Thác Tiên (Khe Táy) ở Hương Khê đã tạo ấn tượng đẹp với du khách trong và ngoài tỉnh.
Mùa hè năm 2023, thác Tiên (Khe Táy) trở thành một từ khóa khá “nóng” trên các kênh thông tin đại chúng và mạng xã hội. Hình ảnh thác nước hùng vỹ và những món ăn truyền thống của người dân bản Phú Lâm (xã Phú Gia) đã tạo ấn tượng đẹp với du khách trong và ngoài tỉnh.
Ông Lê Văn Hòe - Trưởng bản Phú Lâm chia sẻ: “Chúng tôi được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh đẹp nguyên sơ, là những điểm du lịch lý tưởng cho người thích khám phá. Cùng đó, thôn có nhiều loại cây, con như: cam, ổi, chuối rừng sấy khô, hoa chuối rừng, măng tươi, măng khô, chè dây, gà đồi, lợn rừng, cá suối… được nhiều người ưa chuộng. Với khát vọng làm du lịch, khi có chủ trương từ các cấp, chúng tôi đồng tình, sôi nổi ra quân chỉnh trang khuôn viên vườn, chuồng trại chăn nuôi, đổi mới cách thức sản xuất, sẵn sàng hợp tác xây dựng mô hình điểm du lịch. Riêng gia đình tôi vừa hoàn thiện ngôi nhà sàn nhằm phục vụ du khách. Nhiều người dân trong thôn cũng bắt đầu hình thành các mô hình kinh tế như: nuôi vịt trời, lợn rừng, dúi phục vụ nhu cầu ẩm thực. Nhiều hộ cũng đã quy hoạch các khu vực trồng rau, trong đó có cả rau rừng như rau tàu bay, rau dún...”
Gia đình ông Hòe xây dựng nhà sàn nhằm phục vụ khách du lịch.
Cùng với bản Phú Lâm, Hương Khê có nhiều địa danh, cảnh đẹp có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Lửa Việt Tours (TP Hồ Chí Minh), Hương Khê có thác Vũ Môn và thác Tiên thuộc top “ngũ danh thác Việt”.
Cùng với đó là quần thể di tích đền Công Đồng - thành Sơn Phòng Hàm Nghi - miếu Trầm Lâm (xã Phú Gia); di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Sở Chỉ huy tiền phương Tổng cục Hậu cần Đoàn 559, 500 (xã Hương Đô); di tích Rôộc Cồn (xã Phú Phong); Chứng tích chiến tranh Trường Cấp 2 Hương Phúc (xã Hương Trạch)...
Một đoàn khách hơn 40 người từ tỉnh Bắc Giang tham quan, trải nghiệm tại bản Phú Lâm vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua.
Địa phương cũng có đồi chè, rừng cao su, hồ thủy điện và rất nhiều con đường xanh nông thôn mới… Cùng với đó, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc là nét văn hóa hấp dẫn của du khách. Đặc biệt là tiềm năng “tam giác tài nguyên du lịch”: thác nước - báu vật Vua Hàm Nghi - dó trầm.
Từ tiềm năng và văn hóa độc đáo của người bản địa, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hương Khê lần thứ XXX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong những nội dung đột phá là: Khai thác tiềm năng về văn hóa, lịch sử, sinh thái để phát triển dịch vụ, du lịch.
Hương Khê có nhiều địa danh hấp dẫn du khách.
Ông Trần Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện thực hóa nghị quyết, thời gian qua, chính quyền và Nhân dân Hương Khê tập trung nguồn lực để tu sửa, nâng cấp, xây mới những hạng mục các di tích lịch sử, văn hóa, phát triển du lịch tâm linh; xây dựng các điểm đến để du khách tham quan, trải nghiệm như: bảo tàng nông cụ với hơn 500 dụng cụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt cổ xưa được lưu giữ và trưng bày ở xã Hương Bình; làng chế tác các sản phẩm từ gỗ trầm hương ở xã Phúc Trạch; các trang trại bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, vườn cây dó trầm; điểm check-in đồi chè, rừng cao su gắn với trải nghiệm NTM ở xã Hương Trà; điểm đón tiếp khách tham quan bản Phú Lâm, ngắm thác Tiên, xem báu vật Vua Hàm Nghi ở xã Phú Gia... Từ đó dần hình thành các tour, tuyến du lịch tham quan, trải nghiệm đến các địa chỉ đỏ, các di tích lịch sử văn hóa kết hợp du lịch trải nghiệm…
Chuyên gia Ngân hàng Châu Á (ADB) và đại diện Sở VH-TT&DL đến khảo sát tour du lịch tại huyện Hương Khê trong tháng 7 vừa qua.
Huyện Hương Khê cũng tích cực phối hợp với Sở VH-TT&DL mời chuyên gia có năng lực khảo sát, tư vấn, định hướng và kết nối tour, tuyến; thu hút các nhà đầu tư như: Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn Sungroup, Công ty cổ phần Hồng Lam Xuân Thành khảo sát đầu tư.
Đặc biệt, địa phương phối hợp với Công ty Tư vấn du lịch cộng đồng Việt Nam (VIET NAM CBT) khảo sát tất cả các điểm đến trên địa bàn huyện và tiếp tục phối hợp để xây dựng đề án phát triển du lịch huyện. Được biết, riêng bản Phú Lâm được lựa chọn là 1 trong 3 mô hình thí điểm về du lịch cộng đồng của tỉnh Hà Tĩnh.
Lãnh đạo huyện Hương Khê thường xuyên khảo sát để xây dựng chiến lược phát triển du lịch trên địa bàn. Ảnh chụp vào tháng 4/2023.
Ông Nguyễn Trung Thương, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hương Khê cho hay, địa phương xác định quan điểm du lịch cộng đồng phải chú trọng sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; có áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Địa phương đang tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ du lịch, cách chế biến các món ăn; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm ở các địa phương khác. Đồng thời, hỗ trợ, định hướng cho một số hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú (homestay) phục vụ khách du lịch; đầu tư đồng bộ các vật dụng theo hướng lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Thời gian tới, địa phương sẽ hỗ trợ các hộ dân mở rộng quy mô thu hoạch, xây dựng các sản phẩm đặc trưng để phục vụ khách du lịch. Cùng với đó, hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao… ở những địa phương có tiềm năng. Phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống. Tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch với các địa phương khác và với các doanh nghiệp lữ hành…