Vi khuẩn tiến hóa ăn nhựa

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Thụy Điển cho thấy, nhiều loại vi khuẩn đã tiến hóa để ăn rác thải nhựa.

Theo đó, nhóm nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Chalmers, Thụy Điển đã kiểm tra hơn 200 triệu mẫu gen lấy từ 236 địa điểm trên thế giới, và tìm thấy 30.000 loại enzyme mới có thể phân hủy 10 loại nhựa. Có 12.000 enzyme mới được tìm thấy trong các mẫu lấy từ đại dương ở 67 địa điểm và 3 tầng nước khác nhau. Các mẫu đất được lấy từ 169 địa điểm tại 38 quốc gia và 11 môi trường sống chứa 18.000 enzyme có thể phân hủy nhựa.

Một địa điểm lấy mẫu nghiên cứu

Jan Zrimec, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi không ngờ có thể tìm thấy một số lượng lớn enzyme như vậy trên rất nhiều loài vi khuẩn và môi trường sống khác nhau. Đây là một khám phá đáng ngạc nhiên”.

Bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ thử nghiệm các enzyme tiềm năng nhất trong phòng thí nghiệm để kiểm tra đặc tính và tỷ lệ phân hủy nhựa có thể đạt được. Việc sử dụng enzyme để phá vỡ cấu trúc của nhựa nhanh chóng sẽ giúp tái chế nhựa cũ thành sản phẩm mới, giảm nhu cầu sản xuất nhựa mới.

Năm 2016, vi khuẩn ăn nhựa đầu tiên được phát hiện tại bãi rác ở Nhật Bản. Các nhà khoa học sau đó chỉnh sửa và tạo ra một loại enzyme giúp phân hủy nhựa tốt hơn, tăng tốc độ phân hủy lên 6 lần. Công ty Carbios, Pháp năm 2020 cũng tạo ra enzyme đột biến giúp phân hủy chai nhựa để tái chế trong vài giờ.

Theo SGGP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói