Vi phạm nồng độ cồn: Chiêu “gọi điện cho người thân” hết tác dụng!

(Baohatinh.vn) - Với sự kiên quyết của cơ quan chức năng, việc “xin xỏ”, “gọi điện thoại cho người thân” của các tài xế vi phạm quy định về nồng độ cồn ở Hà Tĩnh đã không còn tác dụng.

Tổ công tác Bộ Công an kiểm tra nồng độ cồn tại Km 427+900 đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận TDP 1, thị trấn Hương Khê vào chiều ngày 7/10/2023.

Ngày 7/10/2023, anh Đ.C.H trú tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) là trạm trưởng một trạm y tế trên địa bàn điều khiển xe ô tô khi đã sử dụng đồ uống có cồn.

Tổ công tác số 5, Cục Cảnh sát giao thông (C08 - Bộ Công an) đã kiểm tra nồng độ cồn của anh H. Kết quả kiểm tra cho thấy, anh này có nồng độ cồn 0.520 miligam/1 lít khí thở. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, cơ quan chức năng, UBND huyện Hương Khê đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 35 triệu đồng đối với anh H., đồng thời, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23 tháng.

Anh H. là một trong những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm quy định nồng độ cồn bị lực lượng chức năng kiên quyết xử lý tại Hà Tĩnh trong thời gian gần đây. Và những trường hợp như anh H. không còn là ngoại lệ khi mà không ít cán bộ, công chức, thậm chí cả những người công tác trong những ngành thuộc lĩnh vực nội chính vi phạm đều bị xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Việc xử lý vi phạm quy định về an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn không có “vùng cấm”.

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), trong số hàng nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý trên cả nước gần đây, có hàng trăm trường hợp là cán bộ, công chức; đảng viên.

Có người giữ vị trí lãnh đạo như Chủ tịch UBND phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội); Phó Giám đốc Trung tâm Quỹ đất TP Bắc Giang, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường TP Bắc Giang; Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự của một huyện tại TP Hồ Chí Minh; cán bộ Chi cục Thuế khu vực Bến Cát - huyện Bàu Bàng (Bình Dương); Giám đốc Bưu điện TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Ea Kar (Đăk Lăk)...

Đáng chú ý, trong số các trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, có cả người giữ vị trí lãnh đạo, đang công tác trong ngành công an như: Phó trưởng Công an TP Thái Nguyên, Trưởng Công an một phường ở quận Cầu Giấy (Hà Nội)...

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn Hà Tĩnh.

Ngoài áp dụng các mức phạt theo quy định, lực lượng chức năng còn gửi thông báo về cơ quan, đơn vị công tác đối với cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, quy chế của cơ quan.

Kết quả xử lý cho thấy, lực lượng chức năng đã thực sự kiên quyết, nghiêm minh với những vi phạm quy định về an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn. Việc chống đối, bất hợp tác hoặc phương án gọi điện thoại “cầu cứu” người thân gần như không còn tác dụng.

Xe “biển xanh” vẫn bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn

Một số lái xe của các cơ quan nhà nước tại Hà Tĩnh cho biết, dù đang điều khiển xe “biển xanh” nhưng họ vẫn bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn như các chủ phương tiện khác. Điều này càng cho thấy, việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn hiện nay không có "vùng cấm”.

Hiểm họa tai nạn giao thông từ việc sử dụng rượu bia là điều luôn hiện hữu nhưng không phải ai cũng đủ bản lĩnh, tỉnh táo để nhận thức được điều đó khi đã bước vào cuộc vui. Sự ham vui và lối suy nghĩ “cậy quyền, cậy chức”, “bị công an kiểm tra thì nhờ người can thiệp” đã khiến nhiều “thánh nhậu” coi thường tính mạng của mình và người khác, quên mất trách nhiệm với gia đình, cộng đồng.

Người dân cần tự hình thành ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông.

Việc cơ quan chức năng mạnh tay, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ trong kiểm tra, xử phạt nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân. Đã đến lúc việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông không thể làm theo đợt, theo chiến dịch, mà cần tiến hành thường xuyên; không chỉ ở địa bàn trọng điểm, mà phải ở nhiều địa bàn khác nhau. Và đặc biệt là phải nghiêm cấm sự can thiệp vào quá trình kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng. Có như vậy, nhiều người mới từ bỏ thói quen “nhờ vả”, dần hình thành ý thức, trách nhiệm mỗi khi cầm lái.

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói