phòng tối om. Bên tiếng ngáy nặng nề của người chồng, thỉnh thoảng có tiếng động khẽ khi người vợ trở mình. Không gian yên ắng trôi chầm chậm. Đêm sao mà thật dài.Một vài tiếng chó tru từ xa, dăm ba tiếng chó sủa rơi rớt.Tiếng ngáy nặng nề của người chồng như vang rõ hơn, tiếng thở nhẹ nhàng của người vợ hòa theo như một bản song ca có bè. Tôi cũng chưa vội gì. Muốn chắc ăn tôi hình dung lại toàn bộ vị trí đồ vật trong phòng mà mình đã khéo léo quan sát được từ trưa bằng nghiệp vụ chuyên môn

***

- Cô…cho tôi xin tí lửa,

- Anh cứ tự nhiên.

Tôi chỉ chờ có vậy để vội bước đến bực thềm nhà, tiến tới bếp lửa chênh chếch phía trước cửa phòng và ngồi xuống, tay cầm thanh củi đang cháy dở đưa lên ngang mặt. Đôi mắt nghề nghiệp của tôi đảo qua, đảo lại quan sát căn phòng. Cô giáo vẫn luôn tay nhặt rau chẳng cần chú ý đến tôi.

Trước mắt tôi, qua cánh cửa duy nhất của căn phòng có bề ngang chừng chưa tới hai mét là bức tường dán kín giấy báo, cách cửa phòng chừng hơn ba mét. Trên vách là hai cái kệ bằng tre, chất đầy sách. Tôi bắt chuyện với cô giáo:

- Thầy đâu, ít khi thấy vậy cô?

- Anh…Anh ấy ở nông trường.

Thuốc tắt, đúng như tính toán của tôi, tôi lại mồi tiếp để kéo dài thời gian cho đôi mắt làm việc.

Dưới hai kệ sách là một thùng gỗ khá to kê trên một cái ghế. Một cây đàn ghi-ta cũ kỹ treo bên cạnh. Dưới sàn gạch tàu, ở trong góc là một cái giỏ bàng to. Hai vách bên cũng được dán giấy báo và có hai cái kệ dài. Một bên xếp hàng chai lọ, một bên có đặt một cái đồng hồ quả quít, một cái radio loại bỏ túi, một cái hộp thiếc,loại hộp đựng bánh đắt tiền. Vài khung hình chụp hai vợ chồng ngày cưới. Cái giường loại một mét hai đã choáng hết chỗ, không thể đi ra vô cùng một lúc hai người.

Bây giờ, nằm đây chờ đợi, tôi nhớ tới cái hộp thiếc và lời lẽ đối đáp của hai vợ chồng về món quà quý giá mà họ dành cho đứa con lúc nó còn nằm trong bụng mẹ… Phải chăng đồ nữ trang ngày cưới? Tôi dặn lòng đừng quên cái hộp… Càng về khuya, tôi càng buồn ngủ nhưng chỉ có thánh họa may mới dám. Nghiệt nỗi, nằm trong vị trí này có lẽ tôi còn khổ hơn Tôn Ngộ Không nằm dưới Ngũ Hành Sơn. Lũ muỗi cứ luôn âu yếm cái thân đẫm mồ hôi của tôi vì căn phòng bít bùng này. Tôi có cảm tưởng đây là cái lò hấp bánh mì hay mình sắp bị đưa lên giàn hỏa…

Tiếng gáy lạc loài của chú gà trống nào đó vang lên trong đêm. Tiếng ngáy của hai vợ chồng say hơn. Tiếng muỗi bay vo ve bên tai làm tôi khó chịu hơn là bị nó cắn.Tôi thấy đã tới lúc hành động. Để kiểm tra trước khi bắt đầu, tôi gây tiếng động khẽ bằng cách đẩy ngã keo chao cắm nhang và lắng nghe. Tiếng ngáy của hai vợ chồng vẫn vang lên đều đều.

Nhẹ nhàng chui ra khỏi gầm giường như một con lươn, tôi từ từ kéo chốt mở cửa ra. Tôi cảm thấy mát lạnh bởi không khí thoáng bên ngoài. Tôi nhấc chiếc xe đạp hỏng lên, bước từng bước êm ái ra khỏi phòng. Tôi trở vào nhắc cái giỏ bàng lên, thọc tay vào: Gạo! Cần gì thứ này? Tôi nghiêng giỏ trút gạo ra sàn gạch. Ngay sau đó tôi với tay lấy chiếc hộp thiếc, radio, đồng hồ và mấy bộ đồ móc trên vách để dồn vô giỏ. Khi tôi từ từ mở nắp thùng gỗ, có tiếng vật gì trượt dài và rớt nghe cái bộp. Chết, cái quạt xếp đặt trên nắp thùng, tối quá tôi sơ ý. Tôi đứng bất động, nín thở nghe rõ tiếng tim mình đập khi người vợ trở mình. Hình như người vợ cất đầu lên nghe ngóng. Đôi môi tôi nhếch lên, nhăn răng và dùng lưỡi rít lên nhẹ tạo âm thanh chí chóe như tiếng lũ chuột cắn nhau. Tôi nghe tiếng thở dài của người vợ… Tôi đứng im khá lâu chờ đến lúc tin rằng cô giáo đã ngủ say mới tiếp tục lấy sạch những gì có trong thùng gỗ…

***

- Thôi đủ rồi! Anh biết cái gì chứa trong hộp thiếc đó không?

Thiếu úy Cấy cắt ngang lời kể của tôi, giọng bực dọc.

- Dạ…dạ em chưa kịp xem thì gặp các anh…

- Nè! Lấy đi! Một quyển sổ, vậy duy nhất có trong hộp thiếc mà hai vợ chồng cô giáo giữ gìn. Anh đọc thử xem. Có thể nó còn quý hơn thứ mà anh nghĩ…

Tôi nhận quyển sổ, mở ra đọc chiếu lệ vì không dại gì có thái độ cãi lại mấy tay công an để họ quạu, chớ hứng thú gì…

Trang đầu quyển sổ nổi lên mấy chữ: “NHẬT KÝ: MAI BỬU HOÀNG HƯNG” phía dưới có dòng chữ để trong ngoặc đơn (nếu là gái con sẽ mang tên “HẠ NGUYÊN”) Lật tiếp, tôi nhẩm đọc:

… “Ba mẹ hồi hộp từng ngày qua để chờ đợi một câu trả lời. Khoa sản bệnh viện huyện đã xác định con hơn một tháng tuổi. Hạnh phúc vô biên. Từ nay cuộc sống của ba mẹ còn có thêm mục đích sống cho con. Sống sao chẳng có gì làm con xấu hổ.

Ba mẹ thay nhau ghi giùm cho con khoảng mười lăm năm. Lúc đó, ba mẹ sẽ trao cho con ghi tiếp tục. Cuộc sống bây giờ còn nhiều khó khăn, vất vả, ba mẹ phải luôn tính toán chi li từng miếng ăn, còn phải lo vay mượn mỗi khi gặp bệnh hoạn, nhưng bằng tất cả khả năng của mình, ba mẹ sẽ cố gắng giúp con chào đời, lớn lên trong điều kiện tương đối tốt. Gia đình mình còn nghèo lắm con à. Ba mẹ chỉ biết tạo cho con, gìn giữ cho con quyển sổ như thế này để mai sau con biết rõ tuổi thơ của mình. Có lẽ, đó là gia tài mà ba mẹ có thể tạo được…”

Tôi ngẩng đầu lên, bắt gặp ánh mắt của thiếu úy Cấy, giận dữ mà như đang long lanh ngấn nước.

- Đủ chưa? Anh còn muốn lấy cắp cái gì của vợ chồng này nữa. Người ta sống như vậy đó. Còn anh? Hay anh cứ mãi sống với cái nghề không vốn này để mai sau dạy con cháu: “Con ơi! Giữ lấy cái nghề cha, một đêm ăn trộm bằng ba năm làm”…

- Dạ… Em không dám!

- Im! Anh đừng khua môi múa mỏ ở đây. Hạng người như anh có mà đem bắn bỏ cho sạch sẽ xã hội…

Thiếu úy Cấy lặng lẽ đi ra bên cửa sổ, rút thuốc hút như để dằn cơn nóng giận. Chốc, anh quay vào và dịu giọng:

- Suốt hai ngày qua cô ấy đã phải nghỉ dạy vì chẳng còn bộ đồ nào lên lớp. Thiệt thòi cho ai? Hơn hai trăm học sinh phổ thông, hằng trăm học sinh bổ túc, trong đó có tôi…Còn anh ấy phải đi gõ cửa bạn bè để mượn tiền mua bạc đạn rồi lội bộ gần ba mươi cây số về tới nông trường với bộ đồ duy nhất còn lại vì nhờ anh chê đó. Anh sung sướng với “thành tích” này lắm hả? Hồ sơ lập án của anh đã đủ rồi, về trại tạm giam chờ xét xử…

Tôi lặng lẽ theo người công an trẻ tuổi về phòng giam. Cánh cửa khép lại, tiếng khóa lách cách, tiếng bước chân đi xa. Tôi cảm thấy mệt mỏi, đầu óc nhức nhối. Bài lên lớp của anh công an nào cũng dài dòng và chán phèo. Có thằng ăn trộm nào tự cho là nghề của mình cao quý đâu mà dạy đời…

Tiếng mở khóa lách cách. Một thau cơm, một tô canh và vài con khô nướng đặt trên cái mâm móp méo được đưa vô cửa phòng. Tôi nhận lấy và chợt nhớ tới bữa cơm với muối tiêu của anh chồng cô giáo…Đêm về trong căn phòng giam thênh thang lạnh lẽo,tôi nhớ tới căn nhà chật chội, nực nội mà mình đã khổ công ém trong đó mấy tiếng đồng hồ chờ giờ hành động. Và, tôi nhớ lần lượt hàng tá bồ của mình. Đứa nào cũng đẹp, đều môi son, má phấn và cũng đã từng gắp mồi, rót rượu nâng ly đưa tận môi tôi mỗi khi tôi trúng mánh. Họ vây quanh và không ngớt ngợi ca tôi như một người hùng. Nhưng đến giờ phút này có còn cô nào đến với tôi đâu. Ôi, đời mà… Chán phèo… Tôi bỗng thấy thèm được như chồng cô giáo, thèm được ăn cơm nguội với muối tiêu chứa đầy tình nghĩa mặn nồng của người vợ. Tôi thèm được là người chồng biết lo toan cho vợ con thay vì đã từng ném cả xấp tiền vào những cuộc ăn chơi,trách táng.Nhớ đến quyển nhật ký của đứa bé…Tôi thèm được là người cha chờ đón niềm vui về một đứa con sắp chào đời, thay vì đã tìm mọi cách tống khứ cho các cô gái dại dột biết bao tiền bạc để phá thai, đừng để vướng bận tôi. Tôi không tưởng nổi cái hạnh phúc của một đứa con được biết cả tuổi thơ của mình qua trang nhật ký. Trời ơi! Sao tự dưng tôi lại nghĩ vẩn vơ, tự dằn vặt tâm hồn mình thế này? Giác ngộ à? Lương tâm cắn rứt… Nhưng, tự dưng tại sao tôi thấy ghê tởm cuộc đời mình… Ngay cả tên cha của tôi mà tôi còn không biết. Mẹ của tôi chỉ tồn tại trong ký ức nghèo nàn này một khuôn mặt ghê gớm sau một vụ đánh ghen bằng a xit và bà tự tử trong tủi nhục. Tôi đã lớn lên trong đám bụi đời và đàng hoàng ăn ngon, mặc đẹp bằng cái nghề không vốn này. Tôi tự biện hộ cho mình. Đời là một sự đánh cắp không ngừng, mọi người cũng đều là những tên trộm…chỉ khác nhau ở chỗ họ biết khoác lên mình chiếc áo đạo đức để có quyền lớn tiếng dạy người khác. An cắp của cải, tiền tài, danh vọng và lòng tin cũng đều là ăn cắp…Tôi tự biện hộ như thế mà coi cuộc đời trộm cắp của mình anh hùng lắm(!).

Đã quen với kiếp sống giang hồ, sau ngày thống nhất đất nước, đồng bọn của tôi có đứa nằm ở trại cải tạo nghe đâu muốn phục thiện, làm lại cuộc đời. Có đứa cũng tung hoành như tôi vào ra các trại giam như vào ra căn nhà của mình nhờ sự nhân đạo của mọi người. Tôi chưa hề nghĩ rằng có ngày mình phải nhìn lại cuộc đời mình bằng ánh mắt khác. Vậy mà…

Ôi, sao tôi bỗng thèm được là một phần, một phần nhỏ thôi cuộc đời của những người lương thiện, sống bằng sức lực và việc làm mà khi kể cho con cháu mình nghe, chúng không phải xấu hổ. Tôi đã làm bao nhiêu người đau khổ? Cuộc đời của họ nhọc nhằn, hạnh phúc của họ nhỏ bé nhưng thật là THỨ CẦN PHẢI ĐÁNH CẮP…

Nguồn: nhavantphcm

Truyện ngắn của Mai Bửu Minh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast