Chiếc xe thùng vừa đỗ xịch trong khuôn viên hội trường, bị cáo xuất hiện trước hàng trăm ánh nhìn dò xét, tò mò của những người dự khán. Bộ quần áo trang nghiêm, gọn gàng không đủ khỏa lấp vẻ mệt mỏi, lo lắng trên gương mặt người đàn ông tội lỗi. Cứ thế, bị cáo cúi gằm mặt bước đi giữa bao lời chỉ trích, phê phán liên tiếp chĩa về phía mình.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, trong 2 ngày 5 và 13/6/2016, Nguyễn Trọng Chức (tổ dân phố 7, thị trấn Thạch Hà) đã 2 lần thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Bị cáo lấy trộm của chị Phạm Thị Quỳnh Hoa (thôn Hương Lộc, Thạch Thanh) 1 chỉ vàng, 1 máy tính xách tay và 18 triệu đồng tiền mặt; “chôm” của anh Lê Đình Dương (thôn Trung Tiến, xã Phù Việt) 1 xe máy SH 125 và 1 xe máy điện. Tổng số tài sản đã bị Chức chiếm đoạt trị giá gần 70 triệu đồng.
Ảnh minh họa
Thú nhận về hành vi sai trái trước những người thực thi pháp luật, Chức thừa nhận sơ hở của chủ nhà đã khiến bị cáo nảy sinh ý định gây án. Sự bất cẩn, chủ quan của những gia đình đi làm vào ban ngày nhưng không có người trông coi nhà hoặc đêm tối ngủ say, không kiểm tra kỹ cửa ra vào, ban công… đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đạo chích “có đất dụng võ”. Bị cáo khai, kìm cộng lực, vam phá khóa… chính là công cụ đắc lực cho kẻ trộm khi đã đột nhập vào bên trong.
Vị hội thẩm nhân dân đưa ra lời cảnh báo tới người dân, ngoài việc đột nhập nhà dân để trộm cắp thì “con mồi” mà loại tội phạm này nhắm đến còn có các cơ quan, trường học và doanh nghiệp. Thủ đoạn của kẻ gian là chọn những đơn vị có phòng bảo vệ cách xa trụ sở, xung quanh vắng nhà dân và không có hệ thống camera an ninh, chuông báo động để đột nhập. Sau những vụ trộm cắp xảy ra, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra phá án, vì những đơn vị này có nhiều người ra vào, khi xảy ra trộm cắp không được phát hiện kịp thời nên những dấu vết tại hiện trường bị xáo trộn.
Hầu hết đối tượng gây ra các vụ trộm cắp tài sản có tuổi đời trên dưới 30, là đối tượng nghiện ngập, một bộ phận thanh thiếu niên lười lao động và không có nghề nghiệp ổn định. Chúng thường xuyên theo dõi, tìm hiểu quy luật sinh hoạt của người dân và bảo vệ các đơn vị, khi phát hiện nhà dân không có người ở nhà, không khóa cửa, ngủ say; bảo vệ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sơ hở sẽ đột nhập để trộm cắp. Sau khi thực hiện trót lọt, các đối tượng thường thay đổi địa bàn hoạt động để tránh sự điều tra của cơ quan chức năng.
Kết thúc phần tranh tụng, hội đồng xét xử khuyến cáo các hộ dân phải kiểm tra kỹ cửa ra vào, nếu cần thiết, cần gia cố sửa chữa lại, tránh bị kẻ gian viếng thăm. Người dân không nên để các tài sản có giá trị khi đi khỏi nhà mà không có người trông coi. Các cơ quan, trường học, doanh nghiệp hay gia đình kinh doanh cần lắp đặt hệ thống camera an ninh, chuông báo động và bố trí lực lượng bảo vệ phù hợp với thực tế của đơn vị để thực hiện tốt công tác bảo vệ tài sản.
36 tháng tù giam và bồi thường thiệt hại cho các bị hại số tiền 68.465.000 đồng là bản án cuối cùng dành cho Nguyễn Trọng Chức, được đông đảo bà con nhân dân đồng tình cao. Đây không chỉ là hình phạt thích đáng đối với Nguyễn Trọng Chức mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh những kẻ xem thường pháp luật, lười biếng lao động, chiếm đoạt tài sản của người khác để tư lợi cho bản thân, gây ảnh hưởng xấu đến TTATXH trên địa bàn. Án tuyên, nước mắt hối lỗi muộn màng ướt nhòe trên gương mặt bị cáo!