Nền huyện đường Can Lộc - nơi ghi dấu những ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 của Nhân dân Trảo Nha (nay là khối phố Bắc Sơn - Thị trấn Nghèn)
Trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền 75 năm trước, Hà Tĩnh là một trong những địa phương nổi dậy mạnh mẽ nhất, giành được chính quyền sớm nhất. Ban đầu là ở Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên rồi khắp các huyện Kỳ Anh, Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ… Ngày nay, nhiều dấu tích lịch sử của ông cha một thời vẫn còn lưu lại như một sự nhắc nhớ các thế hệ về lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc.
Theo dòng lịch sử, tôi đến bia dẫn tích huyện đường Can Lộc. Mặc dù chỉ còn lại một nền đất và một tấm bia nói về những ngày Xô viết Nghệ Tĩnh diễn ra ở đây nhưng những người dân quanh vùng vẫn thường kể cho nhau nghe về không khí những ngày Tổng khởi nghĩa, xem đó là động lực để nỗ lực dựng xây đời sống mới.
Sáng ngày 16/8/1945, ban lãnh đạo Việt Minh huyện Can Lộc mở hội nghị cán bộ toàn huyện tại xã Ốc Khê (thuộc Đồng Lộc, Thượng Lộc, Trung Lộc ngày nay) để truyền đạt chủ trương, bàn bạc kế hoạch khởi nghĩa. Ngay sau đó, chiều ngày 16/8/1945, gần 20 thanh niên trong tổ chức Thanh niên cứu quốc đã xông vào huyện đường, treo cờ đỏ sao vàng, buộc tri huyện Đặng Doãn phải giao nộp ấn tín.
Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay hiên ngang trên nóc huyện đường đã khẳng định sự sụp đổ của chính quyền phong kiến tay sai và quyền làm chủ của Nhân dân huyện Can Lộc. Sau khi treo cờ tại huyện đường, nhóm thanh niên tiếp tục kéo lên đồn binh Nghèn để tước vũ khí của lính bảo an. Sau đó, lá cờ đỏ sao vàng lần thứ 2 tiếp tục được kéo lên tại cột cờ đồn binh Nghèn.
Một góc khối phố Bắc Sơn ngày nay
Làng Trảo Nha xưa giờ đã đổi thay rất nhiều. Những tuyến đường năm xưa cha ông đi khởi nghĩa giờ đã bê tông hóa khang trang, đời sống người dân nơi đây cũng ngày càng được nâng lên. Tôi đứng trên nền huyện đường cũ, mường tượng về những ngày đấu tranh sục sôi ấy, mường tượng về những gương mặt người dân lúc nổi dậy, về lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trong ráng chiều, trong lòng cũng rưng rưng niềm tự hào.
Ông Ngô Đức Danh - Tổ trưởng tổ dân phố 7 - Bắc Sơn (thị trấn Nghèn) cho biết: “Can Lộc là địa phương giành chính quyền sớm nhất trong toàn tỉnh vào ngày 16/8/1945, mặc dù không sinh ra trong thời kỳ ấy nhưng những câu chuyện của ông cha đã khắc sâu vào tâm trí chúng tôi về những năm tháng hào hùng ấy. Là thế hệ sau, chúng tôi luôn tự hào về chứng tích trên địa bàn, luôn lấy đó làm động lực để phấu đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Trong những ngày cách mạng dậy sóng ấy, đền Ngọc Mỹ (xã Phù Lưu - Lộc Hà) - nơi thờ danh nhân Đặng Tất cũng đã trở thành chứng tích cho phong trào đấu tranh của Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong chuyến thăm lại địa chỉ đỏ này, tôi đã may mắn gặp được ông Đặng Quang Anh (SN 1924) ở thôn Thanh Ngọc (xã Phù Lưu) là người đã trực tiếp tham gia khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.
Đền Ngọc Mỹ - nơi Nhân dân xã Phù Lưu (Lộc Hà) nổi dậy giành chính quyền tháng Tám năm 1945
Mặc dù năm nay đã gần 100 tuổi nhưng ông Đặng Quang Anh còn rất mẫn tiệp. Ông kể, năm 1945, ông được kết nạp Đảng tại Chi bộ Phù Lưu và bắt đầu hoạt động cách mạng một cách mạnh mẽ. Phù Lưu là nơi hình thành Tổng bộ Việt Minh sớm nhất.
Đền Ngọc Mỹ được chọn làm nơi hoạt động, phát tài liệu, lập ban kinh tài, xây dựng lực lượng chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang khi thời cơ đến. Ông cùng với các đảng viên đã miệt mài vận động bần cố nông may cờ chuẩn bị biểu tình, vận động Nhân dân đấu tranh nhằm chuẩn bị lực lượng Tổng khởi nghĩa”.
Ngày 15/8/1945, tại đền Ngọc Mỹ, cán bộ Việt Minh đã treo cờ Tổ quốc, tổ chức mít tinh thị uy, kêu gọi Nhân dân tổng Phù Lưu nổi dậy giành chính quyền. Ngày 16/8/1945, Nhân dân cả tổng biểu dương lực lượng, Mặt trận Việt Minh tuyên bố thành lập chính quyền dân chủ nhân dân. Đền Ngọc Mỹ trở thành trụ sở hành chính của chính quyền cách mạng lâm thời, là địa điểm làm việc của các tổ chức như Nông hội cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc…
Ông Đặng Quang Anh sau đó được đưa vào đoàn cán bộ “vết dầu loang” của huyện. Chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1946, ông đã cùng đoàn cán bộ đến từng nhà tuyên truyền, vận động Nhân dân quyên góp hũ gạo nuôi quân, mua đảm phụ quốc phòng, mua công phiếu kháng chiến, công trái quốc gia… Sau đó, ông nhập ngũ rồi tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở nhiều mặt trận.
Ông Đặng Quang Anh hào hứng kể lại những ngày đấu tranh giành chính quyền tháng Tám năm 1945.
Ông Quang Anh chia sẻ: “Có rất nhiều ký ức đáng nhớ trong đời quân ngũ nhưng những năm tháng đầu tiên làm cách mạng, tham gia nổi dậy giành chính quyền vẫn là kỷ niệm đáng nhớ nhất, thiêng liêng nhất đối với tôi. Giờ đây, tuổi cao sức yếu, tôi không còn thường xuyên ra đền Ngọc Mỹ, ra cầu Trù nữa nhưng thỉnh thoảng, trong những hồi ức của tôi vẫn dậy lên tiếng trống, tiếng đoàn người hô vang khẩu hiệu: “Hoan nghênh phái bộ đồng minh, Việt Nam độc lập muôn năm”; vẫn vẹn nguyên hình ảnh những lá cờ tung bay kiêu hãnh trên nóc đền Ngọc Mỹ, trên những tuyến đường sục sôi khí thế đấu tranh”.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, đền Ngọc Mỹ là địa điểm mở các lớp học bình dân học vụ, cứu tế và cải cách ruộng đất trong cuộc chiến chống giặc đói, giặc dốt và chi viện cho mặt trận; là nơi chính quyền cách mạng cổ động phong trào thi đua yêu nước đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến chống Pháp thắng lợi.
Ông Đặng Ngọc Danh - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Thanh Ngọc cho biết: “Đền Ngọc Mỹ ngày nay là địa chỉ tâm linh của người dân thôn Thanh Ngọc và Nhân dân xã Phù Lưu. Với họ, đây không chỉ là nơi thờ cúng danh nhân Đặng Tất mà còn là nơi ghi dấu tinh thần đấu tranh cách mạng quật cường, bền bỉ của cha ông. Trong nhiều hoạt động chung của thôn, chúng tôi luôn nhắc đến địa danh đền Ngọc Mỹ để giáo dục các thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng”.
Ngày nay, Can Lộc, Lộc Hà và nhiều vùng quê cách mạng khác đã mang diện mạo mới, nhiều chứng tích một thời đã không còn nguyên vẹn nữa. Dẫu vậy, vẫn còn đó trong ký ức cán bộ tiền khởi nghĩa, vẫn còn đó trong những câu chuyện kể của Nhân dân một mùa thu lịch sử hào hùng…