Trong căn nhà nhỏ ở thôn Hữu Ninh, xã Thạch Mỹ (Lộc Hà), ông Cát đang loay hoay tìm chỗ trang trọng nhất để treo những tấm bằng chứng nhận danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” do Chủ tịch nước ký tặng. Những người được truy tặng đó là bà nội ông - cụ Trần Thị Trực có 2 người con trai là Trần Quốc Khang, Trần Quốc Đàm hy sinh trong chiến tranh; mự ruột của ông, bà Trần Thị Vận (vợ liệt sỹ Đàm) có con trai là Trần Quốc Tường hy sinh anh dũng tại chiến trường miền Nam. Riêng mẹ ông - bà Nguyễn Thị Bỉnh (vợ liệt sỹ Khang) có con trai là Trần Quốc Thái cũng hy sinh trên chiến trường miền Nam, nhưng do một số sơ suất về giấy tờ nên chưa được công nhận đợt này, đang chờ hoàn thiện hồ sơ.
Ông Trần Quốc Cát và vợ rưng rưng xúc động trước danh hiệu cao quý của những người mẹ anh hùng.
Lục lại ký ức mơ hồ với những thông tin chắp nối, ông Trần Quốc Cát tâm sự: “Trước năm 1954, ông bà nội tôi có 5 người con, 3 trai, 2 gái đều đã có gia đình. Các cháu của ông bà đã trưởng thành và lần lượt lên đường bảo vệ Tổ quốc (ông Cát vào chiến trường năm 1959). Ở hậu phương, vào những năm Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, các con trai ông bà cũng tham gia dân công hỏa tuyến, đảm bảo giao thông trên địa bàn (1967-1968). Trong các cuộc chiến đấu anh dũng, 2 người con trai của bà Trực là ông Khang và ông Đàm đã hy sinh trong một trận ném bom tàn khốc của đế quốc Mỹ. Nỗi đau mất con của bà Trực, nỗi đau mất chồng của bà Bỉnh, bà Vận chưa nguôi thì họ lại liên tiếp nhận được giấy báo tử của liệt sỹ Thái và Tường.
3 người phụ nữ luôn kiên cường vượt qua nỗi đau để chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cháu, làm hậu phương vững chắc cho những người thân đang chiến đấu trên chiến trường. Họ vẫn vững vàng với niềm tin son sắt vào ngày độc lập, thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, họ lại tiếp tục thiên chức của người vợ, người mẹ và chẳng hề đòi hỏi, chờ mong sự đáp đền cho những mất mát, hy sinh cho đến ngày nhắm mắt, xuôi tay. Những người con, người cháu của các mẹ bao năm trời vẫn thờ phụng, hương khói vào ngày giỗ, tết. “Chỉ ngày kỵ trong gia đình thôi chứ bà, mẹ, mự tôi chưa hề được hương khói, tri ân vào ngày 27/7 hàng năm” – ông Cát trầm tư.
Mãi sau này, khi Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 ngày 20/10/2012 có hiệu lực, bà, mẹ, mự của ông Cát mới thuộc trường hợp được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” vì có 2 con trở lên là liệt sĩ hoặc có 1 con và chồng là liệt sĩ.
Tuy nhiên, thời điểm đầu, do thiếu thông tin từ các cấp, ngành, cùng với hồ sơ, giấy tờ bị thất lạc, gia đình ông Cát đã không nắm bắt được các quy định để làm hồ sơ hưởng chế độ. “Mãi sau này được cán bộ chính sách xã nhiệt tình hướng dẫn, cung cấp thông tin, tư liệu nên tôi mới hoàn thiện hồ sơ cho bà, mẹ và mự tôi để được xét duyệt. Đến nay, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu cho bà nội và mự tôi, vừa rồi, tôi vinh dự được lên tỉnh nhận. Có chút tiếc nuối là mẹ tôi chưa được nhận dịp này nhưng dù sao đó cũng đã là niềm vui, niềm hạnh phúc quá lớn lao đối với gia đình, dòng tộc chúng tôi” - ông Cát run run ôm những tấm bằng ghi công vào lòng, đôi mắt ánh lên niềm xúc động.
Dù muộn nhưng sự hy sinh, cống hiến của người đã khuất đã được đền đáp xứng đáng. Với gia đình ông Cát và hơn 40 gia đình có bà mẹ được nhận danh hiệu cao quý vừa qua, tháng 7 này vẹn nguyên niềm tin mùa tri ân!