Thương quê ô nhiễm nguồn nước
Đường tới thôn 10, xã Sơn Hồng (Hương Sơn), lái xe taxi dầu đã khá quen, nhưng cũng phải vòng không biết bao nhiêu đoạn đường hẹp, dốc cua dài mới tới được “chốn thâm sơn cùng cốc”. Thôn 10 nay không còn hộ đói nữa, vẫn còn vài hộ nghèo. Tuy vậy, người dân nơi đây đang phải sống chung với nguồn nước bị ô nhiễm.
Nguồn nước ô nhiễm người dân địa phương vẫn thường dùng
Khi xe tới nhà anh Sơn, tình cờ, chúng tôi gặp ông Lê Quốc Bỉnh - Bí thư chi bộ thôn. Nghe tin chúng tôi muốn tìm hiểu thực hư “đại họa” căn bệnh ung thư ở đây, ông Bỉnh bộc bạch:
- Bây giờ, người dân thôn 10 múc nước giếng nấu ăn cũng lo, mà dùng nước khe suối cũng sợ. May sao, có anh Sơn táo bạo, thương dân, nên xây dựng nhà máy “chưng cất nước lọc” để dân dùng.
Ông Bỉnh dẫn chúng tôi đến một một con suối gần khu vực Đá Gân, vừa đi, vừa kể: “Chắc các anh đã từng nghe, thuở trước, xã Sơn Hồng được mệnh danh đất có “ma” sốt rét. Cả thôn 10, khi đội phòng dịch y tế huyện Hương Sơn về khám, lấy lam máu xét nghiệm, phát hiện có tới hơn nửa dân số bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Để triệt tiêu sốt rét, phải dùng bơm phun thuốc diệt muỗi. Nhà nào nhà nấy còn dùng bột DDT, 666 (loại hóa chất cực độc) để rải từ vườn đến ngõ. Đến nay đã 25 năm rồi, nhưng thứ ấy nếu vẫn âm ỉ ngấm vào đất thì gay lắm” - ông Bỉnh băn khoăn.
Chúng tôi rảo bước hơn một cây số, ông Bỉnh chỉ tay về ngọn đồi trước mắt và tiết lộ thêm: “Đây là đồi Khe Chòi, khoảng năm 1974 trở về trước, địa phương có một kho thuốc trừ sâu dự trữ của HTX nông nghiệp. Về sau đã dỡ bỏ, nhưng dấu tích còn lại thì chưa thể khắc phục và tẩy sạch được”. Ông Bỉnh cho biết, lúc thời tiết thay đổi, nền đất cũ ấy vẫn bốc mùi hôi nồng nặc. Nhiều nhà dân ở gần khu vực, ban đêm không tài nào ngủ được, bởi mùi thuốc sâu theo gió bay vào. Đáng sợ nhất, chất độc nơi nền đất cũ kho thuốc trừ sâu đó theo nước mưa tích tụ vào con khe, con suối quanh thôn.
Thật khủng khiếp, khi tôi đến con suối cận khu vực Đá Gân, bên những tảng đá phủ phục xám lạnh, cây hoang, cỏ dại vây kín. Một vũng nước sâu lút ngọn sào phủ đầy lá khô, củi mục và rêu. Màu nước đục ngầu, đủ các loài muỗi và côn trùng bủa vây. Đi thị sát một con suối khác, còn tệ hại hơn. Nhưng không ít người dân vẫn hàng ngày ra đó tắm giặt.
Ông Bỉnh cho biết: Từ 6 năm nay, không ít hộ dân thôn 10 có người mắc bệnh ung thư, hiện đã 18 người tử vong. Hầu hết đều bị ung thư dạ dày, phổi, vòm họng... Không ít người đột ngột giã từ cuộc sống khi tuổi đời còn trẻ.
Nhà máy nước, trước là để giúp dân
Người đàn ông nhỏ nhắn, miệng lúc nào cũng ánh lên nụ cười đôn hậu, tên là Lê Hồng Sơn (51 tuổi), hiện đang làm giám đốc một doanh nghiệp đá hoa cương tại Bình Dương. Sơn vốn sinh ra ở thôn 10, bố anh là ông Lê Huệ (quê gốc Quảng Nam), cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, rồi định cư tại đây. Học xong lớp 7, ở nhà sản xuất nông nghiệp được vài năm, đủ 18 tuổi, anh Sơn vào bộ đội. Hết nghĩa vụ, về quê cưới vợ, sinh con. Vì gia cảnh khó khăn, nên anh phải tạm biệt vợ con vào Nam lập nghiệp. Sau hơn chục năm bôn ba nơi đất khách, từ chỗ làm thuê, anh Sơn đã trở thành chủ doanh nghiệp tư nhân với 100 công nhân kỹ thuật lành nghề, cắt đá hoa cương phục vụ xây dựng các công trình trường học, trụ sở cơ quan, nhà ở.
Nhà máy của ông Sơn đã góp phần giúp người dân Sơn Hồng được sử dụng nước sạch.
Anh Sơn tâm sự: “Tháng 8 năm ngoái, tôi về thăm quê, gặp lúc cả xóm có 3 người đều tử vong vì căn bệnh ung thư. Thắp hương cho người hàng xóm về, tôi thấy xót xa quá. Lại nghe vợ bàn nên sớm di dời cả nhà vào Nam ở. “Giếng mình đào sâu và nước trong, nhưng chắc gì đã an toàn” - vợ tôi lo lắng. Nghe thế, tôi thấy thương vợ, thương con, nhưng lại nghĩ đến cội nguồn quê hương, làm sao bỏ xứ sở nặng tình, nặng nghĩa này đi được. Và tôi đã quyết định đầu tư xây nhà máy lọc nước vừa phục vụ gia đình mình, vừa phục vụ bà con. Nhà máy hoàn thành, tôi giao cho con trai út là Lê Hồng Tuyên quản lý.
Nhà máy lọc nước cách nhà anh Sơn chưa đầy vài chục sải tay, có diện tích hơn 1.000 m2. Sau lưng nhà máy là đỉnh núi Hang Rò xanh tươi và thơ mộng. Cả mái và 4 bức tường của nhà máy nước đều được phủ kín bằng lớp tôn sơn xanh.
“Tính ra, cả vốn tự có và vay mượn bạn bè đầu tư xây dựng nhà máy gần 2 tỷ đồng” - anh Sơn nói.
Cháu Lê Hồng Tuyên (24 tuổi) đã được bố phong chức “giám đốc trẻ” của “Nhà máy nước tinh khiết Trường Sơn”, quản lý 5 công nhân trẻ với nhiệm vụ hàng ngày sản xuất nước lọc. Tuyên giới thiệu với chúng tôi vài nét cơ bản về nhà máy: 3 “chiếc cột tròn dài” này là 3 ống lọc nước hoạt tính. 3 cái tháp xanh kia chính là 3 bồn chứa nước lọc. Công suất mỗi bồn chứa 5.000 lít/ngày. Đằng sau nhà xưởng, chiếc bể to hình vuông lớn đó là bể nước thải từ nhà máy. Nhưng để có nguồn nước lọc tinh khiết, phải dùng mũi khoan sâu gần 40m.
Ông Lê Quốc Bỉnh cho hay: “Nhà máy nước của anh Sơn mới đi vào hoạt động được 8 tháng, nhưng người dân nơi đây phấn khởi lắm. Họ lấy nước về uống, nấu cơm, nấu nước chè. Thấy dân đến, anh Sơn như mở cờ trong bụng. Anh dặn, từ nay, các bác, các cô nên dùng nước này. Nước lọc ở đây không chỉ phục vụ bà con trong thôn mà còn phục vụ các cán bộ ở xã Sơn Hồng và Bộ đội Biên phòng Đồn 565 nữa...”.
Tôi hỏi về bài toán kinh doanh của nhà máy nước, anh Sơn thành thật: “Trước mắt, tôi giúp dân đã... Nước lọc ở đây chất lượng tốt, giá thành rẻ và mình làm những điều nhân nghĩa giúp dân, ắt sẽ có nhiều người ủng hộ”.
Tháng 9/2016