Giá xăng dầu tăng qua các kỳ điều chỉnh trong tháng 8 đã tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng.
Xét trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm chỉ số giá biến động tăng so với tháng trước, trong đó tăng mạnh nhất ở nhóm giao thông (tăng 3,12%) do giá xăng, dầu qua các kỳ điều chỉnh tăng trong tháng dẫn tới giá bình quân tăng mạnh so với tháng trước. Mức giá nhiên liệu cao còn ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí trung gian của các loại hàng hóa khác.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,92% so với với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do giá gạo tăng và nhu cầu mua sắm tăng cao trong dịp rằm tháng Bảy. 5 nhóm còn lại (đồ uống và thuốc lá, thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục, hàng hóa và dịch vụ khác) có mức tăng nhẹ hơn, tập trung ở một số nhóm hàng phục vụ năm học mới.
Nhu cầu mua sắm tăng dịp rằm tháng Bảy là yếu tố đưa CPI tháng 8/2023 tăng 0,63% so với tháng trước.
So với tháng trước, 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số CPI tháng 8 giảm là: nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,05%; hàng may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,17%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,31%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá ổn định và không biến động.
Như vậy, giá xăng dầu, giá gạo tăng kèm theo nhu cầu mua sắm trong dịp rằm tháng Bảy và mua sắm đồ dùng phục vụ năm học mới tăng là những yếu tố chính khiến chỉ số CPI tháng 8/2023 tại Hà Tĩnh tăng 0,63% so với tháng trước.
Tính chung trong 8 tháng năm 2023 chỉ số giá CPI bình quân tăng 1,63% so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định Cục Thống kê, mặc dù chỉ số giá đến nay vẫn được kiểm soát nhưng đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian tới.
CPI (được viết tắt từ cụm Consumer Price Index) là chỉ số giá tiêu dùng nhằm mục tiêu thể hiện mức giá tiêu thụ bình quân cho giỏ hàng hóa hay dịch vụ mà người tiêu dùng mua. Chỉ số CPI được tính theo phần trăm để biểu thị sự thay đổi của giá tiêu dùng theo thời gian. |