Về phía ánh đèn

(Baohatinh.vn) - Hắn thu gọn đôi bàn chân cáu đen trên chiếc ghế nhựa lem nhem dầu mỡ. Mái tóc húi trọc để lại một chỏm hoe vàng trên đỉnh đầu làm cho khuôn mặt hắn bầm dầm như quả táo tàu úng nước. Hắn gọi một chiếc bánh mì thịt, một chai nước có ga.

Chị chủ quán thoăn thoắt xẻ đôi bánh, nhét vào ruột vài cọng ngò, dăm miếng giò thái mỏng và thứ nước sốt sền sệt. Chủ quán cười xả lả, đưa chiếc bánh mì nóng giòn, ngậy mùi cho hắn:

- Ưu tiên lắm đấy nhé, người khác không được như thế đâu. À, mà chú em bị đuổi học thật đấy à?

Hắn nhai nhộm nhoạm:

- Đây đang chán phè ra, rõ là bối rối!

Hắn lôi chiếc điện thoại, mắt liếc nhanh giờ rồi lẩm nhẩm tính. Chết mẹ, còn 5 phút nữa, giờ Giáo dục công dân hắn không thể không vào. Hắn tì bút trên bắp chân viết bản tự kiểm điểm. Nét chữ hắn đều tăm tắp, thậm chí, nét thanh đậm hắn viết rất chuẩn, điều đó chứng tỏ rằng, những năm tháng đầu cấp, hắn đã được rèn một cách bài bản. Hắn chìa tờ giấy nhoắng một cái đã viết xong cho chị chủ quán:

- U ký hộ cho thằng em cái!

Chị chủ quán cười, đón lấy tờ giấy ký rất thành thạo:

- Nguyễn Thị Xinh hay Trần Văn Bát đều được tuốt chứ chú em!

Mắt hắn rực lên. Một trời bão giông quật nát khuôn mặt non nớt của hắn. Chị chủ quán giúi ánh nhìn vào nồi than rực lửa, thở dài. Gió cuối mùa hoang hoải, trượt những cơn rét hun hun bên kia dãy Mồng Gà.

ve phia anh den

Ảnh minh họa của Huy Tùng

Hắn bám vào mảng bê tông nhớt nhát. Chỉ cần một cú nhún nhẹ, hắn đã qua được bên kia. Bên kia! Bên kia quả là nỗi kinh hoàng của hắn, là nỗi khiếp sợ mỗi sáng mai hắn thức dậy. Hắn mệt mỏi chờ những tiết học trôi qua. Hắn ngồi xiêu vẹo, mồm miệng cứ ngoác ra chực ngáp. Không giờ học nào mà hắn không bị khiển trách. Ông thầy dạy Ngữ văn xách cặp đi nghiêng cả người, không biết nhiều về ai nhưng rất rành về hắn. Hắn bị quản thúc. Mọi cặp mắt cứ chĩa vào hắn, soi mói hắn suốt cả tiết học. Nhưng, quả đúng, hắn không ngoan, hắn là “tội đồ” của lớp 12H. Hầu như tất cả các giờ học hắn không ghi chép, hắn nhét vào sau đít một cuốn sổ nhàu nhĩ, ghi tất tật, mỗi thứ vài dòng cho có lệ. Giờ học, hắn ngồi thu mình trong góc lớp, chữ nghĩa ù ù đi qua tai rồi rơi tự do xuống ô cửa được sơn màu xanh dịu.

Hắn từng là đứa trẻ được đưa ra để lấy ví dụ, để làm gương soi cho bạn bè cùng trang lứa. Thầy cô chọn hắn để luyện thi văn hay, chữ tốt. Hắn có hoa tay, lại miệt mài luyện đêm, luyện ngày nên chữ viết đều tăm tắp, mềm mại như mây, như nước. Hắn thông minh, sáng dạ, lại được kèm bài bản nên “đánh đâu thắng đó”. Cha hắn là chủ xưởng gỗ với hàng trăm công nhân. Nhà hắn không thiếu thứ gì. Nói theo cách nói của ông chủ trẻ, mấy đời nhà hắn không thiếu tiền, chỉ thiếu một tấm bằng tiến sỹ để đúc bia, tạc tượng. Hắn là cháu đích tôn, là người kế nghiệp của dòng họ Trần Văn.

Lên lớp 6, hắn đươc tuyển thẳng vào trường năng khiếu huyện. Đứng đầu bảng danh sách vì thành tích “khủng” ở tiểu học, lại có sự quan tâm rất mực của phụ huynh nên hắn tiếp tục có tên trong danh sách của các lò luyện. Nhưng, hắn bắt đầu thấy chán. Hắn ngán ngẩm nhìn lịch học kín mít. Đi học, hắn có người đưa đón bằng xe bốn chỗ. Khi hết buổi học chiều ở lớp, hắn được đưa thẳng ra quán cơm đã đặt sẵn. Hắn ăn tối vội vàng để năm giờ mười lăm phút lại học tiếp ca ba. Về đến nhà, chưa kịp hoàn hồn, hắn lại được đưa vào phòng riêng ở tầng ba. Nơi ấy, gia sư đang đợi sẵn để trang bị kiến thức “một cách toàn diện” cho hắn.

Hắn tìm cách thoát ra khỏi mạng nhện mà người lớn đã giăng sẵn, bủa vây hắn. Hắn không thể bỏ học vì mỗi bước đi của hắn đều có người đưa đón. Ấy thế rồi, hắn đã nghĩ ra được một cách. Hắn chắc mẩm đó là diệu kế để hắn được hít thở khí trời, được tự do làm những gì hắn thích. Kỳ thi học sinh giỏi năm ấy, hắn được chọn thi cả 3 môn. Theo mẹ hắn, sâm nhung loại một phải cố mà theo, cố mà giỏi. Không, giỏi cũng chưa đủ, phải xuất sắc, thật xuất sắc mới “đứng được trên đầu thiên hạ”. Hắn bỏ ngoài tai những lời giáo huấn, hắn ghét cay, ghét đắng những lời có cánh, trên mây, trên mưa của những người được ba mẹ hắn mời đến. Ai cũng khen hắn thông minh hơn người, học một biết trăm, không học cũng biết. Thú thực, một thời còn là cậu bé chíp hôi, hắn mê say với các thành tích, với những lần đứng trên bục, giơ cao tấm giấy khen mực còn tươi rói. Rồi những lần về họ, ngày rằm, ngày tết, hắn phồng mũi, nở ngực vì những lời có cánh. Giữa đám trẻ con lít nhít, chưa rõ trống, rõ mái, hắn nổi bật lên với chiếc mào đỏ choách, dáng đi, dáng đứng của chú gà nòi.

Bây giờ, khi chạm vạch “mười ba”, tự dưng hắn thấy ớn khi suốt ngày dúi đầu vào những dãy con số, cách chia động từ ở thời quá khứ, hiện tại… Ớn, khi người ta xem hắn là thần đồng, là hiện tượng hiếm có, hiếm gặp ở thị trấn miền núi quán ăn nhiều hơn hiệu sách.

Hắn rắp tâm thực hiện kế hoạch. Nhưng, hắn đã trở thành kẻ “tự do”, tự do trong đổ vỡ!

Hắn đứng sững trước căn phòng bừa bộn và bể nát. Mẹ nhàu nhĩ trong bộ đồ ngủ, nước mắt ngắn dài xếp đồ vào túi xách. Ba cởi trần, mặt đỏ phừng phừng:

- Cút xéo ra khỏi nhà ông! Đồ đĩ rạc.

Mẹ hắn xông vào người đàn ông trước mắt, vừa cào xé, vừa khóc lóc thảm thiết. Mẹ đi, mang theo đứa em bốn tuổi.

Tổ ấm gia đình hắn vỡ nát sau tiếng gầm của ba, sau nụ cười khô khốc của mẹ. Hất mớ tóc nhuộm vàng và đôi mắt vẽ tô đậm màu như phường chèo, mẹ đi. Đi, như không từng có hắn trong cuộc đời. Đi không vướng bận, không mảy may xót thương cho đứa trẻ cô độc là hắn.

Một tháng sau, ba hắn đưa về nhà một người đàn bà và đứa con gái bảy tuổi. Hắn cay đắng nhận ra rằng, ngôi nhà mà hắn đang sống chất đầy sự giả dối!

Sau cái ngày định mệnh đó, hắn trượt dài xuống hố sâu thăm thẳm. Hắn như cái bóng, lầm lũi đi về trong ngôi nhà đó. Không ai biết đến sự có mặt của hắn. Người mẹ kế ăn diện ngất trời, môi son đỏ choét suốt ngày nằm dài trên ghế sô-pha. Mỗi lần ba hắn đưa mắt, có ý tìm hắn thì môi son đỏ choét ngoe nguýt làm căn nhà tối sầm. Hắn được tự do. Cái tự do quá mức với những gì hắn đã từng mong đợi. Hắn sống những ngày buồn tủi và lạnh thấu tim gan!

Nói đúng hơn, hắn cô độc và bị bỏ rơi!

*

Mỗi lần hắn mắc lỗi ở trường, ba nhìn hắn bằng cặp mắt vằn đỏ. Mà số lần hắn mắc lỗi ngày càng dày lên! Khi nhận điện từ trường gọi về của cô giáo chủ nhiệm, thể nào ba cũng kêu tên mẹ hắn, người đàn bà một thời tay kê, gối ấp để chửi. Ngôn từ thô tục làm hắn muốn nôn ọe. Ba hắn nói toẹt với hắn rằng, mẹ mày là một con đĩ! Hắn cười gằn. Ghếch chân trên ghế, chỉ vào đứa trẻ bảy tuổi, hắn thủng thẳng:

- Ông nói đ… gì nhiều! Cũng một tuồng cả thôi!

Vèo… Chiếc cốc vỡ tan trên nền gạch. Người đàn ông mắt nhuốm đỏ, rít lên:

- Thằng mất dạy… Cút, cút…

Hắn giũ giũ mớ tóc được nuôi dài chấm ót, nói với vào trong, giọng thách thức:

- Là ông đuổi tôi đấy nhé!

Hắn đi. Không ai trong ngôi nhà đó bận tâm đến hắn. Sáng, hắn lượn lờ trước cổng trường với cuốn sách vo tròn nhét đít. Quỹ thời gian vô tận, hắn chúi vào những trò chơi hút người trên màn vi tính.

Đã hơn một tuần, hắn ăn uống vạ vật. Hắn đói ăn và đói ngủ. Ngồi trong lớp, hắn không thể cưỡng nổi cơn buồn ngủ díp mắt. Thế là hắn lại gục mặt xuống bàn. Phần lớn thầy cô xem như không có hắn, mặc nhiên để cho chữ nghĩa ù ù đi qua tai hắn. Duy chỉ có cô giáo dạy Giáo dục công dân là chấp đếm hắn từng li. Và, dĩ nhiên là hắn sợ. Hắn sợ bị đuổi học. Dẫu gì nơi đây, hắn vẫn còn những thằng bạn thân.

Tiết học thứ 3. Hắn ngồi vào góc riêng ở dãy bàn cuối cùng. Chưa một lần hắn bị ghi vào sổ đầu bài dẫu việc hắn làm sai nhiều vô kể. Lúc đầu hắn rất ngạc nhiên. Nhưng rồi hắn dần hiểu… Cảm giác ấy khi mới đến thật dễ chịu, nhưng rồi hắn thấy đau. Nỗi đau bị bỏ rơi, bị ghẻ lạnh. Nỗi đau của kẻ bị đánh bật ra khỏi cuộc sống vốn muôn màu tươi đẹp.

Hắn ngồi im nghe mưa rơi. Mưa nhớt nhát và u buồn đổ dọc con đường mòn dẫn đến bãi ngô dài hút mắt. Khung cửa kính hắt khuôn mặt già trước tuổi với búi tóc dài sau gáy lên bầu trời mưa sẫm ướt. Ôi chao! Cái dáng dấp buồn thương ấy là của hắn, thằng bé không có tuổi thơ, dẫu đã từng được sống trong nhung lụa. Là của hắn, kẻ trai mười sáu tuổi bị quật ra đường bởi sự dối trá và ích kỷ của đấng sinh thành.

Hắn đứng bật dậy. Từ trên cao, đôi cặp mắt sắc chĩa thẳng về phía hắn. Cô giáo nghiêm nghị:

- Mời các em ngồi xuống! Thế nào Thắng, em có muốn ra khỏi lớp ngay khi cô mới vào không?

Hắn lí nhí, cả người run lên:

- Dạ, không…

Hắn đáp, mặt vẫn cúi gằm. Đã bao lần hắn tự hỏi nhưng không thể nào lý giải nổi vì sao hắn lại run sợ trước đôi mắt ấy nhiều như thế. Cô giáo mỉm cười, nụ cười mà hắn có cảm giác chỉ dành riêng cho hắn:

- Em hứa rồi đấy nhé!

Hắn gặc gặc đầu. Bao giờ cô giáo cũng hỏi hắn những câu như thế khi mới vào lớp. Khi hắn đã trả lời “không” có nghĩa là hắn phải thực hiện tất cả những quy định trong giờ của cô.

Ngày cô mới nhận lớp, hắn cố tình phá. Khi cô quay lên bảng, hắn giẫm chân bình bịch xuống nền gạch. Hắn đã chuẩn bị sẵn nếu cô “chộp” và kết tội ngay cho hắn. Nhưng, cô giáo không nói gì, chỉ mỉm cười.

Buổi học hôm sau, hắn giả tiếng chim lợn kêu. Cả lớp cười nghiêng ngả, còn hắn giả vờ lặng thinh. Cô giáo đợi dứt tiếng cười, kể cho cả lớp về tiếng kêu buồn của con chim lợn.

Hắn thôi không làm trò. Giờ sau, hắn nằm bẹp giữa bàn. Hắn bị dựng dậy, đứng cả tiết học trong góc bảng. Hắn phải viết bản cam kết. Và, cô giáo bao giờ cũng bắt đầu tiết học bằng câu hỏi ấy.

- Tiết học hôm nay, chúng ta sẽ thảo luận chủ đề về gia đình - cô giáo đi về phía hắn, nụ cười vẫn lẻm sắc trên đôi môi xinh đẹp - Cả lớp chia làm bốn nhóm, riêng bạn Thắng sẽ cùng cô phản biện và nhận xét nội dung thảo luận của các nhóm.

Hắn co người. Chiếc quần bò mài gối rách tua tủa. Trên kia, màu áo cánh sen dịu dàng và tươi mới của cô giáo làm hắn cảm thấy xấu hổ.

- Nào, mời đại diện các nhóm lên trình bày quan điểm của nhóm mình về một gia đình hạnh phúc!

Âm thanh trượt qua vai hắn, rơi thõng thượt giữa màn trời nhớt nhát. Bao năm rồi nhưng hắn vẫn còn nhớ rõ mồn một hình ảnh ba cột tóc mẹ vào chân cầu thang, mắt vằn máu. Mẹ đi. Đi giữa sự cồn cào nhớ nhung và hận thù của hắn. Mẹ đi, chưa một lần quay về tìm hắn. Đi, đi và không thèm biết đến cảm giác xót đau tận cùng của đứa con tội nghiệp.

Vụn vỡ bên tai hắn là giọng nói nhỏ nhưng rất ấm của Hạnh, bí thư lớp:

- Thưa cô và các bạn! Gia đình được ví như tế bào của xã hội, một gia đình không hạnh phúc cũng có thể xem như tế bào đó bị đột biến. Trong xã hội hiện nay, tế bào đột biến khá nhiều với muôn vàn lý do khác nhau. Phần lớn những đứa trẻ trong hoàn cảnh ấy trở thành sản phẩm bị lỗi…

Khung cửa kính nhớt nhát những giọt nước đen sì. Ngoài kia, nước thốc tháo chảy cuốn theo chú chim non vỡ tổ. Mắt hắn cay xè. Hắn di di ngón chân cái cáu bẩn xuống nền nhà. Những ngón chân bẩn thỉu, móng chân dài quặp vào trong.

Cô giáo dừng mắt nơi vừng trán đỏ ửng của hắn. Bao giờ cũng thế, khi đau khổ hay buồn giận tột cùng, trán hắn lại ửng đỏ. Hắn cảm thấy đôi mắt ấy đọc được những suy nghĩ tận cùng của hắn. Và, bất chợt, hắn nghe lòng dịu lại.

- Em xin phép cô và các bạn được nói - tiếng nói ồ ồ của Hùng mập làm cả lớp im bặt - Em xin phép được kể cho cô và các bạn nghe một câu chuyện có thực, là minh chứng cho tế bào bị đột biến và sản phẩm bị lỗi ngay khi mới ra “lò”. Cặp vợ chồng ấy lấy nhau không những vì tình yêu mà là tình yêu say đắm. Cô gái trẻ bất chấp sự ngăn cản của gia đình, từ bỏ cuộc sống giàu sang ở thành phố để theo chàng trai về lập nghiệp ở phố núi nghèo. Chàng trai là bộ đội phục viên, không có việc làm ổn định, cô gái là cành vàng lá ngọc không quen việc tay chân. Sống trong gia đình nghèo lại đông miệng ăn, họ chỉ cầm cự được gần một năm rồi xin đất, dựng lều ra ở riêng. Ngỡ chỉ cần tình yêu làm gia vị là cuộc sống đủ ngọt ngào, nhưng, sự vất vả cực nhọc của cuộc sống đời thường đã xô đẩy người vợ vào vòng tay người đàn ông khác. Bỏ lại hai đứa con, đứa lên hai, đứa chưa đầy năm, người phụ nữ đó theo một người đàn ông trên phố. Người cha cay đắng ở lại nuôi con, rồi buộc lòng phải lấy vợ để có người chăm sóc. Mẹ kế xuất thân bần hàn, khổ đè lên khổ nên hành hạ con chồng tối ngày. Người con lớn bỏ nhà, làm việc trong quán café trên phố, nhiễm HIV. Người em học hành không đến nơi, suốt ngày quậy phá bởi cuộc sống quá nhiều nỗi đau…

Từng nhát dao mỏng len lách, cứa sâu trong linh hồn đau khổ của hắn. Bên kia, Hùng mập đang di di những ngón tay cáu bẩn xuống mặt bàn, đôi mắt buồn sâu thẳm đang cố giữ những giọt nước mắt.

Màu áo của cô giáo bỗng tím đến lạ lùng. Cô lau mãi chiếc khăn lên phần bảng chưa viết. Không một tiếng động. Không cả cái trở mình!

Hắn muốn giơ tay, muốn được đứng lên…Nhưng, có cái gì đó nặng lắm, đau lắm đang đè lên trong lồng ngực của hắn.

Hắn biết mình đau. Nhưng, có nhiều nỗi đau còn đau hơn nỗi đau của hắn!

Hắn đi về phía có ánh đèn khi cơn mưa vẫn còn nặng hạt.

Cuối năm học

21/5/2016

Đọc thêm

Podcast truyện ngắn: Chiếc xe đạp

Podcast truyện ngắn: Chiếc xe đạp

Mỗi người sinh ra đều có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai. Bởi vậy, hãy luôn cùng nhau cố gắng trong mọi hoàn cảnh, để mỗi ngày cảm nhận cuộc sống tươi đẹp hơn.
Podcast truyện ngắn: Lênh đênh đời thúng

Podcast truyện ngắn: Lênh đênh đời thúng

Một già, một trẻ, nương tựa vào nhau mà sống. Bên nhau qua từng mùa biển động. Ngoại không còn đủ sức để vươn ra xa bờ, chỉ còn trông cậy vào chiếc thúng chòng chành...
Podcast tản văn: Rộn ràng tiếng vỗ cánh chim non

Podcast tản văn: Rộn ràng tiếng vỗ cánh chim non

Mùa hè mang theo bao điều kỳ diệu trong khu vườn nhỏ của tuổi thơ. Nếu quan sát kỹ ta sẽ thấy sự biến chuyển của muôn loài, và sẽ thấy khu vườn tuổi thơ không chỉ có cây xanh và hoa trái, mà còn là nơi chắp cánh cho những ước mơ đầu đời được bay xa.
Đưa dân ca ví, giặm “chạm” đến thế hệ Alpha

Đưa dân ca ví, giặm “chạm” đến thế hệ Alpha

Không còn là những lời ru xưa vang vọng trong ký ức, những lớp học dân ca của CLB Dân ca ví, giặm trẻ Hà Tĩnh đã được “làm mới” và trở thành sân chơi sáng tạo, giúp các em nhỏ thêm tự tin, gắn kết và yêu văn hóa truyền thống.
Podcast truyện ngắn: Ngày em đẹp nhất

Podcast truyện ngắn: Ngày em đẹp nhất

Từ mái ấm cô nhi viện đến lễ đường nơi Xóm Cồn, hành trình của Tuấn và Duyên là minh chứng cho một tình yêu đủ sâu để vượt qua nghịch cảnh, dù chỉ trong khoảnh khắc cuối cùng...
Podcast: Nơi neo giữ mái ấm gia đình

Podcast: Nơi neo giữ mái ấm gia đình

Mỗi người đều có một nơi để trở về, một ký ức để gìn giữ. Và, với nhiều người, đó chính là hình ảnh ngôi nhà xưa với những yêu thương đong đầy trong từng khoảnh khắc đời thường.
10 món bánh mì kẹp thịt ngon nhất thế giới

10 món bánh mì kẹp thịt ngon nhất thế giới

Bánh mì Việt Nam, sandwich kẹp thịt nguội Tây Ban Nha, bánh mì kẹp thịt cùng sốt ớt đỏ Mexico là những loại bánh kẹp được thực khách và chuyên gia ẩm thực xếp hạng ngon nhất thế giới.
“Hè rực rỡ - vui bất ngờ” - bùng nổ không khí hội hè tại Vinpearl & VinWonders khắp cả nước

“Hè rực rỡ - vui bất ngờ” - bùng nổ không khí hội hè tại Vinpearl & VinWonders khắp cả nước

Trải dài khắp ba miền đất nước, từ những khu nghỉ dưỡng xứng tầm tinh hoa đến các thiên đường giải trí tràn đầy năng lượng, Vinpearl & VinWonders với chiến dịch “Hè rực rỡ - Vui bất ngờ” mở ra chuỗi trải nghiệm độc bản, sẵn sàng thổi bùng không khí lễ hội, vui chơi bất tận kéo dài từ Bắc tới Nam.
Podcast tản văn: Hương quê

Podcast tản văn: Hương quê

Với nhiều người, quê hương luôn là miền ký ức ngọt ngào, là nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp nhất của tuổi thơ với những ngày tháng yên bình và giản dị.
Để dân ca ví, giặm thành sản phẩm du lịch hút khách

Để dân ca ví, giặm thành sản phẩm du lịch hút khách

Hà Tĩnh là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, trong đó có những làn điệu ví, giặm. Vậy làm gì để di sản dân ca ví, giặm trở thành sản phẩm du lịch văn hóa thu hút du khách?
Podcast truyện ngắn: Sơn nữ

Podcast truyện ngắn: Sơn nữ

Công việc của người giữ rừng chưa bao giờ là dễ dàng, bởi nhiều vất vả, thiếu thốn, hiểm nguy. Song với tình yêu rừng, họ đã vượt qua tất cả để góp sức bảo vệ đại ngàn.
Mưa rào mùa hạ

Podcast tản văn: Mưa rào mùa hạ

Kỷ niệm tuổi thơ luôn sâu lắng, ngọt ngào để ai đi xa cũng muốn trở về, muốn được sống lại những ngày xưa yêu dấu...
Khi di tích kết nối công nghệ

Khi di tích kết nối công nghệ

Ứng dụng công nghệ để quảng bá di tích, cách làm này tại Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang mở ra hướng tiếp cận mới, sinh động hơn, gần gũi hơn với du khách – đặc biệt là giới trẻ.