Vì sao MTTQ kiến nghị tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng?

Các đại biểu là người ngoài Đảng ở khóa XIV đều được cử tri tín nhiệm. Họ đều thể hiện tâm huyết, trách nhiệm cao trước nhân dân.

Theo cơ cấu dự kiến, Quốc hội khóa XV có 25 - 50 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là người ngoài Đảng. Trong báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tăng thêm tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng so với dự kiến của UBTVQH.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN về nội dung này, ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, tỷ lệ đại biểu người ngoài Đảng là thành phần rất quan trọng. Do vậy, Mặt trận đề nghị quan tâm tới người ngoài Đảng bởi thực tế, trong nhiều khóa vừa qua, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng chưa được bảo đảm.

Vì sao MTTQ kiến nghị tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng?

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (Ảnh: Thi Uyên)

Ông Thực cũng cho rằng, tỷ lệ đại biểu người ngoài Đảng vào khoảng 5-10% là tốt. Kiến nghị của Mặt trận là nhằm giữ được tỷ lệ này. Ở khóa XIV, chúng ta có 21 đại biểu là người ngoài Đảng, cũng chưa đạt được tỷ lệ đó.

- PV: Thưa ông, vì sao Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị tăng thêm tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng?

Ông Ngô Sách Thực: Có nhiều lý do, một trong nhiều lý do đó là hiện nay chúng ta thấy đảng viên đều là những người ưu tú, đều phấn đấu vì đất nước, dân tộc nhưng số lượng đảng viên chỉ có trên 5 triệu người, trong khi dân số cả nước gần 100 triệu. Thứ nữa, thành phần của Mặt trận trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ngoài tổ chức thành viên, còn có những cá nhân tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực, vì nhiều lý do họ có thể chưa trở thành đảng viên nhưng họ luôn tán thành với đường lối đổi mới của Đảng, đưa đất nước phát triển giàu đẹp, văn minh. Họ là các nhân sĩ trí thức, công nhân, nông dân, văn nghệ sĩ…, nếu có đủ điều kiện và tiêu chuẩn thì cũng nên quan tâm.

- PV: Khóa XIV chúng ta có 21 đại biểu là người ngoài Đảng. Ông thấy các đại biểu đó hoạt động thế nào?

Ông Ngô Sách Thực: Tôi thấy các đại biểu là người ngoài Đảng ở khóa XIV đều được cử tri tín nhiệm. Họ đều thể hiện tâm huyết, trách nhiệm cao trước nhân dân. Một điểm đặc biệt ở họ là sự thẳng thắn, nắm bắt tâm tư của người dân với tinh thần trách nhiệm và xây dựng.

Vì sao MTTQ kiến nghị tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu ý kiến trên diễn đàn Quốc hội.

Ở khóa XIV, có thể kể tới một số đại biểu như ông Nguyễn Lân Hiếu, ông Dương Trung Quốc… Họ đều là những trí thức, có kinh nghiệm hoạt động trên các lĩnh vực nên các ý kiến đóng góp của họ trên nghị trường đều rất sâu sắc, tích cực. Với những hiểu biết trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế cộng đồng, ông Nguyễn Lân Hiếu đã có những ý kiến đóng góp, chất vấn liên quan sát sườn đến người dân; hay việc chỉ rõ vấn đề “phạt cho tồn tại” trong lĩnh vực xây dựng của đại biểu Dương Trung Quốc đã để lại dấu ấn đậm nét, được người dân cũng như các đại biểu đánh giá cao…

- PV: Có trường hợp nào đáng tiếc không, thưa ông?

Ông Ngô Sách Thực: Về cơ bản, các đại biểu là người ngoài Đảng ở khóa này nhìn chung là tốt, tuân thủ quy định pháp luật, cũng như các quy định về trách nhiệm đại biểu. Như trên tôi đã nói, họ đều rất tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm không chỉ cử tri mà các cơ quan, đoàn thể cũng đánh giá rất cao.

- PV: Để lựa chọn được những đại biểu ngoài Đảng thật sự chất lượng, quy trình giới thiệu và hiệp thương cần tiến hành như thế nào cho chặt chẽ, thừa ông ?

Ông Ngô Sách Thực: Trước hết phải khẳng định tất cả các đối tượng ứng cử hay tự ứng cử, người ngoài Đảng hay đảng viên đều bình đẳng trước pháp luật. Như vậy, quy trình để giới thiệu phải thực sự dân chủ, công khai, các bước trong quy trình phải được tuân thủ: dù là đại biểu ngoài Đảng, đại biểu tự ứng cử hay đại biểu được giới thiệu cũng đều phải nhận được sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác cũng như nơi cư trú theo đúng quy trình. Đây cũng là một trong những khâu đầu tiên rà soát, phát hiện những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Qua các hoạt động tiếp xúc sau các vòng hiệp thương, người dân theo dõi, nhận xét, đánh giá cũng là một cơ sở để có thể đánh giá ứng cử viên.

- PV: Có ý kiến cho rằng, người ngoài Đảng vào Quốc hội rất khó khăn. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Ông Ngô Sách Thực: Trước hết, phải khẳng định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tiễn, nhận thức về mặt xã hội cũng chưa hẳn đã đầy đủ về tạo điều kiện cho mọi thành phần. Theo tôi cần có sự tuyên truyền rộng rãi hơn nữa.

Nhưng tôi cho rằng, công tác bầu cử được tổ chức một cách rõ ràng, dân chủ, khách quan; những người được giới thiệu, người tự ứng cử đều bảo đảm đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn khi đã đưa ra công khai ở các hội nghị cử tri, hội nghị hiệp thương, không lý gì người đủ điều kiện, tiêu chuẩn lại không được lựa chọn để giới thiệu cho nhân dân bầu cử.

- PV: Vậy Mặt trận có vai trò gì trong việc tăng tỷ lệ người ngoài Đảng tham gia Quốc hội?

Ông Ngô Sách Thực: Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thường trực của Quốc hội, thường trực Hội đồng nhân dân các cấp trong việc phát hiện, giới thiệu và tạo điều kiện khách quan, xóa bỏ mọi rào cản để người tự ứng cử hay người được cơ quan, đoàn thể giới thiệu ứng cử đều bình đẳng.

- PV: Ông kỳ vọng gì nếu Quốc hội có nhiều đại diện là người ngoài Đảng?

Ông Ngô Sách Thực: Nếu đạt được tỷ lệ 25-50 đại biểu là người ngoài Đảng trong Quốc hội khóa này là rất tốt. Tôi tin tưởng với tỷ lệ này, sẽ phát huy được trí tuệ và tinh thần đoàn kết của tất cả các giai tầng, thành phần trong Quốc hội.

- PV: Xin cảm ơn ông!

Theo VOV

Chủ đề BẦU CỬ ĐBQH VÀ HĐND CÁC CẤP

Chủ đề Hỏi đáp bầu cử

Đọc thêm